Bỏ vân tay trên bề mặt thẻ căn cước để bảo đảm tính bảo mật
Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, việc bỏ vân tay trên bề mặt thẻ để bảo đảm tính bảo mật. Còn việc sửa đổi một số thông tin trên căn cước là để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ.
Ngày 25/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Căn cước. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu tối đa ý kiến đại biểu Quốc hội, đã chỉnh lý, hoàn thiện có 7 chương với 46 điều.
Không trùng lặp thông tin trên thẻ căn cước
Báo cáo giải trình, tiếp thu dự án luật, đại diện cơ quan thẩm tra - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, một số ý kiến đề nghị chỉ nên thể hiện trên thẻ căn cước những thông tin mang tính chất ổn định; không nên sử dụng QR code, chỉ nên dùng chip điện tử trên thẻ căn cước.
Về vấn đề trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, các thông tin thể hiện trên thẻ căn cước đã được đánh giá cụ thể, bảo đảm không trùng lặp giữa các trường thông tin, thống nhất giữa những loại giấy tờ tùy thân phổ biến hiện nay.
Còn việc tích hợp cả QR code và chíp điện tử trên thẻ căn cước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng thông tin công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.
Việc dự thảo luật bỏ vân tay trên bề mặt thẻ để bảo đảm tính bảo mật trong quá trình sử dụng thẻ. Còn việc bỏ thông tin ‘quê quán’, sửa đổi ‘căn cước công dân’ thành “thẻ căn cước”, “nơi thường trú” thành “nơi cư trú”... để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước.
Một số ý kiến đề nghị cân nhắc, đánh giá kỹ về những thông tin được bổ sung quy định vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước bảo đảm tính bảo mật của thông tin. Có ý kiến đề nghị cân nhắc các trường thông tin bảo đảm tính ổn định, thường xuyên.
Trước ý kiến trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, để triển khai Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia), thì việc mở rộng, tích hợp thêm nhiều thông tin khác của công dân trong các cơ sở dữ liệu chuyên ngành vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước là rất cần thiết.
Ngoài ra, dự thảo luật cũng có những quy định bảo đảm độ an toàn cao, bảo đảm kiểm soát an ninh mạng tốt nhất, bảo vệ ở mức cao nhất đối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước.
Bộ Chính trị đồng ý chủ trương xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia
Cơ quan thẩm tra dự luật cho biết, cũng có ý kiến đề cập đến việc xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, hiện nay đề án xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia đã được Bộ Chính trị đồng ý về chủ trương cho phép thực hiện đề án và Chính phủ đã hoàn thiện các thủ tục, sẽ sớm ban hành nghị quyết phê duyệt đề án này trong thời gian tới.
“Như vậy, đến thời điểm này, việc xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia cơ bản đã rõ. Việc quy định trung tâm dữ liệu quốc gia trong dự thảo luật sẽ tạo cơ sở cho việc triển khai kết nối, chia sẻ thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với trung tâm dữ liệu quốc gia ngay sau khi dự án Luật Căn cước được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành”, đại diện cơ quan thẩm tra cho hay.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, cũng có ý kiến đề nghị không nên giao Chính phủ quy định các thông tin khác được chia sẻ từ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành mà quy định ngay trong luật để bảo đảm quyền của công dân.
Về vấn đề trên, cơ quan thẩm tra cho biết, hiện nay việc kết nối, chia sẻ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các bộ ngành, địa phương đang được triển khai thực hiện quyết liệt, đã đem lại những kết quả thiết thực.
Nhiều bộ ngành, địa phương đã tiết kiệm được chi phí trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành khi đã được kết nối, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Theo cơ quan thẩm tra, việc giao Chính phủ quy định chi tiết những thông tin khác được cập nhật trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm vừa bảo đảm tính ổn định của dự thảo Luật, nhưng vẫn có tính linh hoạt đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và nhu cầu thu thập, cập nhật thông tin trong từng thời kỳ.