Theo quyết định của Bộ Xây dựng, chỉ số giá xây dựng cụ thể sẽ khác nhau tùy theo loại công trình phổ biến (bình quân cho cả nước) được chia thành các nhóm như xây dựng dân dụng, công trình công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật, giao thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn...
Cụ thể, chỉ số giá xây dựng công trình nhà ở là 106,6%, công trình trụ sở cơ quan, văn phòng là 105,3%, công trình y tế, giáo dục và văn hóa (rạp chiếu phim, bảo tàng, nhà hát...) lần lượt là 102,7%, 104,9% và 105,8%.
Đối với các công trình công nghiệp, chỉ số giá xây dựng công trình sản xuất vật liệu xây dựng (nhà máy sản xuất gạch, ngói) là 101,9%, công trình năng lượng như dây điện và trạm biến áp lần lượt là 109,9% và 101%.
Bên cạnh đó, đối với các công trình giao thông, chỉ số xây dựng công trình cầu đường bộ (cầu Bê tông xi măng) là 109,9%, đường bê tông xi măng là 103,6%, đường bê tông nhựa là 105,5%.
Các chỉ số giá xây dựng còn lại liên quan đến công trình thủy lợi, công trình đê điều, trạm bơm tưới tiêu, công trình cấp nước...
Tuy nhiên, chỉ số giá xây dựng quốc gia được công bố không sử dụng để điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng.
Theo công bố, chỉ số giá xây dựng quốc gia năm 2021 có chỉ số giá xây dựng công trình bình quân của cả nước là 105,4% so với năm gốc 2020 (100%).
Chỉ số giá xây dựng quốc gia là chỉ tiêu tương đối phản ánh mức độ biến động của giá xây dựng công trình theo thời gian trên phạm vi cả nước. Do đó, chỉ số này được sử dụng làm cơ sở xác định suất vốn đầu tư, tham khảo trong phân tích mức độ biến động giá bình quân của chỉ số giá xây dựng khi xác định chi phí dự phòng trong tổng mức đầu tư và các công việc liên quan đến đánh giá biến động giá xây dựng công trình phục vụ quản lý, điều hành vĩ mô.
Quyết định của Bộ Xây dựng có hiệu lực từ ngày 9/3.