'Bom thủy ngân' khổng lồ ẩn náu trong lớp đất, hơn 3 triệu người có nguy cơ sẽ hoàn toàn biến mất vào năm 2050
Lượng thủy ngân nằm trong lớp đất này thậm chí có thể lớn hơn tổng lượng thủy ngân trong đại dương, đất, khí quyển và sinh quyển cộng lại.
Theo một bài báo mới trên tạp chí Environmental Research Letters, sự tan chảy của lớp đất đóng băng vĩnh cửu ở Bắc Cực có thể khiến thủy ngân độc hại rò rỉ vào nước các con sông ở Alaska, gây nguy hiểm cho hàng triệu người.
Cụ thể, "quả bom thủy ngân khổng lồ" này ẩn núp trong lớp đất đóng băng vĩnh cửu ở Alaska, nơi đang tan chảy dần và bị các con sông như sông Yukon cuốn trôi.
Việc rò rỉ kim loại độc hại vào sông có thể gây nguy hiểm cho 5 triệu người sống ở khu vực Bắc Cực, đặc biệt là hơn 3 triệu người sinh sống tại các vùng đất đóng băng được dự báo sẽ hoàn toàn biến mất vào năm 2050.
Josh West - Giáo sư nghiên cứu khoa học và môi trường Trái Đất ở USC Dornsife chia sẻ: “Một quả bom thủy ngân khổng lồ ở Bắc Cực đang chờ phát nổ". Vị Giáo sư này cũng giải thích rằng vòng tuần hoàn khí quyển tự nhiên của Trái Đất thường vận chuyển chất gây ô nhiễm lên vĩ độ cao, dẫn tới thủy ngân tích tụ ở Bắc Cực. Đáng nói, lượng thủy ngân nằm trong đất đóng băng có thể lớn hơn tổng lượng thủy ngân trong đại dương, đất, khí quyển và sinh quyển cộng lại.
Tại Bắc Cực, cây cối hấp thụ thủy ngân, sau đó chết đi và rồi trở thành một phần của đất, cuối cùng bị đông cứng thành đất đóng băng. Qua hàng nghìn năm, nồng độ thủy ngân trong đất đóng băng dần tăng lên cho đến khi đất bị rã đông, một hiện tượng ngày càng phổ biến do biến đổi khí hậu.
Nhóm chuyên gia đến từ Viện Công nghệ California (Caltech), Hội đồng lưu vực liên bộ lạc sông Yukon, Viện Công nghệ Massachusetts, Đại học Công nghệ Delft ở Hà Lan, đã tập trung nghiên cứu quanh hai ngôi làng ở lưu vực sông Yukon.
Để ước tính nồng độ thủy ngân, nhóm nghiên cứu do trường USC Dornsife dẫn đầu đã phân tích thủy ngân trong phù sa ở bờ sông và bãi cát tại cửa sông, từ đó tiếp cận được lớp đất sâu hơn.
Nhóm nghiên cứu phát hiện rằng lượng thủy ngân trong phù sa phù hợp với ước tính từ các nghiên cứu trước đây. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng sử dụng dữ liệu cảm biến từ xa của vệ tinh để theo dõi sông Yukon đổi dòng nhanh như thế nào.
Thay đổi về dòng chảy của sông rất quan trọng bởi điều này ảnh hưởng đến số lượng phù sa chứa thủy ngân bị xói mòn từ bờ sông và lắng đọng dọc bãi cát, qua đó giúp các nhà nghiên cứu dự đoán chuyển động của thủy ngân.
Mặc dù thủy ngân giải phóng từ đất đóng băng tan chảy không gây ra mối đe dọa độc hại cấp tính ngay lập tức, tuy nhiên, tác động của nó sẽ tích lũy theo thời gian. Mức độ tiếp xúc tăng dần do thủy ngân tích tụ trong chuỗi thức ăn, đặc biệt là cá và động vật mà con người tiêu thụ.
Tác động lâu dài có thể rất nghiêm trọng, đặc biệt đối với các cộng đồng dân cư ở Bắc Cực phụ thuộc vào săn bắt và đánh cá. Nhóm nghiên cứu cũng hy vọng rằng công cụ mà họ phát triển sẽ giúp đánh giá chính xác hơn về “bom thủy ngân” này.