Theo The Verge, ByteDance – công ty mẹ TikTok – đã sử dụng công nghệ của OpenAI để phát triển sản phẩm cạnh tranh, vi phạm điều khoản dịch vụ và do đó bị đình chỉ.
The Verge đưa tin, việc ByteDance sử dụng công nghệ của OpenAI để phát triển sản phẩm cạnh tranh là hành vi bị phản đối trong ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo (AI). Không chỉ có vậy, nó cũng vi phạm điều khoản dịch vụ của công ty đứng sau ChatGPT.
Theo điều khoản, khách hàng của OpenAI bị cấm “phát triển bất kỳ mô hình AI nào cạnh tranh với các sản phẩm và dịch vụ của chúng tôi”. Họ cũng không được dùng “bất kỳ biện pháp nào để trích xuất dữ liệu từ dịch vụ ngoài sự cho phép thông qua API”. API là giao diện lập trình ứng dụng, giúp các nhà phát triển dùng GPT để tạo ra ứng dụng riêng của mình.
ByteDance biết rõ điều này nhưng tiếp tục sử dụng API để đào tạo và so sánh mô hình Project Seed của nó. The Verge cho biết đã được xem tài liệu truyền thông nội bộ ByteDance, hướng dẫn nhân viên che giấu bằng chứng bằng kỹ thuật “khử nhạy dữ liệu” (data desensitization). Đây là quy trình chỉnh sửa hoặc loại bỏ thông tin nhạy cảm khỏi dữ liệu để bảo vệ nó trước nguy cơ bị truy cập trái phép hoặc bị phát hiện.
Sau đó, ByteDance còn yêu cầu nhân viên ngừng sử dụng API để phát triển Project Seed vào thời điểm chatbot Doubao được cấp phép sử dụng ở Trung Quốc. Dù vậy, The Verge đưa tin API vẫn được dùng để đánh giá hiệu suất chatbot của công ty.
Hôm 15/12, OpenAI xác nhận đã đình chỉ tài khoản của ByteDance vì vi phạm điều khoản dịch vụ. Theo người phát ngôn Niko Felix, tất cả khách hàng API đều phải tuân thủ chính sách sử dụng của hãng nhằm bảo đảm công nghệ được sử dụng cho mục đích tốt đẹp.
Dù ByteDance chỉ dùng API của OpenAI ở mức tối thiểu, họ vẫn bị đình chỉ trong thời gian điều tra sâu hơn. Nếu phát hiện hành vi không tuân thủ, OpenAI sẽ yêu cầu ByteDance thực hiện thay đổi cần thiết hoặc hủy bỏ tài khoản.
Trong tuyên bố gửi đến Business Insider, ByteDance phủ nhận bất kỳ hành vi sai trái nào và khẳng định họ được cấp phép để sử dụng API của GPT. Họ dùng GPT cho các sản phẩm và tính năng tại những thị trường bên ngoài Trung Quốc và dùng mô hình tự phát triển cho Doubao, chatbot chỉ hiện diện ở đại lục.
(Theo Insider)