Doanh nghiệp

Các chương trình hỗ trợ cần thẩm thấu vào doanh nghiệp

Hạnh Lê 01/08/2023 - 12:34

Nền kinh tế tuy đã có một số gam màu tươi sáng hơn nhưng chưa mang lại sức bật thực chất cho doanh nghiệp.

Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường vẫn ở mức cao trong khi doanh nghiệp gia nhập thị trường chưa tăng tương xứng.

Cụ thể, tháng 7/2023 cả nước có 13,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới (giảm 1,2% so với tháng trước) với số vốn đăng ký gần 126,9 nghìn tỷ đồng (giảm 8,6%) và số lao động đăng ký gần 79 nghìn lao động (giảm 24%).

Tính chung 7 tháng năm 2023, cả nước có 89,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước) với tổng số vốn đăng ký là 834,3 nghìn tỷ đồng (giảm 17,1%), đạt bình quân 9,3 tỷ đồng/ doanh nghiệp thành lập mới (giảm 17,3% so với cùng kỳ năm 2022). Nếu tính cả 1.117,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 28,9 nghìn lượt doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng năm 2023 là 1.952,2 nghìn tỷ đồng, giảm 41,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 7, nền kinh tế ghi nhận sự trở lại hoạt động của 42,3 nghìn doanh nghiệp (giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2022), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 7 tháng năm 2023 lên 131,9 nghìn doanh nghiệp, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Tình bình quân có 18,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong một tháng.

Ở chiều ngược lại, trong tháng 7, có 6.884 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 34,9% so với tháng trước và tăng 30,3% so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài ra, có 5.257 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 8,6% và tăng 19%; có 1.581 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 6,7% và giảm 10,5%.

Con số trên đã nâng tổng số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong 7 tháng năm 2023 là 66,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, có 36 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 27,9%; 10,4 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 0,6%. Tính bình quân có 16,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong một tháng.

Mặc dù trong thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp song với số doanh nghiệp rời thị trường còn cao trong khi doanh nghiệp thành lập mới chưa tương xứng cho thấy, sức khoẻ doanh nghiệp chưa ổn định. Dù kinh tế đã xuất hiện một số tín hiệu tích cực nhưng khó khăn vẫn tạo áp lực tăng trưởng cho doanh nghiệp. Các chuyên gia kinh tế kỳ vọng, với độ trễ chính sách, các chính sách tiền tệ kết hợp chính sách tài khóa đang thẩm thấu và phát huy tác dụng trong những tháng cuối năm.

Các chương trình hỗ trợ cần thực chất, thẩm thấu vào doanh nghiệp (ảnh minh hoạ)

Trong đó, chính sách được nhiều hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp và chuyên gia kỳ vọng nhất là các chính sách hỗ trợ trực tiếp. TS. Tô Trung Thành, trường Đại học Kinh tế quốc dân nhấn mạnh đến việc hỗ trợ cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp như giảm thuế, chi phí điện, năng lượng hoặc các chi phí khác mà Chính phủ có thể kiểm soát và tạo điều kiện thuận lợi khơi thông các nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất.

Về chính sách tài khóa, TS. Tô Trung Thành cho rằng, về mặt dài hạn đầu tư công hiệu quả, nâng cấp cơ sở hạ tầng của nền kinh tế cũng có tác động lan tỏa, gia tăng nguồn lực của nền kinh tế và tác động tích cực đến hoạt động của doanh nghiệp. Ngoài ra, chính sách tài khóa cần bao phủ an sinh xã hội nhiều hơn, hướng đến những đối tượng bị tổn thương lớn trong nền kinh tế như khu vực phi chính thức, qua đó, giúp tăng mức chi tiêu và tác động tích cực đến tăng trưởng.

Cũng theo TS. Tô Trung Thành, khi nền kinh tế đang khó khăn và nguồn lực hạn hẹp, một trong những động lực tăng trưởng tốt trong giai đoạn tới đó là đầu tư vào công nghệ, kinh tế số, thúc đẩy mô hình tăng trưởng dựa vào đổi mới sáng tạo mang tính dài hạn và hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn.

Đây là một trong những kiến nghị của Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam. Bà Đỗ Thị Thuý Hương - Uỷ viên BCH Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho biết, sức khỏe của doanh nghiệp trong ngành đang suy giảm dưới tác động của các yếu tố bất ổn vì bệnh dịch, chiến tranh, hay do điều chỉnh chuỗi cung ứng, do một số quy định mới và chính sách trong nước chưa theo kịp.

Để giúp doanh nghiệp cầm cự vượt qua giai đoạn khó khăn, Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam cũng như một số hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị một số nội dung đang rất cần hỗ trợ là vốn, công nghệ và nguồn nhân lực.

Cụ thể, hỗ trợ giảm chi phí sản xuất góp phần giảm giá thành sản phẩm, nâng sức cạnh tranh doanh nghiệp. Doanh nghiệp mong muốn có thể điều chỉnh mức phải đóng bảo hiểm phù hợp hơn như các doanh nghiệp trong khu vực, giúp doanh nghiệp có đủ khả năng chịu đựng bởi mức đóng các loại bảo hiểm đối với người lao động Việt Nam là trên 30%, tỷ lệ này gần như cao nhất trong khu vực.

Hai hỗ trợ còn lại là đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và nâng cao năng lực công nghệ, với những chương trình hỗ trợ đặc thù và nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp tốt hơn.

Doanh nghiệp địa ốc phía Nam trở lại "đường đua"

Hơn 750 doanh nghiệp bất động sản giải thể trong 7 tháng: Bao giờ thị trường hết khó khăn?

Thủ tướng chỉ đạo hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường UAE

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/cac-chuong-trinh-ho-tro-can-tham-thau-vao-doanh-nghiep-248410.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Các chương trình hỗ trợ cần thẩm thấu vào doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS & INTECH