Lạm phát, nếu tăng trở lại, sẽ tạo mối đe dọa tới triển vọng của kinh tế châu Á.
Các NHTW châu Á có thể cần tiếp tục nâng lãi suất nếu lạm phát lõi chưa cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt về mục tiêu, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Theo đó, các nhà hoạch định chính sách phải “cảnh giác cao độ” dù lạm phát tổng thể đã hạ nhiệt. Điều này là do lạm phát lõi – loại trừ những yếu tố biến động mạnh và tạm thời – vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu, Krishna Srinivasan, Thomas Helbling và Shanaka J. Peiris, các chuyên gia tại IMF, cho biết trong bài đăng trên blog vào ngày 21/02.
Châu Á hưởng lợi từ đà phục hồi của đồng nội tệ, sự hạ nhiệt của giá hàng hóa toàn cầu, và chi phí vận chuyển. Tuy nhiên, những tác động vòng 2 lại khá trái chiều, các chuyên gia IMF cho biết. Ngoài ra, việc Trung Quốc mở cửa kinh tế có thể gây thêm áp lực giá cả.
“Điều này có nghĩa là các NHTW nên tỏ ra cẩn trọng và khẳng định lại cam kết duy trì ổn định giá cả. Thật vậy, họ có thể cần phải tăng lãi suất nếu lạm phát lõi không cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt về mức mục tiêu”, IMF chia sẻ. “Với những rủi ro hai chiều tới lạm phát ở Nhật Bản, việc điều chỉnh linh hoạt hơn trong lợi suất dài hạn sẽ giúp tránh những thay đổi đột ngột sau này”, IMF nói.
Lời cảnh báo trên được đưa ra khi nhiều NHTW ở nước phát triển chuyển sang lập trường “diều hâu” vì áp lực giá cả còn duy trì ở mức cao. Điều này có thể buộc các NHTW phải nâng lãi suất thêm.
Các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết các đợt tăng lãi suất lớn hơn có thể được xét tới nếu lạm phát tăng nóng hơn dự kiến.
Trong khi đó, vào đầu tháng này, Ngân hàng Trung ương Australia đã tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 10 năm khi lạm phát lõi tăng 6.9% trong quý 4/2022, cao hơn dự báo 6.5%. Tại Ấn Độ, lạm phát lõi hiện vẫn đang dao động trên mức 6% trong 16 tháng liên tiếp, khiến cho nhiều người kêu gọi thắt chặt thêm chính sách tiền tệ.