Các yếu tố quyết định bà Harris trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Mỹ
Con đường để bà Kamala Harris trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Mỹ còn đoạn cuối khá gập ghềnh, đòi hỏi bà phải thu hút được các nhóm cử tri chủ chốt, làm rõ được thành tựu chính sách với tư cách phó tổng thống, cam kết làm đúng những gì cử tri ở 7 bang chiến địa mong muốn…
Thành công của ứng viên tổng thống Kamala Harris phụ thuộc nhiều vào khả năng thu hút các nhóm cử tri chủ chốt, bao gồm phụ nữ, người da màu và người trẻ, đồng thời cũng phải thu hút được nhiều cử tri ôn hòa và độc lập.
Thành tích của bà Harris về các vấn đề lớn, như nhập cư, cải cách tư pháp hình sự… đang bị “soi dưới kính hiển vi”. Trong giai đoạn chạy nước rút tới Nhà Trắng, bà cần phải chỉ ra được những thành tựu và thành công cụ thể để củng cố hình ảnh của bà.
Ứng viên Harris đã gặp nhiều thách thức với mức độ tín nhiệm, một phần do sự soi xét về vai trò và các quyết định của bà với tư cách phó tổng thống. Việc quản lý nhận thức của công chúng và xử lý hiệu quả các chỉ trích sẽ rất quan trọng.
Vài ngày trước mốc 5/11, bà Harris và đối thủ Donald Trump vẫn đang bám đuổi sát sao, so kè “từng xăng-ti-mét”, với số lượng cử tri ủng hộ tương đương nhau. Vì vậy, nhóm cử tri độc lập và 7 bang chiến địa (Arizona, Bắc Carolina, Georgia, Nevada, Michigan, Pennsylvania, Wisconsin) đóng vai trò quan trọng, có thể quyết định cán cân nghiêng về bên nào.
Trong bối cảnh người dân Mỹ đang hào hứng đi bỏ phiếu, nhưng không ít cử tri băn khoăn không biết bà Harris sẽ làm được gì cho họ, bà cần nắm rõ bối cảnh chính trị, kinh tế-xã hội Mỹ, tâm lý người dân ở 7 bang chiến địa hơn bao giờ hết.
Tâm lý quốc gia về các vấn đề kinh tế, xã hội và quốc tế có thể ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của bà Harris. Nếu cử tri ưu tiên ổn định kinh tế hoặc các vấn đề công lý xã hội, thì các quan điểm, cam kết của bà về những chủ đề này sẽ trở thành điểm trọng tâm, ghi điểm trong mắt họ.
Bà Kamala Harris đang đứng trước cơ hội trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Ứng viên Harris nhận được sự ủng hộ từ nhiều nhóm và cá nhân khác nhau, những người mong chờ không chỉ một làn gió mới như ông Trump làm được trong lần tranh cử đầu tiên, mà là một sự thay đổi lịch sử - nước Mỹ có nữ tổng thống đầu tiên.
Những người ủng hộ nòng cốt của đảng Dân chủ và những người cấp tiến
- Các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ: Nhiều nhân vật nổi bật trong đảng Dân chủ ủng hộ bà Harris vì kinh nghiệm của bà với tư cách là phó tổng thống và công việc của bà trong các vấn đề như nhập cư, quyền bầu cử…
- Các nhà hoạt động cấp tiến và cử tri trẻ: Quan điểm của bà Harris về các vấn đề như chăm sóc sức khỏe, cải cách tư pháp hình sự, biến đổi khí hậu… khiến bà trở nên gần gũi với các nhóm cấp tiến trong đảng Dân chủ. Nhiều cử tri trẻ và nhà hoạt động trong các lĩnh vực này coi bà là một đồng minh cho các mục tiêu của họ.
Bà Kamala Harris và ông Barack Obama. Ảnh: ABC News. |
Các tổ chức về quyền phụ nữ và dân quyền
- Những người ủng hộ quyền phụ nữ: Các tổ chức như EMILY’s List ngay từ đầu đã lên tiếng ủng hộ sự nghiệp chính trị của bà Harris.
- Các tổ chức dân quyền: Với xuất thân là một phụ nữ da màu gốc Nam Á, bà Harris đã nhận được sự ủng hộ từ các tổ chức dân quyền như NAACP, những tổ chức coi bà là biểu tượng của sự tiến bộ và đại diện cho các nhóm trong văn phòng cao cấp.
Bà Kamala Harris nổi bật với nụ cười tươi thoải mái, được dự đoán sẽ thu hút được nhiều cử tri nữ, người da màu. Ảnh: Vogue. |
Các nhân vật chính trị, nghệ sĩ có ảnh hưởng
- Cựu Tổng thống Barack Obama: Ông Obama đã sớm thể hiện sự ủng hộ đối với Harris và khen ngợi công việc của bà với tư cách là phó tổng thống. Cuối tháng 10, ông Obama cùng bà Harris kêu gọi cử tri da màu tại bang Georgia tham gia “cuộc chiến cho tương lai” thông qua lá phiếu bầu cử. Ông Obama cũng chỉ trích ứng viên Trump về thất bại trong đại dịch COVID-19. Nhiều thống đốc, thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ đảng Dân chủ đã sớm thể hiện sự ủng hộ đối với bà Harris dưới nhiều hình thức khác nhau.
Tài tử Leonardo Dicaprio mong muốn ứng viên tổng thống Kamala Harris đánh bại đối thủ Donald Trump. Ảnh: Newsweek. |
- Các nghệ sĩ tên tuổi: Trong video được chia sẻ tối 31/10, “Biệt đội siêu anh hùng” gồm Robert Downey Jr (Người Sắt), Scarlett Johansson (Góa phụ Đen), Mark Ruffalo (Người khổng lồ xanh Hulk), Don Cheadle (War Machine), Chris Evans (Captain America), Danai Gurira (Okoye trong Black Panther: Wakanda Forever) và Paul Bettany (Vision) bày tỏ ủng hộ ứng viên Harris trở thành chủ nhân Nhà Trắng. Cùng ngày nhóm tài tử, minh tinh Hollywood công khai ủng hộ bà Harris, ca sĩ-diễn viên Jennifer Lopez trực tiếp tham dự cuộc mít tinh do chiến dịch của bà Harris tổ chức ở Las Vegas để lan tỏa thông điệp cá nhân, lên án ông Trump xúc phạm người Puerto Rico nói riêng và cộng đồng Mỹ - Latin nói chung. Trước đó, nhiều nghệ sĩ tên tuổi đã lên tiếng ủng hộ bà Harris, bao gồm Taylor Swift, Bruce Springsteen, Oprah Winfrey, Leonardo Dicaprio, Eminem, Beyoncé, Madonna, Bad Bunny, Ricky Martin, LeBron James, Arnold Schwarzenegger…
Nữ hoàng nhạc pop Taylor Swift ủng hộ bà Kamala Harris trở thành chủ nhân Nhà Trắng. Ảnh: The New York Times. |
Các nhà tài trợ và nhà tài chính
Bà Harris đã xây dựng được một mạng lưới nhà tài trợ vững mạnh từ các chiến dịch trước đây của bà, bao gồm sự ủng hộ từ Thung lũng Silicon và các trung tâm gây quỹ lớn khác. Hậu thuẫn tài chính là điều thiết yếu trong một chiến dịch tranh cử tổng thống, và các mối quan hệ sẵn có của bà với các nhà tài trợ đảng Dân chủ có thể là một yếu tố quan trọng.
Chỉ trong 4 tuần từ khi bà Harris tham gia cuộc đua (ngày 21/7), chiến dịch tranh cử của bà đã huy động được 500 triệu USD, đạt tốc độ gây quỹ nhanh và nhiều chưa từng có.
Tiền vận động đóng vai trò quan trọng để các ứng viên tổng thống Mỹ thực hiện chiến dịch quảng cáo, vận động cử tri đi bỏ phiếu và thuyết phục các cử tri chưa đưa ra quyết định cuối cùng.