Cái gì bất thường đều khó tốt
Hà Nội quyết định hủy kết quả lựa chọn đơn vị thực hiện gói thầu tổ chức đấu giá quyền khai thác 3 mỏ cát: Liên Mạc, Tây Đằng - Minh Châu và Châu Sơn đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Tuy nhiên, mọi chuyện đều có nguyên do và không phải tự nhiên.
Theo Quyết định số 924/QĐ-STNMT-KHTC của Sở TN&MT Hà Nội, lý do hủy kết quả trúng thầu là do nhà thầu vi phạm quy định của Luật Đấu thầu, cố ý cung cấp thông tin, tài liệu không trung thực, không khách quan trong các hồ sơ liên quan nhằm làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư. Ngoài ra, nhà thầu cũng vi phạm quy định theo Thông tư số 02 của Bộ Tư pháp về hướng dẫn lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản.
Sẽ không có gì phải bàn thêm, ấy là những bất thường nổi lên xuyên suốt cả hành trình từ khi phiên đấu giá này diễn ra cho đến nay, như: việc diễn ra đấu giá xuyên đêm, giá trúng cao hơn tới hàng trăm lần giá khởi điểm, thế nhưng những đơn vị trúng thầu lại luôn tha thiết muốn thực thi gói thầu, thậm chí còn gửi văn bản tới Chính phủ để trình bày nguyện vọng và vừa qua, nhà thầu đã có công văn đề nghị Hà Nội thu hồi quyết định hủy kết quả nói trên.
Mục tiêu của kinh doanh là lợi nhuận, vậy tại sao nhà thầu lại sẵn sàng bỏ giá cao hơn rất nhiều so với giá trị thực của mỏ cát và quyết thực thi bằng được? Theo tính toán của giới chuyên môn, tổng số tiền các tổ chức, cá nhân trả trong các phiên đấu giá được "chốt" rất cao, gần 1.700 tỷ đồng. Lấy tổng giá trị trúng đấu giá chia cho khối lượng cát ra giá tiền gần 1 triệu đồng/m3. Trong khi đó, mặt bằng giá cát trung bình ở các tỉnh khoảng 110.000 - 150.000 đồng/m3.
Vậy, rõ ràng kết quả đấu giá này vô tình đẩy giá vật liệu cát tăng cao, tác động lên đơn giá, định mức xây dựng chung cả nước. Đây cũng là điều khá nguy hiểm cho thị trường vật liệu xây dựng hiện nay. Hơn nữa, DN tham gia đấu giá mỏ cát hẳn đã am hiểu về khai thác tài nguyên này. Giả sử vô tình hay hữu ý đánh dấu vị trí, tọa độ ranh giới mỏ cát lệch đi là khối lượng cát hút dưới lòng sông sẽ thay đổi rất nhiều. Lớp cát dưới lòng sông bị hút đi sẽ được dòng chảy bồi lắng rất nhanh và DN có thể trở lại khai thác tại chính điểm đó ngay trong thời gian ngắn. Chưa kể, nếu cơ chế giám sát không chặt chẽ sẽ tạo kẽ hở cho DN gian dối khối lượng khai thác.
Vậy nên, việc Hà Nội hủy kết quả trúng đấu giá là một quyết định đúng, vừa bảo đảm mục tiêu kinh tế, vừa ngăn chặn tác động xấu đến trật tự xã hội, đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để đẩy giá, gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi. Bởi lẽ, trong sự phát triển của cơ chế thị trường, làm gì có chuyện kinh doanh không màng lợi nhuận và đâu phải cứ đấu giá chốt cao là tốt, cái gì bất thường đều không phải tự nhiên.
>>Chủ tịch tỉnh Tiền Giang chỉ nhiều ‘điểm nóng’ khai thác cát trái phép