Kinh tế APEC trước ngã ba đường: Vì sao tăng trưởng 2025 chỉ còn 2,6%?
Dự báo tăng trưởng GDP APEC năm 2025 chỉ đạt 2,6–2,7%, giảm mạnh so với 3,6% của năm 2024. Đây là hệ quả cộng hưởng từ bất định thương mại, áp lực tài khóa và thách thức nhân khẩu học.
Bức tranh kinh tế APEC năm 2025 phản ánh rõ những lực cản phức tạp, khi tăng trưởng bị kìm hãm bởi căng thẳng thương mại leo thang, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và những bất ổn trên thị trường tài chính.
Dự báo GDP APEC giảm mạnh từ 3,6% năm 2024 xuống 2,6–2,7% trong giai đoạn 2025–2026, thấp hơn nhiều so với mức 3,1–3,3% được dự báo trong ARTA tháng 3/2025. Theo APEC PSU, đây là mức điều chỉnh mạnh hơn so với phần còn lại của thế giới, cho thấy khu vực đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ sự gia tăng của các yếu tố bất định.
![]() |
Dự báo tăng trưởng GDP APEC 2025–2026 bị hạ mạnh hơn phần còn lại của thế giới. Nguồn: Tổng hợp và tính toán của APEC PSU. |
Bất định thương mại phủ bóng tăng trưởng
Môi trường thương mại toàn cầu trong năm 2025 được APEC PSU dự báo sẽ xấu đi đáng kể. Tăng trưởng khối lượng hàng hóa thế giới bị điều chỉnh từ mức tăng 3,0% xuống mức giảm -0,2%. Tăng trưởng xuất khẩu dịch vụ cũng bị hạ từ 5,1% xuống 4,0%. Đối với các nền kinh tế APEC, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ chỉ đạt trung bình 1,1% trong năm 2025, giảm mạnh so với mức 6,1% của năm 2024.
![]() Triển vọng thương mại APEC 2025–2026: Xuất khẩu – nhập khẩu sụt giảm mạnh sau giai đoạn phục hồi. Nguồn: Tính toán của tính toán của APEC PSU. |
Mặc dù nhiều nền kinh tế thành viên tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ thương mại nhằm tạo thuận lợi cho dòng chảy xuyên biên giới, nhưng những nỗ lực này đang bị triệt tiêu bởi sự gia tăng của các biện pháp hạn chế và phân biệt đối xử. Số liệu từ Global Trade Alert cho thấy số vụ trợ cấp thương mại đã tăng từ 12.733 trường hợp năm 2022 lên 14.498 trường hợp năm 2024. Đồng thời, các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá và chống trợ cấp trở nên phổ biến hơn, phản ánh lo ngại về cạnh tranh không công bằng.
Chỉ số bất định chính sách thương mại đã tăng vọt lên 900 điểm trong năm 2025, cao gấp 10 lần mức trung bình 85 điểm của giai đoạn 2015–2024. APEC PSU cho biết nguyên nhân là do sự leo thang của các biện pháp thuế quan, trả đũa thương mại, căng thẳng địa chính trị và chính sách phân mảnh. Các nền kinh tế nhỏ, phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, bị đánh giá là nhóm dễ tổn thương nhất trước các cú sốc bên ngoài. Theo dữ liệu thực nghiệm do APEC PSU công bố, mỗi khi mức thuế suất tăng thêm 10 điểm phần trăm, GDP sẽ giảm trung bình 1,1% sau 5 năm, cho thấy tác động tiêu cực lâu dài của chủ nghĩa bảo hộ.
![]() |
Bất định chính sách thương mại lập đỉnh lịch sử: Chỉ số tăng gấp 10 lần so với trung bình giai đoạn 2015–2024. Nguồn: tổng hợp và tính toán của APEC PSU. |
Tài khóa: Không gian điều hành bị siết chặt
Không gian tài khóa của các nền kinh tế APEC đang bị thu hẹp nghiêm trọng khi nợ công trung bình đã tăng từ 89% GDP trước đại dịch lên 103% trong giai đoạn dịch bệnh, và dự kiến đạt 110% trong giai đoạn 2024–2030. APEC PSU nhấn mạnh, việc nợ công vượt đỉnh đại dịch đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tiến hành các cải cách cấu trúc nhằm cân bằng giữa tăng trưởng dài hạn và áp lực tài khóa ngày càng gia tăng.
Cùng lúc, thị trường tài chính toàn cầu phát đi những tín hiệu cảnh báo mạnh mẽ. Chỉ số biến động tài chính (VIX) đã tăng vọt lên 52 điểm vào tháng 4/2025, cao hơn gấp ba lần so với mức trung bình 16 điểm của giai đoạn 2023–2024. Tâm lý nhà đầu tư trở nên mong manh do lo ngại về căng thẳng thương mại, lạm phát và bất ổn địa chính trị, làm gia tăng nhu cầu trú ẩn vào các tài sản an toàn như vàng. Giá vàng đã lập đỉnh lịch sử 3.200 USD/ounce trong tháng 5/2025, so với mức trung bình 1.400 USD/ounce của giai đoạn 2010–2020.
![]() |
Chỉ số biến động tài chính (VIX) tăng vọt: Thị trường toàn cầu bước vào vùng rủi ro cao nhất từ sau đại dịch. Nguồn: Tổng hợp và tính toán bởi APEC PSU. |
APEC PSU nhận định rằng, trong bối cảnh thiếu các tín hiệu chính sách rõ ràng, thị trường tài chính sẽ tiếp tục nhạy cảm với các cú sốc bất ngờ, từ đó gây khó khăn cho các quyết định đầu tư và gia tăng rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng.
Nhân khẩu học: Gánh nặng dài hạn đè lên tăng trưởng
Ngoài các yếu tố ngắn hạn, cấu trúc nhân khẩu học đang trở thành thách thức nghiêm trọng đối với tăng trưởng dài hạn của APEC. Dự báo đến năm 2100, dân số khu vực sẽ giảm từ 3 tỷ người hiện nay xuống còn 2,2 tỷ người. Tỷ lệ dân số già hóa tăng nhanh trong khi lực lượng lao động trẻ suy giảm sẽ gây áp lực lớn lên hệ thống an sinh xã hội, làm giảm quy mô lực lượng lao động và ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất.
![]() |
Dự báo tháp dân số APEC 2025–2100: Lực lượng lao động thu hẹp, già hóa dân số tăng tốc. Nguồn: UN World Population Prospects 2024; tính toán của APEC PSU. |
Chính phủ các nước APEC sẽ phải đối mặt với nhu cầu gia tăng chi tiêu cho y tế, hưu trí và các chương trình hỗ trợ xã hội, đồng thời vẫn phải đảm bảo tính bền vững tài khóa trong dài hạn. Theo APEC PSU, những thay đổi về nhân khẩu học không chỉ làm gia tăng gánh nặng ngân sách mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến khả năng duy trì tăng trưởng tiềm năng của khu vực.
Ưu tiên chính sách: Linh hoạt, thích ứng và dài hạn
Trước bối cảnh nhiều thách thức đan xen, APEC PSU khuyến nghị các nền kinh tế cần nhanh chóng điều chỉnh chính sách phát triển theo hướng linh hoạt, chủ động và dài hạn. Về thương mại, ưu tiên hàng đầu là hạ nhiệt căng thẳng, giảm thiểu bất định chính sách để khôi phục niềm tin vào đầu tư và xuất khẩu. Bên cạnh đó, các nền kinh tế cần đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, mở rộng đối tác thương mại để giảm thiểu rủi ro và tìm kiếm động lực tăng trưởng mới.
Trên phương diện chính sách vĩ mô, việc duy trì sự linh hoạt trong điều hành tiền tệ và tài khóa là yếu tố then chốt để kiểm soát lạm phát mà vẫn đảm bảo hỗ trợ tăng trưởng. APEC PSU cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các cải cách nhằm nâng cao năng suất lao động, phát triển kỹ năng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đầu tư vào hạ tầng số.
Cuối cùng, củng cố hợp tác đa phương sẽ là giải pháp quan trọng giúp các nền kinh tế APEC tăng cường khả năng ứng phó với các cú sốc toàn cầu, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
>> Vì sao Việt Nam cần 20 doanh nghiệp tư nhân lớn như các chaebol Hàn Quốc?