Cải tạo hơn 100 tòa nhà giữa lòng thành phố, có dự án lên tới 25.000 tỷ đồng
Khi những toà nhà văn phòng vắng bóng người vì đại dịch, các chủ đầu tư tại New York, Mỹ đã tranh thủ thời gian này để tái thiết diện mạo những công trình biểu tượng.
Khu vực quanh ga Penn Station từ lâu đã được xem như một góc xuống cấp của New York – đông đúc, bừa bộn và thiếu vắng nét đẹp cổ kính từng có trước khi ga Pennsylvania nguyên bản bị phá dỡ vào những năm 1960.
Dù kế hoạch tái thiết toàn bộ khu ga vẫn còn trì trệ, thì một khoản đầu tư 3 tỷ USD từ tập đoàn bất động sản Vornado Realty Trust đang âm thầm "thay da đổi thịt" khu vực xung quanh. Trung tâm của dự án chính là tòa nhà 2 Pennsylvania Plaza – từng là cổng vào chính của nhà ga lịch sử.

Tòa nhà này, nay mang tên PENN 2, đã được "lột xác" hoàn toàn: mặt tiền bê tông cũ kỹ được thay bằng kính trong suốt hiện đại, cùng một khối kính lớn nhô ra, kéo dài suốt hai dãy phố. Dưới chân tòa nhà, đoạn đường vốn thường xuyên kẹt xe nay trở thành quảng trường đi bộ rợp bóng cây, kèm theo các quán ăn thời thượng. Không chỉ PENN 2, mà cả tòa nhà kế bên là PENN 1 cũng được nâng cấp với sân thượng, phòng gym, lounge và các khu làm việc chung tiện nghi.
Đây là một phần trong làn sóng tái thiết văn phòng đang lan rộng khắp Manhattan. Khi nhu cầu thuê văn phòng cũ suy giảm vì xu hướng làm việc từ xa, trong khi nguồn vốn cho các tòa nhà mới trở nên khan hiếm, các chủ tòa nhà đã chọn cách “đại tu” tài sản hiện có.
Thời điểm giãn cách xã hội khiến tòa nhà trống trơn trở thành cơ hội lý tưởng để thi công - từ mở thêm cửa sổ, nâng tầng, đến hiện đại hóa sảnh vào và mặt tiền, góp phần thay đổi toàn diện cảnh quan đô thị.
Và làn sóng này đang sinh lời rõ rệt: những cái tên lớn như Google, Citadel, Franklin Templeton đã chi hàng triệu đô để sở hữu không gian trong các dự án nâng cấp, thậm chí có nơi giá thuê đã gấp đôi trước đại dịch.
“Vấn đề lớn nhất là làm sao kéo người lao động quay lại văn phòng?” - Mary Ann Tighe, Giám đốc điều hành khu vực của CBRE, chia sẻ. “Và chính câu hỏi đó đã thúc đẩy các dự án cải tạo diễn ra nhanh hơn”, bà nói thêm.
Theo bà, xu hướng nâng cấp văn phòng hiện không chỉ gói gọn ở khu trung tâm, mà đang lan rộng ra những khu vực ít sôi động hơn, như dọc Đại lộ Ba.
Từ năm 2020, các chủ đầu tư tại New York đã nộp hơn 500 đơn xin phép cải tạo tòa nhà văn phòng, chủ yếu liên quan đến nâng cấp mặt ngoài. Thống kê cho thấy có hơn 100 tòa nhà văn phòng tại đây đã được cải tạo, nâng cấp. Một phần được thúc đẩy bởi đại dịch, phần khác đến từ các quy định nghiêm ngặt về tiết kiệm năng lượng áp dụng từ 2019.
Cải tiến “xanh” như cách nhiệt tốt hơn, mái nhà sinh thái và không gian xanh xuất hiện ngày càng nhiều. Đồng thời, tiện ích sang trọng như sân chơi pickleball, lounge trên mái và nhà hàng cao cấp trở thành yếu tố không thể thiếu để thu hút khách thuê.
Một số dự án nổi bật trong đợt cải tạo những năm gần đây gồm:
PENN 2 (Midtown West)
Khởi công cải tạo: 2021 – Hoàn thành: 2024
Chi phí: 750 triệu USD (hơn 19.300 tỷ đồng)
Thiết kế: MdeAS Architects
Tòa nhà sở hữu logia góc mở ra ngoài trời, một khối kính nhô ra đại lộ Seventh, cùng sảnh ba tầng hướng ra phố đi bộ. Tiện ích: hội trường 280 chỗ, phòng gym, sân pickleball và lounge rooftop 360 độ. Vornado Realty Trust đã cho thuê hơn 27.900m2 cho Universal Music, đồng thời đàm phán với Nomura Holdings.

660 Fifth Avenue (Midtown)
Khởi công cải tạo: 2020 – Hoàn thành: 2023
Chi phí: 400 triệu USD (hơn 10.300 tỷ đồng)
Thiết kế: Kohn Pedersen Fox
Mặt tiền nhôm cũ được thay bằng kính cường lực khổng lồ, tăng gấp ba ánh sáng tự nhiên. Tòa nhà từng vắng bóng người, nay hầu hết các tầng đã có người thuê với giá thuê tăng gấp đôi.

St. John’s Terminal (Hudson Square)
Khởi công cải tạo: 2020 – Hoàn thành: 2024
Chi phí: 1 tỷ USD (hơn 25.000 tỷ đồng)
Chủ đầu tư: Oxford Properties & Canada Pension Plan
Trở thành trụ sở toàn cầu của Google với thiết kế hiện đại, nhiều không gian xanh và công nghệ bền vững. Google đã mua lại tòa nhà với giá 2,1 tỷ USD vào năm 2022.

60 Wall Street (Financial District)

Khởi công cải tạo: 2024 – Đang thi công
Chi phí: 250 triệu USD (hơn 6.400 tỷ đồng)
Thiết kế: Kohn Pedersen Fox
Tòa nhà từng là trụ sở JPMorgan và Deutsche Bank, đang được thay lớp kính mới, thêm giếng trời và mảng xanh cao 30 mét. Sảnh chính kết nối trực tiếp với ga tàu điện ngầm.
>> Tòa nhà chọc trời cao 630m hơn 62.000 tỷ đồng, sở hữu hệ thống thang máy siêu tốc 20,5m/giây
5 ngày sau động đất, các tòa nhà ở Myanmar tiếp tục đổ sập
Mở rộng điều tra loạt dự án của nhà thầu Trung Quốc sau vụ tòa nhà 63 triệu USD sập trong vài phút