Cứ 3 ngôi nhà ở Nhật Bản sẽ có 1 nhà bị bỏ hoang, điều gì đang xảy ra?
Các thị trấn nông thôn ở “siêu cường châu Á” này sẵn sàng chi các khoản trợ cấp cho cư dân mới và những người quay trở lại, với hy vọng khôi phục lại những ngôi nhà bị bỏ hoang, trong bối cảnh ngày càng nhiều người trẻ đổ về các thành phố lớn để làm việc.
Ông Yoshiji Misaki, một lãnh đạo cộng đồng ở thành phố Uda, đang tiến hành khảo sát để thu thập dữ liệu về các ngôi nhà bị bỏ hoang ở thành phố nông thôn thuộc tỉnh Nara, Nhật Bản. Đáng chú ý, gần 1/5 số nhà ở Uda là nhà bỏ trống, còn gọi là akiya.

>> 250 triệu đồng có thể mua một căn nhà bỏ hoang tại Nhật Bản
Một trong những ngôi nhà như vậy mà ông Misaki cho hãng tin Channel News Asia (CAN) xem là một căn nhà đã gần như không ai đụng đến trong suốt 25 năm qua.
Trước đây, một bác sĩ từng sống và mở phòng khám tại ngôi nhà này, nhưng sau khi ông qua đời, gia đình đã chuyển đi nơi khác.
Con trai của bác sĩ này - ông Shigeaki Nakao, người sống ở một vùng khác của tỉnh Nara cho biết hiện vẫn có người trông coi ngôi nhà và gia đình mình có lý do riêng để nó rơi vào tình trạng xuống cấp.
“Bà tôi từng sống ở đó, nhưng bà mất cách đây 40 năm và từ đó, ngôi nhà này trở thành akiya. Cha tôi (từng tạm mở phòng khám tại đó) không muốn cho người khác mượn nhà. Chúng tôi có phần mộ gia đình ở đó. Trước đây chúng tôi thường đến viếng hai lần một năm, nhưng sau này việc ấy đã dừng lại”, ông Nakao nói.
Ông cho biết gia đình mình muốn bán ngôi nhà vì không ai trong số các thành viên gia đình của mình có ý định sử dụng nó nữa.

Ông Misaki – hiện cũng là Chủ tịch Hội đồng Thiết kế Thành phố Udano – cho biết dân số Uda đã giảm một nửa trong 60 năm qua. Đây là hệ quả của xu hướng nhân khẩu học: người trẻ rời bỏ các thị trấn nông thôn đang già hóa và thu hẹp dân số để đến các thành phố lớn làm việc.
Một số chuyên gia dự đoán số lượng akiya trên toàn Nhật Bản sẽ tăng hơn gấp đôi, lên đến 23 triệu căn, tương đương trung bình 1 trong 3 ngôi nhà ở “nền kinh tế lớn thứ tư thế giới” sẽ là nhà bỏ hoang vào năm 2038.
Hầu hết akiya đều không thể ở được nếu không cải tạo và những căn tồi tệ nhất có nguy cơ sụp đổ.
Những ngôi nhà trống này thường “rất cũ” hoặc đã bị bỏ hoang và trở thành “bãi rác” khi không bán được, ông Misaki nói.
Akiya: Thách thức đối với việc “tái sinh” đô thị Nhật Bản
Số liệu mới nhất cho thấy Uda có khoảng 1.000 akiya, tăng 300 căn so với 5 năm trước.
Chính quyền địa phương đang xem xét cách biến những ngôi nhà bị bỏ hoang thành yếu tố thu hút cư dân như một phần trong chiến lược phục hồi.
Thành phố Uda sẽ hỗ trợ đến 2 triệu yên (gần 389 triệu đồng) cho các dự án cải tạo akiya.
“Nếu nó quá xuống cấp và không thể cải tạo được, chúng tôi sẽ dán nhãn akiya nguy hiểm. Khi Chính phủ Trung ương công nhận đó là akiya nguy hiểm, chính quyền địa phương sẽ phải phá dỡ”, ông Takahito Suzuki – Trưởng phòng xúc tiến chính sách thành phố Uda cho biết.
Ông Suzuki nói thêm rằng hiện không có quy định cụ thể nào về việc tái sử dụng akiya.
Một số thị trấn như Uda đang mua lại akiya và cải tạo để làm nơi lưu trú ngắn hạn hoặc lập ngân hàng akiya.
Những bất động sản do hội đồng thành phố hoặc tư nhân rao bán sẽ được liệt kê trên các ngân hàng này để dễ dàng giao dịch.
“Thỏi nam châm” hút người mua ngoại quốc
Những ngôi nhà akiya giá rẻ cũng thu hút người mua từ nước ngoài. Hình ảnh trên một trang rao bán bất động sản đã khiến nữ nhiếp ảnh gia người Pháp Coline Emilie Aguirre quyết định chuyển đến sống tại thị trấn yên bình Uda. Cô hiện là một trong 380 người nước ngoài sinh sống tại Uda.
Aguirre đã mua một căn akiya với giá 33.000 USD (gần 850 triệu), chỉ bằng khoảng một nửa giá của một ngôi nhà mới trong khu vực. Tuy nhiên, cô cảnh báo rằng chi phí cải tạo có thể làm mất đi lợi thế giá rẻ ban đầu.
Ngôi nhà không được kết nối với nước máy hay hệ thống xử lý nước thải - tình trạng phổ biến ở các akiya cần sửa chữa.

“Tôi đã đầu tư đến 60.000 USD (hơn 1,5 tỷ đồng) và dự định sẽ bỏ ra chừng đó nữa trong 3 năm tới,” cô nói. Aguirre đã sống ở đây 3 năm và mới hoàn thành một nửa quá trình cải tạo. Cô dự định mở một phần ngôi nhà thành nhà khách sau khi hoàn tất sửa chữa.
Thổi “hơi thở mới” vào những ngôi nhà bỏ hoang
Người dân ở Kitsuki, một thị trấn lâu đời có lâu đài ở tỉnh Oita, Nhật Bản đang thổi luồng sinh khí mới vào các akiya.
Kitsuki, nằm ở phía Tây Nam Nhật Bản, đã chứng kiến dân số giảm mạnh từ 34.000 xuống còn 26.000 người trong 20 năm qua, có đến 39% cư dân trên 65 tuổi và các akiya chiếm 24% số nhà trong thị trấn.
“Chỉ trong vòng một năm, dọc con phố dài 100m này, có 8 cụ già qua đời. Đồng thời, nhà của họ cũng trở thành các akiya”, cư dân Noriko Ogura chia sẻ.
Nhà hàng 150 năm tuổi của gia đình cô có tên là Yanagiya suýt chút nữa trở thành akiya, vì cô và các con không muốn tiếp quản.
Ban đầu Ogura định phá bỏ ngôi nhà. “Tuy nhiên, điều đó đồng nghĩa với việc những ký ức cộng đồng sẽ biến mất, điều đó sẽ khiến mọi người buồn. Vì vậy, tôi bắt đầu nghĩ cách để giữ lại nó”, cô nói. Sau đó, Ogura đã chuyển đổi Yanagiya từ nhà hàng thành không gian sinh hoạt chung.

Tầng trệt được cho thuê tổ chức sự kiện, trong khi các phòng trên tầng đã được cải tạo làm nơi lưu trú, thu hút một lượng khách ổn định.
Thành công này đã thúc đẩy cộng đồng cùng nhau phục hưng thị trấn Kitsuki.
Cô Kayoko Goto và người mẹ 92 tuổi đã mở lại tiệm ăn gia đình và biến nó thành quán kem sau 30 năm đóng cửa.
Ngoài ra, chủ xưởng rượu địa phương, Nakano Brewery cũng đang xem xét chuyển hướng sang kinh doanh khách sạn. Bà Chika Nakano, vợ chủ xưởngmong muốn tận dụng akiya để mở thêm nhà khách. “Đó là ước mơ của tôi,” bà nói.
>> Khủng hoảng mới ở Nhật Bản: Gần 4 triệu căn nhà bỏ hoang, thiệt hại 25 tỷ USD
Thu hút người dân bằng trợ cấp
Chính quyền địa phương cho biết một số cư dân từng rời thị trấn đang quay trở lại, nhờ các chính sách hỗ trợ tái định cư và kinh doanh.
Các gia đình chuyển về sống tại Kitsuki và mua nhà có thể nhận khoản trợ cấp 2 triệu yên. Ngoài ra, người dân khởi nghiệp kinh doanh cũng có thể được nhận đến 1,8 triệu yên tiền hỗ trợ.

Bà Rio Kawahigashi - cán bộ báo chí của tỉnh Oita cho biết ngày càng nhiều người dân trở về và tận dụng akiya để bắt đầu dự án mới.
“Nếu những người sử dụng akiya cùng nhau hình thành và củng cố mạng lưới, tôi nghĩ sẽ có nhiều ý tưởng hơn cho việc khai thác akiya”, bà nói thêm.
Theo CNA