Nhấn mạnh đám mây (cloud) sẽ là hạ tầng quan trọng nhất của một quốc gia, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết cần chăm chút để thị trường phát triển lành mạnh.
Tại Hội nghị Giao ban công tác quản lý nhà nước với các đối tượng quản lý quý III/2023 của Bộ TT&TT, ngày 9/10, đại diện FPT Cloud đã chia sẻ về nền tảng cloud đang cung cấp cũng như khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp này gặp phải.
Ông Phan Hồng Tâm, Giám đốc Khối công nghệ Cloud - FPT Smart Cloud, cho biết công ty đang cung cấp hai nền tảng chính: FPT Cloud và FPT AI, giúp doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số và kích hoạt nhanh quản trị kinh doanh. FPT Cloud cung cấp đầy đủ các dải sản phẩm dịch vụ IaaS, PaaS & SaaS cùng đa dạng các sự lựa chọn triển khai: Public, Hybrid & Multi-cloud.
Trong đó, Multi-cloud là việc doanh nghiệp không sử dụng một nhà cung cấp cloud duy nhất mà nhiều dịch vụ khác nhau dựa theo mong muốn. Chẳng hạn, họ có thể dùng FPT Cloud cho dịch vụ hạ tầng, dùng platform của Azure và một phần lưu trên local.
Theo ông Tâm, trong số hơn 3.000 doanh nghiệp mà FPT Cloud đang cung cấp sản phẩm, mới có khoảng 800 chạy trên nền tảng FPT Cloud, còn lại chạy trên nền tảng nước ngoài. Theo FPT, tỷ lệ đám mây nước ngoài/trong nước đang ở mức 80-20 do việc đưa khách hàng lên FPT Cloud phức tạp hơn so với việc bán lại hyperscale.
Chia sẻ của ông nhất quán với các số liệu của Viện Chiến lược TT&TT đưa ra tại Hội nghị Data Center and Cloud Infrastructure Summit 2022 với chủ đề “Định hình tương lai số hoá tại Việt Nam”. Theo đó, thị trường Việt Nam hiện có hơn 40 doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ điện toán đám mây, bao gồm các doanh nghiệp nước ngoài Google, Microsoft, Amazon, các doanh nghiệp mạnh trong nước như Viettel, VNPT, CMC, FPT… và một số doanh nghiệp nhỏ. Thị phần điện toán đám mây Việt Nam hiện chủ yếu nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp Việt chỉ chiếm khoảng 20% thị phần (cỡ 900 tỷ đồng).
Đại diện FPT Cloud chia sẻ công ty đặt mục tiêu đạt doanh thu 3.500 tỷ đồng vào năm 2026, chiếm khoảng 30-40% thị trường trong nước và giảm tỷ lệ nước ngoài/trong nước từ 80-20 về 60-40 với sự hỗ trợ từ Chính phủ. Ông bày tỏ mong muốn Chính phủ có chính sách thúc đẩy giúp cloud trong nước phát triển cạnh tranh được với cloud nước ngoài, tập trung vào chính sách hỗ trợ tài chính, quy định để doanh nghiệp trong nước sử dụng cloud địa phương.
Sau khi nghe trình bày từ FPT Cloud, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh cloud chính là tương lai. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam như ngân hàng cho biết cloud trong nước chưa cung cấp đủ dịch vụ như nước ngoài. Bộ trưởng đặt câu hỏi cho đại diện FPT Cloud và CMC về việc khi nào doanh nghiệp local mới cung cấp được như nước ngoài và điểm mà chúng ta đang thua kém đối thủ ngoại là gì.
Theo ông Tâm, khi tư vấn cho doanh nghiệp lớn, ngoài lĩnh vực ngân hàng, nhu cầu sử dụng dịch vụ cloud vẫn ở mức cơ bản (hạ tầng 60-70%, nền tảng 20%), 70-80% chưa lên cloud. Ông thừa nhận ngân hàng đặt tiêu chuẩn cao về công nghệ, dữ liệu. Vấn đề của họ không phải tiền mà là an toàn, bảo mật, độ chắc chắn trong dịch vụ. Người quản lý công nghệ của ngân hàng khi lựa chọn giải pháp vẫn ưu tiên “ông lớn” như AWS, Azure trong chính sách để bảo đảm phát triển.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch tập đoàn công nghệ CMC, nêu điều mà ngân hàng cần là cloud Việt Nam cung cấp ứng dụng (application). Về public cloud, Việt Nam khó cạnh tranh được với các hãng như Microsoft, Google, AWS vì sản phẩm lâu đời, không thể so sánh về số lượng dịch vụ. Ở góc độ private cloud, phục vụ khách hàng trong nước, thế giới đã bắt đầu có điều chỉnh về tỷ lệ 70-30 hoặc 60-40 vì nhu cầu private cloud vô cùng lớn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, "cloud sẽlà hạ tầng quan trọng nhất của một quốc gia, do đó cần chăm chút để thị trường phát triển lành mạnh". Là đơn vị quản lý, Cục Viễn thông xem xét có nên ra một chiến lược cấp bộ hay không hoặc định hướng phát triển cloud trong nước.
Bộ trưởng giao Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng phối hợp cùng Bộ Công an để sớm ban bố quy định luật pháp liên quan đến doanh nghiệp Việt Nam có dữ liệu cá nhân, quy định lưu trữ dữ liệu như thế nào cũng như lộ trình để doanh nghiệp nắm được.
Theo Nghị định 53 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng, các dữ liệu phải lưu trữ tại Việt Nam bao gồm: dữ liệu về thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam; dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra (tên tài khoản sử dụng dịch vụ, thời gian sử dụng dịch vụ, thông tin thẻ tín dụng, địa chỉ thư điện tử, địa chỉ mạng đăng nhập, đăng xuất gần nhất, số điện thoại đăng ký được gắn với tài khoản hoặc dữ liệu); dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam: bạn bè, nhóm mà người sử dụng kết nối hoặc tương tác.
Doanh nghiệp tối ưu chi phí vận hành nhờ giải pháp Multi Cloud Nhật Bản
Google chi 1 tỷ USD xây trung tâm dữ liệu tại nước láng giềng Việt Nam