Cổ phiếu đáng chú ý ngày 17/7: NT2, DPG, VPB
Công ty chứng khoán phân tích và đưa ra nhận định mua, bán đối với các cổ phiếu NT2, DPG, VPB.
Nhơn Trạch 2 (NT2): Khuyến nghị tích lũy, giá mục tiêu 20.900 đồng/cp
Theo đánh giá của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), sau năm 2024 đầy thách thức, CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) được kỳ vọng sẽ có sự phục hồi rõ rệt trong năm 2025. Động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ sự gia tăng sản lượng điện huy động, cải thiện biên lợi nhuận và các khoản doanh thu hồi tố.
Trong quý II/2025, sản lượng điện phát của NT2 ước đạt 875 triệu kWh, giảm 22% so với cùng kỳ nhưng tăng gần 50% so với quý trước. Dù sản lượng thấp hơn mức phân bổ theo hợp đồng, doanh thu ước tính vẫn đạt 2.124 tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ 3% nhờ phần đóng góp từ hợp đồng chênh lệch. Nhờ đó, biên lợi nhuận gộp dự kiến được cải thiện, kéo lãi ròng tăng 39%, đạt khoảng 170 tỷ đồng.
Tính cả năm 2025, tổng sản lượng điện của NT2 được dự phóng đạt trên 3.000 triệu kWh, tăng 11% so với năm trước. Doanh thu kỳ vọng ở mức 7.353 tỷ đồng, tăng trưởng 23%, trong khi lãi ròng tăng vọt gần 300%, đạt 329 tỷ đồng. Kết quả này phần lớn đến từ 3 yếu tố: khối lượng điện hợp đồng được phân bổ tăng, chi phí khấu hao giảm từ quý IV/2025 và phần doanh thu hồi tố từ chênh lệch tỷ giá, phí môi trường trong các năm 2019–2021.
![]() |
VDSC dự phóng kết quả kinh doanh của NT2 trong năm 2025 |
Tuy vậy, triển vọng dài hạn của NT2 vẫn đối mặt một số rủi ro. VDSC nhận định khả năng duy trì công suất cao tại các nhà máy điện khí sẽ ngày càng khó khăn, do nguồn khí nội địa đang suy giảm. Việc chuyển đổi sang sử dụng khí LNG nhập khẩu có thể là giải pháp, nhưng hiện công ty chưa lên kế hoạch do thiếu hướng dẫn cụ thể về giá khí và chi phí vận hành liên quan. Dù vậy, cổ phiếu NT2 vẫn được VDSC đánh giá nên tích lũy, với giá mục tiêu 20.900 đồng/cp, chưa kể cổ tức tiền mặt kỳ vọng 1.000 đồng/cp trong 12 tháng tới.
Đạt Phương (DPG): Khuyến nghị mua, giá mục tiêu 50.000 đồng/cp
Chứng khoán Vietcap mới đây nâng giá mục tiêu cho cổ phiếu Đạt Phương (DPG) thêm 21% lên 50.000 đồng/cp, đồng thời điều chỉnh khuyến nghị từ mua xuống khả quan do giá cổ phiếu đã tăng mạnh. Động lực nâng giá đến từ triển vọng tích cực của mảng bất động sản, đặc biệt là dự án Casamia Balanca tại Hội An.
Theo Vietcap, DPG đang bước vào chu kỳ tăng trưởng lợi nhuận mạnh. Lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng 35% trong năm 2025, nhờ ghi nhận doanh thu hơn 600 tỷ đồng từ Casamia Balanca và một phần lợi nhuận từ Casamia Quảng Bình. Ngoài ra, mảng xây dựng cũng đóng góp doanh thu ổn định, dù tỷ lệ sở hữu của DPG tại các công ty con đã giảm.
![]() |
Vietcap dự phóng các chỉ tiêu tài chính của Đạt Phương giai đoạn 2025-2027 |
Trong giai đoạn 2025–2027, Vietcap dự báo lãi ròng của DPG có thể tăng gấp 3 lần, với tốc độ tăng trưởng kép lên tới 74%. Nguồn thu chủ lực là Casamia Balanca – dự án quy mô 31ha, ước tính mang về khoảng 1.400 tỷ đồng lợi nhuận trong 3 năm. Song song đó, các dự án mới như khu nghỉ dưỡng 180ha tại Thăng Bình (Quảng Nam) cũng đang được bổ sung vào kế hoạch trung hạn, với tổng doanh thu ước 4.000 tỷ đồng và lợi nhuận khoảng 950 tỷ đồng trong giai đoạn 2028–2034.
Định giá của DPG được xem là hấp dẫn khi P/E năm 2025 chỉ khoảng 14,4 lần, giảm còn 4,7 lần vào năm 2027 nếu kế hoạch lợi nhuận được thực hiện như kỳ vọng. Ngoài ra, DPG vẫn duy trì chính sách cổ tức tiền mặt đều đặn 1.000 đồng/cp/năm.
Tuy nhiên, rủi ro đối với nhà đầu tư cũng cần được lưu ý. Trong đó có thể kể đến khả năng tiến độ bán hàng chậm tại Casamia Balanca, hay giá kính năng lượng mặt trời thấp hơn kỳ vọng. Dù vậy, ban lãnh đạo DPG tỏ ra tự tin với kế hoạch bán hết dự án Balanca trong chưa đầy 2 năm, sau khi chính thức mở bán vào tháng 6/2025.
Với định giá được nâng lên nhờ kỳ vọng tăng giá bán trung bình (52 triệu đồng/m²) và cập nhật diện tích kinh doanh, Vietcap đánh giá DPG vẫn là cổ phiếu hấp dẫn trong nhóm bất động sản quy mô trung bình, kết hợp đa ngành (Bất động sản – xây dựng – thủy điện).
VPBank (VPB): Khuyến nghị mua, giá mục tiêu 21.500 đồng/cp
Chứng khoán An Bình (ABS) dự báo dư nợ của VPBank sẽ tăng 23,9% trong năm 2025 nhờ 3 yếu tố chính: Việc sáp nhập GPBank mở rộng mạng lưới khách hàng và được Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức tín dụng cao hơn; thị trường bất động sản ấm dần khơi dòng vốn mới vào các sản phẩm cho vay; cùng Nghị định 156/2025/NĐ-CP cho phép cá nhân, hộ gia đình vay tối đa 300 triệu đồng không cần tài sản thế chấp từ ngày 1/7/2025. Những động thái này được xem là bàn đạp để VPBank duy trì đà tăng trưởng vượt trội kể từ quý đầu năm.
Trong nửa đầu năm 2025, ABS cũng lưu ý áp lực thu hẹp biên lợi nhuận lãi (NIM) vẫn duy trì do mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, với quyết tâm đẩy mạnh huy động CASA lên trên 70% thông qua sản phẩm “Super Sinh Lời”, VPBank kỳ vọng giảm thiểu tác động lên NIM.
Đặc biệt, thu nhập ngoài lãi của ngân hàng được dự báo tăng 18,5%, đạt 15.609 tỷ đồng, nhờ mảng ngân hàng đầu tư, chứng khoán, bảo hiểm và dịch vụ banca được củng cố thông qua việc tăng vốn cho VPBankS, kế hoạch mua lại công ty bảo hiểm, công ty quản lý quỹ.
Chất lượng tài sản của VPBank cũng là điểm sáng khi Nghị quyết 42/2027/QH14 về xử lý nợ xấu được luật hóa, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2025. Quy định mới cho phép thu giữ, kê biên và hoàn trả tài sản bảo đảm một cách rõ ràng và nhanh chóng, giúp VPBank đẩy mạnh thu hồi nợ xấu.
Tính đến cuối quý I/2025, VPBank đã xử lý khoảng 90.200 tỷ đồng nợ khó đòi ngoại bảng, tăng 50,5% so với cùng kỳ năm trước. Kế hoạch sử dụng 30.140 tỷ đồng xử lý nợ xấu trong năm nay được kỳ vọng sẽ nâng cao dòng tiền thu hồi, cải thiện hệ số bao phủ nợ xấu lên mức 51,1%.
![]() |
ABS dự phóng các chỉ tiêu tài chính của VPB giai đoạn 2025-2026 |
Trên cơ sở đó, ABS dự báo lợi nhuận sau thuế của VPBank đạt 19.238 tỷ đồng, tăng 20,3% so với năm 2024. Giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu (BVPS) được ước tính ở mức 20.497 đồng, tương ứng với mức giá mục tiêu 21.500 đồng/cp. Dù vậy, rủi ro nợ xấu gia tăng nếu kinh tế gặp biến động vẫn là thách thức lớn nhất đối với ngân hàng.
>> Thế giới Di động 'bắt tay' VPBank, triển khai dịch vụ cho vay mang thương hiệu 'MWG PayLater'
Nhóm cổ phiếu đầu tư công bất ngờ 'dậy sóng' sau chỉ đạo nóng từ Thủ tướng
LynkiD tự hào đồng hành cùng VPBank: Cá nhân hóa dịch vụ, định hình chuẩn mực mới