Tôi cho rằng đến thời điểm này Chính phủ và Bộ Y tế cần tập trung nguồn lực (cả nhân lực, trang thiết bị y tế và vaccine) để hỗ trợ cho Bình Dương, giống như những gì đã hỗ trợ cho TP Hồ Chí Minh.
Bắt đầu từ ngày 30/07 số ca nhiễm mới của Bình Dương đã tăng cao đột biến (trên 2000 ca ngày). Hiện tại số ca nhiễm mới một ngày tính trên 100 ngàn dân của Bình Dương đã cao gấp 1,75 lần TP Hồ Chí Minh và đã cao hơn ngày TP HCM có số ca nhiễm mới kỷ lục (này 27/07 với 6.318 ca). Điều đó có nghĩa là dịch bệnh ở Bình Dương đã nghiêm trọng ngang TP HCM rồi.
Bình Dương là tỉnh nằm sát cửa ngõ Tây Bắc TP Hồ Chí Minh, 3 thành phố Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một và thị xã Tân Uyên còn gần trung tâm TP Hồ Chí Minh hơn 3 huyện Củ Chi, Cần Giờ và Bình Chánh của TP HCM.
Bình Dương không chỉ là cửa ngõ Tây Bắc, sát nách TP HCM mà còn là tỉnh lớn với qui mô dân số và kinh tế lớn thứ 4 cả nước; có tỷ lệ đô thị hoá lên đến 82% cao nhất cả nước, cao hơn cả TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội. Bình Dương là tỉnh có số thu ngân sách đứng thứ 5 cả nước (sau TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu), số thu ngân sách nội địa của Bình Dương bằng 1/4 TP HCM, là tỉnh có nhiều khu công nghiệp lớn, đóng góp 10% kim ngạch xuất khẩu của cả nước; là tỉnh có năng lực cạnh tranh luôn thuộc top dẫn đầu cả nước.
Bộ Y tế đã cử nhiều đoàn bác sĩ, nhân viên Y tế tăng cường cho Bình Dương, đã quyết định lập Trung tâm hồi sức tích cực 500 giường bệnh ở Bình Dương và giao cho BV Đại học Y Hà Nội phụ trách và PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu (GĐ BV ĐH Y Hà Nội) làm giám đốc; đã ưu tiên cấp vaccine cho Bình Dương.
Thế nhưng với vị trí địa lý và kinh tế quan trọng, với mức độ bùng phát dịch cao như vậy, Bình Dương rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ và Bộ Y tế mạnh hơn nữa, cũng như sự giúp sức của các tỉnh thành phố bạn nhiều hơn nữa.