Hà Nội sắp có thêm cầu 8.300 tỷ, là công trình cấp đặc biệt bắc qua sông Hồng
Cây cầu này được xem là công trình cấp đặc biệt với 2 đường dẫn đầu cầu là đường trục chính đô thị, với tổng chiều dài khoảng 5,2km.
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn đã ký ban hành quyết định phê duyệt phương án, vị trí công trình cầu Thượng Cát và đường dẫn 2 đầu cầu, tỷ lệ 1/500 tại quận Bắc Từ Liêm và huyện Đông Anh, TP. Hà Nội.
Theo như quyết định phê duyệt, cây cầu có vị trí điểm đầu tại nút giao với đường Kỳ Vũ, thuộc phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm; điểm cuối tại nút giao với đường 23B thuộc xã Đại Mạch, huyện Đông Anh với chiều dài tuyến 5,2km.
Phối cảnh hình ảnh cầu Thượng Cát bắc qua sông Hồng của đơn vị có phương án thiết kế giành giải nhất. |
Hướng tuyến được xác định trên cơ sở phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô và các Quy hoạch phân khu đô thị GS, sông Hồng, N4 đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.
>> 'Bộ não' của sân bay hơn 16 tỷ USD lớn nhất Việt Nam vượt tiến độ 2 tháng
Cầu Thượng Cát bắc qua sông Hồng là công trình cấp đặc biệt khi đường 2 đầu cầu là đường trục chính đô thị.
Cầu có quy mô mặt cắt ngang điển hình 31-53m (gồm 6 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ; làn tách nhập).
Đường phía Nam cầu có chiều rộng 60m, gồm cầu dẫn 6 làn xe cơ giới với 2 làn hỗn hợp song hành và các dải phân cách, dải an toàn, vỉa hè hai bên tuyến đường.
Đường phía Bắc của cầu rộng 50m, gồm 4 làn xe cơ giới ở giữa, 2 làn hỗn hợp song hành, dải phân cách, dải an toàn, vỉa hè...
Phối cảnh thiết kế kiến trúc của cầu Thượng Cát của đơn vị có phương án thiết kế giành giải nhất. |
UBND TP. Hà Nội đã giao Sở Quy hoạch Kiến trúc tiến hành kiểm tra và xác nhận bản vẽ phương án tuyến cũng như vị trí công trình theo Quyết định phê duyệt của UBND TP.
Trước đó, Bộ TN&MT đã công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát và đường 2 đầu cầu.
Tốc độ thiết kế của tuyến đường khoảng 80km/h, đảm bảo thông suốt toàn tuyến Vành đai 3,5 từ phía Nam lên phía Bắc sông Hồng, góp phần giảm tải lưu lượng cho tuyến đường 70, đường Vành đai 3 và Quốc lộ 32.
Theo báo cáo, Dự án cầu Thượng Cát có tổng mức đầu tư gần 8.300 tỷ đồng từ ngân sách TP.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội là chủ đầu tư.
Sau khi được xây dựng, cầu Thượng Cát là một trong số 10 cây cầu bắc qua sông Hồng, nằm trong Quy hoạch Giao thông vận tải Hà Nội, được thực hiện trong giai đoạn 2015-2030.
Trong đó, 9 cây cầu còn lại gồm các cầu: Hồng Hà, Mễ Sở (Vành đai 4), Thăng Long mới (Vành đai 3), Tứ Liên, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Ngọc Hồi (Vành đai 3,5), cầu/hầm Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuyên, Vân Phúc (đường trục Bắc - Nam nối với tỉnh Vĩnh Phúc).
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp 20 HĐND TP. Hà Nội khóa XVI, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết TP đang tập trung phát triển hạ tầng giao thông với kế hoạch xây dựng tổng cộng 18 cây cầu vượt sông.
Hiện đã có 8 cây cầu được đầu tư xây dựng, ngoài cầu Long Biên, TP dự kiến sẽ xây dựng thêm 9 cây cầu mới.
"Theo kế hoạch, bằng việc áp dụng Luật Thủ đô mới, một số cây cầu quan trọng như cầu Tứ Liên và cầu Ngọc Hồi sẽ được khởi công trong nửa đầu năm 2025", lãnh đạo UBND TP. Hà Nội thông tin cho biết.
Trước đó, ông Nguyễn Chí Cường, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội, đại diện đơn vị tổ chức thi tuyển cuộc thi thiết kế cầu Thượng Cát cho biết cuộc thi đã thu hút sự tham gia của 4 đơn vị với tổng cộng 7 phương án thiết kế. Sau các vòng chấm thi, Hội đồng thi tuyển chọn được giải nhất là phương án mã số TC-03, do Liên danh Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải - CTCP và Công ty cổ phần kiến trúc Lập Phương thiết kế. Theo thuyết minh của đơn vị đạt giải, phương án TC-03 mang tên “Cánh chim hòa bình” được thiết kế với cầu chính gồm 4 nhịp sử dụng kết cấu dây văng. Trụ cầu được tạo hình vuốt cong nhẹ sang hai bên, tựa như đôi cánh chim vươn cao, mang ý nghĩa hòa bình và khát vọng phát triển. Cầu có mặt cắt ngang rộng 37,4m, bao gồm 6 làn xe cơ giới và 2 làn hỗn hợp, đáp ứng nhu cầu giao thông hiện đại.
Nằm ở vị trí đầu nguồn của chuỗi các cây cầu bắc qua sông Hồng, cầu Thượng Cát được định hướng trở thành một biểu tượng lớn, phản ánh tinh thần Thủ đô.
Thiết kế của cầu lấy cảm hứng từ hình ảnh cánh chim trong câu tục ngữ "Đất lành chim đậu", hài hòa với hệ sinh thái phong phú ven sông Hồng, đồng thời mang tầm vóc biểu tượng toàn cầu.
TP. Hà Nội luôn hướng đến mục tiêu trở thành một đô thị thân thiện, hiếu khách và hòa bình, do đó, hình tượng những "cánh chim hòa bình" nối tiếp nhau, dẫn lối dòng xe qua cầu, đã trở thành biểu tượng cho định hướng phát triển lâu dài của Thủ đô, vừa nhấn mạnh giá trị văn hóa, vừa gắn kết với khát vọng vươn ra thế giới.
>> Hà Nội 'chốt' thời gian xây dựng cầu dây văng thứ 2 sau cầu Nhật Tân với kinh phí 20.000 tỷ
Cháy nổ lớn tại chung cư cao cấp: Có người rơi khỏi tòa nhà, nhiều công trình xung quanh rung chuyển
Một doanh nghiệp dự kiến đầu tư xây khu nghỉ dưỡng khoáng nóng 33.000m2 phục vụ CBCNV