Cần ‘phép màu’ cho đường dây 500kV mạch 3 dài 500km

11-07-2023 12:56|Lương Bằng

Dự án 500kV mạch 3 kéo dài từ Hà Tĩnh ra Phố Nối, Hưng Yên, sẽ phải hoàn thành vào tháng 6/2024, tức chưa đầy 11 tháng nữa. Đây là nhiệm vụ khó khăn khi chủ trương đầu tư dự án vẫn chưa có.

11 tháng để làm hơn 500km đường dây 500kV

Thứ 7 tuần trước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì một cuộc họp với Ủy Ban quản lý vốn tại doanh nghiệp, Tập đoàn điện lực Việt Nam EVN, Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và 9 địa phương.

Làm đường dây 500kV tốn nhiều thời gian và tiền bạc. Ảnh: Lương Bằng

Chủ đề của cuộc họp là bàn và thống nhất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án 500kV mạch 3 kéo dài từ Hà Tĩnh ra Phố Nối (Hưng Yên). Chín tỉnh liên quan đến dự án, bao gồm: Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên.

Bộ trưởng Công Thương nhấn mạnh đây là dự án “có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kết nối lưới điện liên miền, góp phần bảo đảm cung ứng điện cho miền Bắc những năm tới”. Ông cũng thừa nhận đây là “một nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng và cũng hết sức khó khăn”.

Vì sao dự án này lại có tầm quan trọng đến thế?

Tất cả bắt nguồn từ việc miền Bắc thiếu điện hồi tháng 6 do nhiều hồ thủy điện về dưới mực nước chết. Lúc đó, việc truyền tải điện từ miền Trung ra Bắc cũng gặp khó. Hiện khả năng truyền tải điện từ miền Trung ra miền Bắc qua đường dây 500 kV Bắc – Trung luôn ở ngưỡng giới hạn cao (giới hạn tối đa từ 2.500MW đến 2.700MW). Nếu vượt quá mức giới hạn này, thì sẽ dẫn đến nguy cơ rã lưới, ảnh hưởng đến việc cấp điện cho cả hệ thống. Vì thế, nâng cao năng lực truyền tải từ miền Trung ra Bắc được đặt ra cấp bách. Đó là lý do dự án này phải hoàn thành càng sớm càng tốt.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải đẩy nhanh tiến độ dự án, hoàn thành đưa vào vận hành trong tháng 6/2024 – một mốc thời gian “khắc nghiệt” khi hiện nay dự án mới chỉ nằm trong quy hoạch.

Kinh nghiệm cho thấy, dự án mạch 3 Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi – Pleiku 2 dài gần 742km khởi công tháng 12/2018, nhưng cũng phải mất 4 năm (tháng 8/2022) mới hoàn thành, chưa kể thời gian dành cho các thủ tục cần thiết trước đó để khởi công.

Bên cạnh đó, dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Hà Tĩnh trở ra miền Bắc đến nay vẫn chưa có chủ trương đầu tư. Nói vậy để thấy, tiến độ kể trên là “thần tốc” đến thế nào.

Theo quy trình đầu tư một dự án, thì trước hết phải có chủ trương đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ là đơn vị thẩm định chủ trương đầu tư dự án, rồi lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương, trình Chính phủ phê duyệt.

Sau khi dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, thì cần thêm thời gian phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, tổ chức lựa chọn nhà thầu, sau đó mới đến giai đoạn tiến hành khởi công. Quá trình này thông thường cũng mất cả năm trời. Từ lúc khởi công đến lúc hoàn thành dự án, còn rất nhiều việc phải làm.

Nếu thời điểm này chủ trương đầu tư đã xong, báo cáo nghiên cứu khả thi đã được phê duyệt, đã đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, thì tính khả thi của tiến độ tháng 6/2024 là có thể.

Nhưng đến nay, chủ trương đầu tư vẫn còn chưa có, trong khi đây là yêu cầu tiên quyết để khởi động một dự án đầu tư. Nếu chưa có chủ trương đầu tư, thì chưa thể tính các bước tiếp theo. Có chủ trương đầu tư, rồi chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng được phê duyệt, thì mới có thể tính đến việc phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, và mới triển khai thi công được.

Một loạt chuyên gia truyền tải khi được hỏi cũng phải thừa nhận đây gần như nhiệm vụ “bất khả thi”.

Giải phóng mặt bằng luôn là nỗi lo của các dự án truyền tải. Ảnh: Lương Bằng

Sợ nhất giải phóng mặt bằng

Đó là tâm sự của không ít người “lính truyền tải” khi tiến hành một dự án đường dây. Với dự án trải dài trên 9 tỉnh, giải phóng mặt bằng chắc chắn là nỗi ám ảnh. Đây cũng là nút thắt chung của hầu hết dự án đầu tư công.

Còn nhớ những ngày làm dự án mạch 3 Vũng Áng – Quảng Trạch – Dốc Sỏi – Pleiku 2, bản thân các lãnh đạo EVN, EVNNPT đã phải tổ chức không biết bao nhiêu cuộc làm việc với các địa phương, đề nghị hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Vậy mà tiến độ vẫn ì ạch.

Đặc biệt là hiện nay xuất hiện khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng do thủ tục rất phức tạp và mất nhiều thời gian. Vướng mắc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng từng khiến nhiều dự án truyền tải “nín thở” như các dự án: TBA 220 kV Nghĩa Lộ và ĐD 220 kV Nghĩa Lộ - 500 kV Việt Trì, ĐD 220 kV Huội Quảng - Nghĩa Lộ, Nha Trang - Tháp Chàm...

Nhiều dự án điện khi thực hiện bước phê duyệt thiết kế kỹ thuật thì phải chờ địa phương làm các thủ tục bổ sung kế hoạch sử dụng đất. Việc này có thể kéo dài thời gian triển khai dự án chậm từ 6 tháng đến 1 năm, thậm chí dài hơn.

“Nhìn chung phần lớn các dự án truyền tải đều chậm tiến độ 1-2 năm, một số công trình chậm tiến độ kéo dài 4-5 năm. Tình trạng chậm tiến độ diễn ra ở cả 3 miền, tập trung nhiều ở miền Bắc và miền Nam, khó khăn chủ yếu tập trung ở khâu giải phóng mặt bằng và đền bù, tái định cư và chuyển đổi nhu cầu sử dụng đất”, báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội vừa qua nêu lên thực tế.

Do đó, với một dự án cấp bách như đường dây mạch 3 này, nếu làm theo đúng quy định thì tiến độ giải phóng mặt bằng sẽ kéo dài. Ví dụ, theo quy định hiện hành, sau khi kê kiểm xong thì phải niêm yết đủ thời gian. Niêm yết xong, thì mới áp giá đền bù, rồi lại niêm yết giá đền bù theo quy định. Căn cứ quy trình đó, phải 3 tháng mới có được một phương án bồi thường. Còn nếu phải thu hồi đất, tái định cư thì tối thiểu cần 6 tháng.

Cho nên Chính phủ cần có cơ chế để tạo điều kiện cho các địa phương đẩy nhanh giải phóng mặt bằng.

Khâu lựa chọn nhà thầu cũng không phải dễ dàng. Những dự án trước đây của truyền tải thường xuyên gặp cảnh đấu thầu đi đấu thầu lại để lựa chọn nhà thầu do không có nhà thầu tham gia. Đây cũng là điều cần phải rút kinh nghiệm trong việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu cho dự án này.

Do đó, nếu muốn đẩy nhanh tiến độ đường dây 500kV này, cần thiết phải có những cơ chế đặc thù như đã áp dụng trong giai đoạn 2006-2020. Ngay cả khi có cơ chế đặc thù, việc 11 tháng phải hoàn thành đường dây 500kV vẫn phải cần đến “phép màu”.

EVN được giao trọng trách lớn: Không để thiếu điện khi kinh tế tăng trưởng 2 chữ số

Thủ tướng: Ngành điện phải có những công trình thế kỷ

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/can-phep-mau-cho-duong-day-500kv-mach-3-dai-500km-2163908.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cần ‘phép màu’ cho đường dây 500kV mạch 3 dài 500km
    POWERED BY ONECMS & INTECH