Tỉnh lớn nhất Việt Nam chốt thời điểm chọn nhà đầu tư nhà máy điện khí LNG hơn 2 tỷ USD
Đây là một trong các dự án nguồn điện quan trọng, ưu tiên trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Sáng 20/2, tại thị xã Hoàng Mai, đồng chí Lê Hồng Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An làm việc với đoàn công tác Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu về kiểm tra, khảo sát Dự án Nhà máy Nhiệt điện khí LNG Quỳnh Lập.
Trong buổi làm việc này, lãnh đạo tỉnh đã cho biết, tỉnh đang gấp rút tiến hành các thủ tục về chấp thuận chủ trương đầu tư và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các thủ tục để hoàn thành việc chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Quỳnh Lập trong quý I/2025 theo đúng quy trình, quy định của pháp luật.
>> Thanh Hóa tìm nhà đầu tư dự án 'khủng' kéo dài qua 3 phường
Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong năm 2025, Nghệ An được Chính phủ giao nhiệm vụ phải đạt tốc độ tăng trưởng 10,5%, đây là một áp lực rất lớn đối với địa phương. Vì vậy, Dự án Nhiệt điện LNG Quỳnh Lập sớm đi vào triển khai xây dựng sẽ từng bước đóng góp vào thu ngân sách Nhà nước, thúc đẩy tăng trưởng của tỉnh.
Trước yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị đoàn công tác Cục Tác chiến, Bộ Quốc phòng, trên cơ sở nghiên cứu thực địa, có phương án tham mưu, hỗ trợ và tạo điều kiện để tỉnh triển khai sớm Dự án Nhiệt điện LNG Quỳnh Lập, đảm bảo hài hòa giữa an ninh, quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Quỳnh Lập thực hiện tại xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An, bao gồm các hạng mục: Nhà máy điện khí LNG, kho chứa khí, cảng tiếp nhận, đê chắn sóng và các công trình phụ trợ trên tổng diện tích khoảng 210-360ha và cảng tiếp nhận tàu có trọng tải khoảng 100.000DWT.
Dự kiến tổng mức đầu tư dự án khoảng 2,11 tỷ USD với công suất 1.500MW (gồm 2 tổ máy x 750MW) sử dụng công nghệ tuabin khí chu trình hỗn hợp, kho và hệ thống tái hóa LNG; Bến cảng tiếp nhận LNG cho tàu có trọng tải từ 100.000DWT đến 150.000DWT và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Để đáp ứng nhu cầu nhiên liệu của nhà máy sẽ nhập khẩu LNG khoảng 1,15 triệu tấn/năm.
Dự án dự kiến đưa vào vận hành thương mại giai đoạn trước năm 2030. Khi hoàn thành, điện sản xuất từ nhà máy sẽ đấu nối vào đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu - Thanh Hóa hoặc xem xét đấu nối vào Nhà máy Nhiệt điện LNG Nghi Sơn.
Với diện tích đạt 16.490,25km2, Nghệ An là tỉnh lớn nhất Việt Nam, chiếm 3,2% diện tích cả nước. Còn Bắc Ninh là tỉnh có diện tích tự nhiên nhỏ nhất cả nước, 822,7km2.
>> Sân bay tại tỉnh rộng nhất cả nước sẽ có thêm một nhà ga hành khách, nâng công suất gấp 3 lần
Chaebol lớn thứ 3 Hàn Quốc muốn đầu tư tới dự án điện khí LNG và lò phản ứng hạt nhân tại Việt Nam
Tỉnh lớn nhất Việt Nam sắp đón nhà máy điện khí LNG hơn 2 tỷ USD