Cảnh báo nguy cơ để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm
Chuyên gia y tế cảnh báo, thực phẩm có thể bị nhiễm khuẩn ở bất kỳ thời điểm nào trước khi ăn. Do vậy, việc tuân thủ các bước bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) có thể phòng tránh các bệnh do thực phẩm gây nên như ngộ độc thực phẩm và các bệnh mạn tính khác.
Ngộ độc thực phẩm gây nỗi bất an
Thời gian qua, cả nước liên tục xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm khiến nhiều người phải nhập viện cấp cứu và điều trị. Theo thống kê của Bộ Y tế, 9 tháng năm 2024, cả nước đã xảy ra 111 vụ ngộ độc thực phẩm, tăng 2 vụ so với 9 tháng năm 2023. Tuy nhiên, số người ngộ độc tăng hơn 2 lần, số vụ có người mắc trên 30 người tăng.
Nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc qua xét nghiệm có vụ do vi sinh vật salmonela trong thịt nguội, các món gà, thịt heo đã qua chế biến, chả lụa hay vi sinh vật Bacillus cereus trong canh chua thịt giá đỗ, vi sinh vật Staphylococus aureus trong mì Quảng,…
Từ các vụ ngộ độc cho thấy, việc thực hiện các quy định về ATTP của một bộ phận chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa đầy đủ thường xuyên. Có cơ sở không có đăng ký kinh doanh, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, không xác nhận tập huấn kiến thức về ATTP, không thực hiện khám sức khỏe định kỳ. Có cơ sở không thực hiện kiểm thực 3 bước và lưu mẫu theo quy định, không cung cấp được các hợp đồng và giấy tờ liên quan đến nguyên liệu thực phẩm.
Liên quan đến vấn đề này, theo TS Trương Hồng Sơn - Phó Tổng thư ký Tổng Hội Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, tình trạng thực phẩm bẩn đang tràn lan ngoài thị trường, không bảo đảm về chất lượng, không rõ nguồn gốc.
Thực tế, ngày càng có nhiều nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng. Những hóa chất cấm trong chế biến nông thủy sản và sử dụng nhiều loại chất tẩy rửa thịt, cá ôi thiu. Đó còn là quy trình chế biến không nghiêm ngặt hay do nhiễm độc từ môi trường không đảm bảo vệ sinh, sử dụng nước thải sinh hoạt trong chế biến…
Điều đáng lo ngại là hàng ngày, hàng giờ, đâu đó xảy ra những vụ việc ngộ độc thực phẩm gây nỗi bất an. Thực phẩm có thể bị nhiễm bẩn ở bất kỳ thời điểm nào trước khi ăn. Để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm, TS Trương Hồng Sơn lưu ý người dân cần tuân thủ các bước bảo đảm ATTP có thể phòng tránh phần lớn các bệnh do thực phẩm gây nên.
Bảo quản thực phẩm đúng cách
Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong, bảo đảm ATTP là bí quyết phòng tránh ngộ độc thực phẩm. Trong đó, người tiêu dùng nên chọn lựa thực phẩm đảm bảo an toàn, rõ nguồn gốc, còn hạn sử dụng.
Các gia đình cần bảo quản thực phẩm đúng cách, từ thực phẩm chưa chế biến (đông lạnh, ướp muối...) hoặc đã chế biến (đậy, dằn, hâm, ướp lạnh).
Đặc biệt, ông Đặng Thanh Phong lưu ý, người dân giữ vệ sinh trong khâu chế biến, khi ăn uống; vệ sinh tay trước khi chế biến thực phẩm và trước khi ăn uống; vệ sinh sạch sẽ dụng cụ nấu nướng và ăn uống. Khi nấu nướng chế biến thức ăn, người dân cần dùng riêng các dụng cụ.
Bên cạnh đó, các gia đình cần sơ chế, chế biến thực phẩm hợp vệ sinh, đúng cách; sử dụng nguồn nước sạch; “ăn chín, uống sôi”, ăn, uống thực phẩm đã chín kỹ. Các gia đình nên thận trọng khi ăn uống ở hàng quán bên ngoài; lựa chọn hàng quán có uy tín, thương hiệu.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thanh - Bộ môn Nội tổng hợp, Đại học Y Hà Nội cảnh báo, việc đun nấu lại nhiều lần các món ăn không chỉ làm mất dinh dưỡng mà còn dễ gây nhiễm khuẩn. Chưa kể nếu bảo quản không đúng cách, đồ ăn để lâu ngày có nguy cơ nấm mốc, ôi thiu...
Để hạn chế tình trạng ngộ độc thực phẩm xảy ra, mỗi gia đình nên lưu ý ưu tiên nấu ăn trong ngày, các món ăn nói chung không nên để qua đêm, đặc biệt không đun đi đun lại nhiều lần.
Vì khi để thức ăn trong tủ lạnh, nhiều gia đình bảo quản không đúng cách cũng gây hại ngay cả khi chưa “hết hạn sử dụng”. Bởi vậy, trong trường hợp phải bảo quản thức ăn trong tủ lạnh, các gia đình cần để riêng thức ăn sống, chín, bọc kỹ từng loại.
Do đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo, để bảo quản tốt đồ ăn thừa một cách an toàn, không làm mất đi chất dinh dưỡng, không gây hại đối với sức khỏe, tốt nhất các bà nội trợ nên bảo quản trong hộp thủy tinh, hộp nhựa an toàn hay dùng màng bọc thực phẩm bọc kín. Thức ăn thừa phải để nguội trước khi cho vào tủ lạnh.
Để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm, người dân cần chọn mua thực phẩm của những nhà cung cấp, nhà sản xuất có uy tín, có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Người tiêu dùng nói không với các loại hàng rẻ, hàng trôi nổi, hàng không có nhãn mác.
Các gia đình thay đổi thói quen tiêu dùng, hướng tới việc sử dụng các thực phẩm tự nhiên, thực phẩm hữu cơ nhằm hạn chế hàm lượng thuốc trừ sâu tích tụ vào cơ thể, bảo đảm an toàn, dinh dưỡng.
Người tiêu dùng phải tìm hiểu, cung cấp cho mình những kiến thức về tiêu dùng sạch, sản xuất sạch để có cách nhận biết hoặc sử dụng thực phẩm một cách an toàn, thông minh.
TS Trương Hồng Sơn - Phó Tổng thư ký Tổng Hội Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam
>> Bảo quản, chế biến rau lá xanh đúng cách, tránh nhiễm khuẩn E.coli
Bộ Y tế lên tiếng về thủ đoạn giả danh đoàn thanh tra an toàn thực phẩm
Chất lượng an toàn thực phẩm: Cảnh báo từ các cơ sở giết mổ động vật