Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an thực hiện nhiệm vụ quan trọng trên toàn quốc
Theo chỉ thị, các bộ, ngành và địa phương được yêu cầu khẩn trương rà soát, tháo gỡ các điểm nghẽn và hoàn thiện thể chế liên quan đến bảo vệ môi trường.
Ngày 12/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành chỉ thị về một số nhiệm vụ cấp bách nhằm ngăn chặn và khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.
Theo nội dung chỉ thị, hiện tình trạng ô nhiễm môi trường tại một số địa phương vẫn ở mức nghiêm trọng, đặc biệt là ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn và ô nhiễm nước tại các khu vực đông dân cư, nơi tập trung nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và làng nghề.
Riêng tại Hà Nội, nhiều thời điểm trong năm ghi nhận mức độ ô nhiễm không khí thuộc nhóm cao trên thế giới; các chỉ số ô nhiễm nước tại các con sông trong nội thành cũng vượt ngưỡng cho phép liên tục trong nhiều năm.

Để khắc phục tình trạng trên, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương khẩn trương rà soát, tháo gỡ các điểm nghẽn và hoàn thiện thể chế liên quan đến bảo vệ môi trường nhằm nâng cao hiệu lực thực thi.
Thủ tướng chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách, pháp luật trong công tác bảo vệ môi trường.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường được giao chủ trì, hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương kiểm điểm tiến độ, kết quả thực hiện các chương trình, đề án; đồng thời tham mưu sửa đổi, bổ sung Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường theo hướng nâng mức phạt, bổ sung thẩm quyền xử lý.
Bộ Công an được yêu cầu rà soát, cập nhật danh sách các cơ sở và khu vực gây ô nhiễm trên toàn quốc; điều tra, xử lý nghiêm tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường. Đồng thời, mở rộng điều tra các hành vi thiếu trách nhiệm, tham nhũng, tiêu cực, lợi dụng chức vụ gây ảnh hưởng đến công tác bảo vệ môi trường.
Thủ tướng yêu cầu phát hiện, đôn đốc xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm tại các đô thị, làng nghề, lưu vực sông và khu vực tập trung sản xuất, nhất là tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; chỉ đạo, hướng dẫn Công an cấp xã thực hiện đầy đủ, có hiệu quả thẩm quyền điều tra hình sự, xử lý vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường, hoàn thành văn bản hướng dẫn trong quý III/2025.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm môi trường cũng được yêu cầu tăng cường. Các kênh như đường dây nóng, tài khoản Zalo An ninh, ứng dụng VNeID sẽ được sử dụng, cùng với việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu tội phạm môi trường.

Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và Bộ Nông nghiệp và Môi trường để kịp thời nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh pháp luật, bảo đảm đủ sức răn đe và xử lý nghiêm vi phạm.
Bộ Xây dựng có trách nhiệm đẩy nhanh phát triển hệ thống giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân, tăng cường kiểm soát khí thải, hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật khí thải cho phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Thanh tra Chính phủ được giao tổ chức thanh tra chuyên đề về công tác quản lý môi trường tại các địa bàn ô nhiễm nghiêm trọng và các dự án sử dụng ngân sách cho môi trường có dấu hiệu sai phạm, chậm tiến độ hoặc kém hiệu quả. Kiến nghị xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra vi phạm nghiêm trọng.
UBND các tỉnh, thành phố được yêu cầu nâng cao trách nhiệm, đưa công tác bảo vệ môi trường vào nội dung đánh giá cán bộ định kỳ. Trường hợp để xảy ra ô nhiễm nghiêm trọng, phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm lãnh đạo liên quan.
Riêng với Hà Nội, Thủ tướng chỉ đạo UBND thành phố cân đối ngân sách địa phương, huy động mạnh mẽ nguồn lực xã hội hóa và xây dựng lộ trình từ nay đến năm 2030 nhằm phát triển mạng lưới giao thông công cộng đa phương thức, bao phủ rộng khắp và kết nối các khu vực trọng điểm trên địa bàn…
>> Hà Nội cấm xe máy xăng vào vành đai 1 từ 7/2026: Nhanh chóng hỗ trợ người dân đổi xe
Bộ Công an phối hợp với Google ra mắt tính năng quan trọng
Chuyên gia an ninh mạng Hiếu PC tham gia sự kiện quan trọng của INTERPOL và Bộ Công an