Cảnh sát đột kích, giải cứu thành công hơn 200 người khỏi ổ nhóm ‘đào lửa’ tại Campuchia
Trong số 215 nạn nhân được giải cứu, có đến 109 người là công dân Thái Lan.
Lực lượng cảnh sát Campuchia tiến hành chiến dịch giải cứu thành công 215 người nước ngoài bị mắc kẹt trong một tổ chức lừa đảo tại thành phố Poipet. Trong số này có 109 công dân Thái Lan, theo thông tin từ Bangkok Post đưa tin vào ngày 23/2/2025.

Cuộc truy quét diễn ra vào ngày 22/2/2025, nhắm vào một tòa nhà ba tầng tại Poipet, thuộc tỉnh Banteay Meanchey. Đây được xác định là địa điểm mà một nhóm lừa đảo đã thuê để tiến hành các hoạt động gian lận trực tuyến. Sau quá trình điều tra, cảnh sát Campuchia đã vào cuộc và giải cứu các nạn nhân.
Phát ngôn viên chính phủ Thái Lan, ông Jirayu Houngsub, cho biết trong số những người được giải cứu có 109 công dân Thái Lan, 50 người Pakistan, 48 người Ấn Độ, 5 người Đài Loan (Trung Quốc) và 3 người Indonesia. Ông nhấn mạnh đây là số lượng người Thái Lan được giải cứu nhiều nhất từ trước đến nay trong một vụ án liên quan đến các hoạt động lừa đảo mạng ở khu vực này. Ông cũng đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa Thái Lan và Campuchia trong nỗ lực triệt phá các tổ chức tội phạm kiểu này.
Theo Reuters, những năm gần đây, các vụ lừa đảo núp bóng "việc nhẹ, lương cao" ngày càng gia tăng, khiến hàng nghìn nạn nhân từ nhiều quốc gia bị dụ dỗ đến các trung tâm lừa đảo dọc biên giới Campuchia. Tại đây, họ bị ép thực hiện các hành vi gian lận trực tuyến và phải đối mặt với những hình phạt khắc nghiệt nếu không đạt chỉ tiêu do tổ chức đặt ra.

Trước tình trạng này, các quốc gia Đông Nam Á đã tăng cường hợp tác nhằm xóa sổ các đường dây lừa đảo. Dọc biên giới Thái Lan - Myanmar, nhiều chiến dịch trấn áp đã được triển khai đồng loạt để kiểm soát tình hình.
Phó Thủ tướng Thái Lan, ông Phumtham Wechayachai, cho biết nước này đã phối hợp với Trung Quốc và Myanmar để thực hiện các biện pháp mạnh, bao gồm cắt nguồn nước, điện và nhiên liệu tại năm điểm trọng yếu nhằm làm suy yếu hoạt động của các băng nhóm tội phạm.
Trong khi đó, tổng cộng 621 công dân Trung Quốc bị buôn bán sang Myanmar để làm việc cho các băng nhóm lừa đảo đã được giải cứu và hồi hương về Trung Quốc từ sân bay Mae Sot, tỉnh Tak, trong khoảng thời gian từ ngày 20/2/2025 đến 22/2/2025.
Theo Liên Hợp Quốc, hàng trăm nghìn người đã bị các băng nhóm tội phạm buôn bán và ép làm việc trong các trung tâm lừa đảo trực tuyến bất hợp pháp trên khắp Đông Nam Á. Báo cáo năm 2023 của Liên Hợp Quốc ước tính rằng những mạng lưới lừa đảo này thu về hàng tỷ USD lợi nhuận phi pháp mỗi năm.
Thành lập cơ chế hợp tác du lịch ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia
Campuchia bội thu vàng tại khu vực giáp Việt Nam, cuối năm ngoái thu về gần 14 tấn