Đông Nam Á trở thành ‘căn cứ địa’ của tội phạm Trung Quốc: Nạn lừa đảo trực tuyến hoành hành khắp khu vực, riêng Việt Nam thiệt hại tới 20 tỷ USD
Với quy mô ngày càng lớn, những đường dây này đang đe dọa đến an ninh và trật tự khu vực, buộc các quốc gia Đông Nam Á phải tăng cường hợp tác để truy quét và trấn áp.
Làn sóng lừa đảo xuyên biên giới bùng phát
Trong những năm gần đây, những tổ chức lừa đảo xuyên biên giới tại Đông Nam Á ngày càng gia tăng, với sự thống trị của các nhóm tội phạm có tổ chức đến từ Trung Quốc. Không chỉ gây tổn thất tài chính nghiêm trọng, những đường dây này còn đe dọa an ninh và trật tự xã hội của nhiều quốc gia trong khu vực.
Nhiều chiến dịch truy quét quy mô lớn đã được triển khai, trong đó hàng chục nghìn nghi phạm bị bắt giữ và dẫn độ về Trung Quốc. Điều này cho thấy mức độ tham gia sâu rộng của tội phạm nước này trong các vụ lừa đảo tại Đông Nam Á.
Một báo cáo mới đây của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS) chỉ ra, các hang ổ lừa đảo mọc lên sau sự suy thoái của ngành công nghiệp cờ bạc tại Đông Nam Á và chủ yếu do các băng nhóm tội phạm Trung Quốc điều hành.
Sau đại dịch Covid-19, nhiều sòng bạc và khách sạn bị bỏ hoang đã trở thành trung tâm lừa đảo trực tuyến. Những nạn nhân bị buôn bán và ép buộc làm việc tại đây đã thực hiện các phi vụ chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại hàng tỷ USD trên phạm vi toàn cầu.

Tội phạm Trung Quốc chiếm lĩnh mạng lưới lừa đảo Đông Nam Á
Tận dụng những lỗ hổng pháp lý và tình trạng bất ổn trong khu vực, các tổ chức tội phạm (phần lớn xuất phát từ Trung Quốc) đã mở rộng hoạt động lừa đảo trực tuyến với quy mô lớn.
Chúng nhắm vào người dân Đông Nam Á, dụ dỗ họ tham gia vào các hình thức cờ bạc trực tuyến, đầu tư giả mạo và mô hình tài chính lừa đảo khác.
Theo số liệu từ Bộ Công an Trung Quốc, chỉ riêng trong năm 2023, nước này đã triệt phá 391.000 vụ lừa đảo qua mạng, bắt giữ 79.000 nghi phạm, trong đó 263 người được xác định là đối tượng cầm đầu.
Trong chiến dịch "Hải Âu" kéo dài từ tháng 8 đến tháng 12/2024, hơn 70.000 nghi phạm đã bị bắt, chủ yếu liên quan đến các tổ chức lừa đảo và đánh bạc trực tuyến tại Đông Nam Á. Những băng nhóm này sử dụng công nghệ tinh vi để thao túng nạn nhân, vận hành một mạng lưới lừa đảo trải rộng khắp khu vực.
Liên Hợp Quốc ước tính có hàng trăm nghìn người đã bị dụ dỗ hoặc cưỡng ép làm việc trong các trung tâm lừa đảo này. Phần lớn nạn nhân là những người nghèo khó, bị lừa bởi những lời hứa hẹn về công việc lương cao ở nước ngoài.

Myanmar – trung tâm lừa đảo lớn nhất Đông Nam Á
Myanmar được xem là "thủ phủ" của các băng nhóm lừa đảo Trung Quốc. Nhiều tổ chức tội phạm hoạt động mạnh tại các thành phố như Mandalay và Yangon.
Từ tháng 1 - tháng 11/2024, Trung Quốc bắt giữ và hồi hương hơn 40.000 nghi phạm liên quan đến những vụ lừa đảo viễn thông ở miền Bắc Myanmar. Sau cuộc đảo chính quân sự năm 2021, quốc gia này đã trở thành "trung tâm tội phạm có tổ chức lớn nhất thế giới".
Tháng 1/2024, chính quyền Myanmar thông báo đã trục xuất hơn 53.000 đối tượng bị tình nghi tham gia lừa đảo qua mạng về Trung Quốc.
Không chỉ Myanmar, các quốc gia khác như Campuchia, Việt Nam, Thái Lan và Lào cũng tích cực phối hợp với Bắc Kinh trong nhiều chiến dịch truy quét. Năm 2024, hơn 10.000 nghi phạm bị dẫn độ từ Campuchia về Trung Quốc, trong khi Philippines bắt giữ 277 người Trung Quốc liên quan đến các vụ lừa đảo đầu tư gây thiệt hại cho hàng trăm nạn nhân.
Trong một cuộc đột kích lớn tại Philippines vào tháng 3/2024, cảnh sát giải cứu tổng cộng 57 người Việt, 432 người Trung Quốc, 371 người Philippines, 8 người Malaysia, 3 người Đài Loan, 2 người Indonesia và 2 người Rwanda khỏi một trung tâm lừa đảo trực tuyến.

Thiệt hại hàng tỷ USD và hậu quả nặng nề
Những đường dây lừa đảo này đã gây thiệt hại hàng tỷ USD cho người dân và nền kinh tế khu vực. Nhiều nạn nhân không chỉ mất tiền bạc mà còn rơi vào khủng hoảng tinh thần, thậm chí lâm vào cảnh phá sản.
Tại Việt Nam, thiệt hại do lừa đảo qua mạng trong năm 2024 ước tính lên tới gần 20 tỷ USD, với phần lớn nạn nhân là người cao tuổi và người có thu nhập thấp.
Hoạt động của các băng nhóm tội phạm xuyên biên giới đã làm gia tăng bất ổn xã hội, đặt ra thách thức lớn cho chính quyền các nước Đông Nam Á. Chúng lợi dụng những kẽ hở trong hệ thống pháp luật để mở rộng phạm vi hoạt động, khiến người dân luôn sống trong tâm lý lo sợ.
Nhằm đối phó với vấn nạn này, Trung Quốc đã tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực, triển khai hàng loạt chiến dịch truy bắt và giải cứu nạn nhân.
Trong đó, chiến dịch "Hải Âu" - với sự tham gia của 6 quốc gia gồm Campuchia, Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Myanmar và Thái Lan - góp phần triệt phá nhiều tổ chức lừa đảo và các đường dây buôn lậu vũ khí.
Bên cạnh đó, Trung Quốc và Thái Lan cũng cam kết phối hợp chặt chẽ để xóa sổ các băng nhóm lừa đảo qua mạng tại Myanmar và đẩy lùi tình trạng buôn người.
Tổng hợp
>> Thái Lan mạnh tay truy quét, 7.000 người được cứu khỏi các ổ lừa đảo ở Myanmar
Myanmar bắt 270 người nước ngoài từ các ổ lừa đảo
Cơn sốt AI ‘tiếp tay’ cho lừa đảo tiền điện tử: Doanh thu ‘chợ đen’ tăng 1.900%