Cấp bách nâng mức giảm trừ gia cảnh
Để người nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) bớt thiệt thòi, trong lúc chờ sửa toàn diện Luật Thuế TNCN, Bộ Tài chính cần sớm trình Chính phủ, báo cáo Quốc hội nâng mức giảm trừ gia cảnh. Đây là kiến nghị của đông đảo người làm công ăn lương trong bối cảnh vật giá leo thang.
Giảm trừ gia cảnh quá lỗi thời
Dự kiến Dự thảo Luật Thuế TNCN (sửa đổi) sẽ được đăng ký chương trình xây dựng luật vào năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10/2025 và thông qua vào tháng 5/2026. Trong đợt sửa đổi lần này, nhiều chuyên gia, người lao động kiến nghị điều chỉnh tăng mứcgiảm trừ gia cảnh, bởi so với thực tế đời sống, mức giảm trừ gia cảnh hiện tại đã quá lạc hậu.
Phản hồi đề xuất này, Bộ Tài chính cho biết, theo Luật Thuế TNCN hiện hành, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực hoặc thời điểm điều chỉnh giảm trừ gia cảnh gần nhất thì mới điều chỉnh giảm trừ gia cảnh.
Theo Bộ Tài chính, CPI năm 2020 tăng 3,23%; năm 2021 tăng 1,84%; năm 2022 tăng 3,15% và CPI năm 2023 tăng 3,25%. Như vậy, CPI biến động chưa đến 20% kể từ thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất (2020), do đó, Bộ Tài chính khẳng định theo quy định của Luật Thuế TNCN hiện hành, chưa thể điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.
Hiện mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế là 11 triệu đồng và cho mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu đồng tháng. Cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm, giảm trừ gia cảnh, phụ cấp, trợ cấp... số còn lại mới là thu nhập căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân.
Bộ Tài chính lập luận, mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế đang cao hơn 2,2 lần so với thu nhập bình quân đầu người, cao hơn nhiều so với mức phổ biến các nước đang áp dụng từ 0,5 đến 1 lần, đồng thời cũng cao hơn thu nhập bình quân của nhóm 20% dân số thu nhập cao nhất. Mức giảm trừ với người phụ thuộc, theo cơ quan này, cũng gần với thu nhập bình quân đầu người hiện nay.
Nhưng thực tế, mức giảm trừ gia cảnh được áp dụng từ năm 2018, khi đó, mức lương cơ sở là 1.390.000 đồng. Trong khi mức lương cơ sở đã tăng lên khá nhiều so với thời điểm cách đây 6 năm, kèm theo đó, chỉ số giá tiêu dùng cùng nhiều mặt hàng tăng giá. Do đó, mức giảm trừ 4,4 triệu đồng/tháng thực sự không còn phù hợp đời sống hiện nay, nhất là ở các thành phố lớn, đang gây thiệt thòi cho người nộp thuế.
Đặc biệt, sau tăng lương cơ sở 30% từ 1/7/2024, hàng hóa thiết yếu cũng thiết lập mặt bằng giá mới, chỉ số giá từ năm 2020 đến nay vượt hơn 12%, nhiều ý kiến cho rằng, việc chậm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khiến người nộp thuế có thu nhập từ tiền công, tiền lương chịu thiệt thòi.
Để người nộp thuế cá nhân, nhất là những người làm công ăn lương bớt thiệt thòi, đại biểu Lê Thị Thanh Lam, Đoàn Hậu Giang kiến nghị, trong lúc chờ sửa toàn diện Luật Thuế TNCN, Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ, báo cáo Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh và áp dụng càng sớm càng tốt. Phải nâng làm sao cho phù hợp để tăng mức sống của người dân mỗi ngày mỗi tốt hơn, như thế thì mới đúng mục đích của Chính phủ kiến tạo đời sống người dân.
Giảm trừ gia cảnh không chỉ dựa vào mức tăng của CPI
Trên thực tế, theo quy định, việc Bộ Tài chính chưa điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh là đúng Luật, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, quy định này đến nay đã quá lạc hậu.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn (đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích, thời điểm thông qua luật Thuế TNCN năm 2007 (áp dụng từ năm 2009) là giai đoạn kinh tế Việt Nam có lạm phát cao, chỉ số CPI lên đến hai con số một năm. Việc quy định mức CPI từ 20% trở lên tương đương chỉ khoảng 2 năm là có thể điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.
Hiện tại, chỉ số CPI cũng nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ và chỉ xoay quanh mức 4%/năm. Nếu đợi chỉ số này tăng vượt 20% thì phải thêm 3 năm nữa. Như vậy, đến 7 năm mới được điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thì đời sống của nhiều gia đình sẽ gặp khó khăn khi kinh tế những năm qua biến động, thu nhập người lao động giảm mạnh.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đồng Tháp, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cần căn cứ vào những yếu tố liên quan đến điều kiện sống của người nộp thuế, tình hình thực tế… chứ không chỉ dựa vào mức tăng của CPI. Từ 1/7/2024, mức lương cơ sở đã tăng từ 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng/tháng thì mức giảm trừ gia cảnh cũng phải tăng theo mức lương cơ sở cho phù hợp. Do đó, Bộ Tài chính tới đây sửa Luật thuế thu nhập cần có tính toán có mức trừ gia cảnh cho các đối tượng theo mức lương cơ sở sẽ phù hợp hơn.
Dưới góc nhìn chuyên gia, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm, Luật Thuế TNCN và các quy định hiện hành lấy tiêu chí biến động CPI trên 20%, tức là phải dựa trên rổ hàng hóa gồm 752 mặt hàng là bất hợp lý. Trong khi đó, các mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp đến chi tiêu của người dân chỉ có khoảng trên 20 mặt hàng, trong khi phải chờ tính mức trung bình của 752 mặt hàng sẽ rất lâu, thậm chí 6 đến 7 năm. Như vậy sẽ không phản ánh kịp thời những biến động trong chi tiêu của người dân và các hộ gia đình.
Cùng với đó, quy định mức giảm trừ gia cảnh hiện nay cũng chưa phù hợp với điều kiện của một quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp như ở nước ta. Phần lớn thu nhập của người dân sẽ dành cho hàng hóa dịch vụ thiết yếu (70%). Trong khi, tại những quốc gia người dân có thu nhập cao, chi cho hàng hóa dịch vụ thiết yếu chỉ chiếm 30%-40%. Do đó, quy định về mức giảm trừ gia cảnh hiện nay sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cho nhu cầu thiết yếu của người dân.
>>Bộ Tài chính nói gì về kiến nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế TNCN?
Bộ Tài chính nói gì về kiến nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế TNCN?
Phản hồi của Bộ Tài chính về kiến nghị điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh