[CẬP NHẬT] Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024: Các điểm bỏ phiếu trên khắp nước Mỹ mở cửa, người dân đội mưa đi bỏ phiếu.
Ngày 5/11, hàng triệu người Mỹ đã đi bỏ phiếu quyết định ứng cử viên nào sẽ trở thành Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ. Những lá phiếu trực tiếp đầu tiên đã được bỏ tại Dixville Notch, bang New Hampshire đúng 0h ngày 5/11 (12h trưa cùng ngày theo giờ Việt Nam).
Sau thời gian dài vận động tranh cử, ngày quan trọng (5/11) của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đến.
Người dân trên khắp nước Mỹ hôm nay sẽ đến các điểm bỏ phiếu để quyết định ứng cử viên nào sẽ là người dẫn dắt quốc gia trong 4 năm tới. Đây không chỉ là một cuộc bầu cử quan trọng đối với nước Mỹ mà còn thu hút sự quan tâm của toàn thế giới, khi cử tri Mỹ đối diện với những quyết định có thể định hình tương lai của chính sách đối ngoại, kinh tế và xã hội của đất nước.
Ứng viên "Phó tướng" của ông Trump bỏ phiếu
Sáng 5/11, ứng cử viên phó Tổng thống của Đảng Cộng hòa - James David Vance đã đích thân bỏ phiếu tại địa điểm bỏ phiếu ở Cincinnati bang Ohio. Ông Vance đi cùng vợ và các con.
Đài CNN miêu tả ông trông "rất vui vẻ" khi đến Nhà thờ Saint Anthony of Padua để bỏ phiếu. "Chúng tôi hy vọng sẽ giành chiến thắng. Nhưng tất nhiên là bất kể ai thắng, một nửa đất nước sẽ thất vọng phần nào đó", ông nói với các phóng viên bên ngoài điểm bỏ phiếu.
Ông Trump dự kiến bỏ phiếu ở Florida
Một số nguồn thông tin cho biết, ông Trump sẽ trải qua ngày Tổng tuyển cử ở bang Florida và dự kiến sẽ đi bỏ phiếu trực tiếp tại đây. Một số hình ảnh cho thấy cảnh sát đã có mặt tại điểm bầu cử 5604, thành phố Palm Beach, bang Florida.
Cụ thể, ít nhất 15 người, gồm cảnh sát địa phương và mật vụ đã xuất hiện để đảm bảo an ninh cho ông Trump.
Tổng thống Joe Biden theo dõi bầu cử từ Nhà Trắng
Tổng thống Joe Biden sẽ theo dõi kết quả bầu cử từ Nhà Trắng cùng với đệ nhất phu nhân Jill Biden, các trợ lý thân cận và nhân viên cấp cao. Ông sẽ không dự sự kiện nào vào ngày 5/11 và sẽ nhận được thông tin cập nhật thường xuyên khi các cuộc kiểm phiếu diễn ra trên khắp cả nước.
Ông Trump nhận được nhiều ủng hộ từ cử tri trẻ
Cựu ứng viên Tổng thống đảng Cộng hòa Vivek Ramaswamy cho biết gen Z có xu hướng ủng hộ ông Trump. Cụ thể, nhóm cử tri thuộc gen Z muốn Mỹ tránh xa những cuộc xung đột ở nước ngoài, tập trung phát triển kinh tế cũng như giảm chi phí nhà ở.
Người Ấn Độ cầu nguyện cho bà Harris thắng
Người dân tại ngôi làng Thulasendrapuram ở bang Tamil Nadu, miền Nam Ấn Độ, nơi tổ tiên của bà Harris từng sinh sống đã tổ chức những buổi cầu nguyện đặc biệt để mong bà giành chiến thắng.
Nhiều người Mỹ gốc Ấn chia sẻ rằng bản thân đã được tiếp thêm sinh lực sau khi bà Harris được chọn làm ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ.
Được biết, bà Harris là con gái của những người nhập cư gốc Ấn Độ và Jamaica. Mẹ bà sinh ra ở Tamil Nadu trước khi chuyển đến Mỹ.
Người dân "đội mưa" đi bỏ phiếu
Một số bang chiến trường quan trọng đang chứng kiến đợt không khí lạnh ùa về cùng những cơn mưa lớn.
Lượng mưa lớn nhất được ghi nhận từ phía Đông Texas đến ranh giới hai bang Missouri và Illinois. Những cơn mưa dông nghiêm trọng di chuyển chậm khiến nhà chức trách phát cảnh báo lũ quét nguy hiểm ở các khu vực này.
Lượng mưa lớn có thể ảnh hưởng đến các cử tri đi bỏ phiếu vào sáng sớm. Theo đó, khối không khí lạnh sẽ tiếp tục di chuyển về phía Đông, gây mưa rào ở Minnesota và các bang chiến trường Wisconsin, Michigan và Louisiana. Wisconsin có thể là nơi có thời tiết tệ nhất trong 7 bang chiến trường.
Giờ mở cửa điểm bầu cử ở các bang
- Từ 6h (17h giờ Việt Nam): Connecticut, Indiana, Kentucky, Maine, New Hampshire, New Jersey, New York, Virginia.
- Từ 6h30: Ohio, Bắc Carolina, Tây Virginia, Vermont.
- Từ 7h: Alabama, Delaware, thủ đô Washington, Florida, Georgia, Illinois, Kansas, Maryland, Massachusetts, Michigan, Missouri Pennsylvania, Rhode Island, Nam Carolina, Tennessee.
- Từ 8h: Arizona, Iowa, Louisiana, Minnesota, Nam Dakota, Bắc Dakota, Oklahoma, Texas, Wisconsin.
Ông Trump xúc động khép lại cuộc vận động tranh cử cuối cùng
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kết thúc cuộc vận động tranh cử cuối cùng sau gần 2 giờ phát biểu tại Grand Rapids, Michigan. Ông đã nhắc lại nhiều lời hứa trong chiến dịch tranh cử của mình, ví dụ như tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế quan cao và điều chỉnh lại tình trạng nhập cư bất hợp pháp.
Ông xúc động nói: "Cảm ơn các bạn rất nhiều. Thật không thể tin được đây là sự kiện cuối cùng chúng tôi phải làm. Tổ chức bốn sự kiện tranh cử trong một ngày là rất khó nhưng không sao vì chúng tôi đã nhận được sự yêu quý của các bạn".
>> Sát 'giờ G', cử tri tại 7 bang chiến trường có thể ‘định đoạt’ cục diện bầu cử Mỹ đang chọn ai?
"Phó tướng" của bà Kamala Harris thất vọng vì cuộc đua quá sít sao
Theo buổi phỏng vấn được ghi hình vào tuần trước ở Pennsylvania (được công bố ngày 5/11), Thống đốc Minnesota Tim Walz, "Phó tướng" của bà Kamala Harris nói rằng mình thất vọng nhưng không bất ngờ khi thấy cuộc đua giữa bà Harris và ông Trump quá sít sao.
Ông Walz cũng chỉ ra sự tương phản giữa hai ứng cử viên và nhấn mạnh rằng sự khác biệt là “rõ ràng”. Trong quá khứ, ông cũng bày tỏ sự hoài nghi về tính cạnh tranh của cuộc bầu cử Tổng thống năm nay.
Nơi đầu tiên bỏ phiếu và kiểm phiếu xong: Ông Trump và bà Harris hòa
Ông Donald Trump và bà Kamala Harris mỗi người đều nhận được 3/6 phiếu bầu cử tri ở thị trấn Dixville Notch. Kết quả này cho thấy cuộc bầu cử năm 2024 sẽ có khoảng cách vô cùng sít sao.
Đặc biệt, tỷ số này chứng minh cựu Tổng thống Donald Trump đã cải thiện vị thế ở Dixville Notch so với hồi năm 2020 khi ông thất bại với tỷ số 0-5. Tuy nhiên, theo danh sách đăng ký, Dixville Notch có 4 cử tri Cộng hòa và 2 cử tri độc lập, điều này có nghĩa 1 cử tri Cộng hòa đã bỏ phiếu cho bà Harris thay vì bỏ cho ông Trump.
Bà Kamala Harris khép lại chiến dịch tranh cử "ngắn nhất lịch sử"
Bà Kamala Harris đã khép lại chiến dịch tranh cử Tổng thống kéo dài 107 ngày - một chiến dịch ngắn nhất trong lịch sử chính trị hiện đại của Mỹ - với điểm dừng chân cuối cùng tại Philadelphia.
Trong sự kiện cuối cùng này, "Nữ hoàng truyền hình" Oprah Winfrey và ca sĩ Lady Gaga cùng xuất hiện để ủng hộ bà Harris. Khi bước lên sân khấu trong tiếng nhạc bài "Freedom" của Beyoncé, bà ôm chầm lấy Oprah trước khi phát biểu, thể hiện tinh thần quyết tâm và sự ủng hộ mạnh mẽ.
Bà nhấn mạnh rằng chiến dịch của mình đã bắt đầu "như một kẻ yếu thế và vươn tới chiến thắng". "Đây có thể là một trong những cuộc đua sát nút nhất trong lịch sử", bà nói với người ủng hộ tại Philadelphia, kêu gọi họ hãy đi bỏ phiếu để quyết định tương lai đất nước.
Phó Tổng thống Harris tập trung vào thông điệp đoàn kết, khéo léo so sánh tầm nhìn của mình với đối thủ mà không nhắc đến tên ông Donald Trump. Bà cũng liệt kê những cam kết của mình, bao gồm việc cấm các tập đoàn tăng giá nhu yếu phẩm, giảm thuế cho người lao động và các gia đình trung lưu, giảm chi phí chăm sóc sức khỏe và cam kết thông qua luật bảo vệ quyền tự do sinh sản của phụ nữ.
Bà Harris nhấn mạnh: "Các bạn sẽ quyết định kết quả của cuộc bầu cử này, Pennsylvania. Đám đông bắt đầu hô vang "Chúng ta sẽ chiến thắng".
Ngày 5/11: Hơn 200 triệu cử tri Mỹ bỏ phiếu trong kỳ bầu cử Tổng thống
Vào 12h trưa 5/11 (giờ Việt Nam), đúng 0h giờ địa phương, toàn bộ cử tri ở thị trấn Dixville Notch (bang New Hampshire) đã bắt đầu đi bỏ phiếu. Nơi này từ lâu đã có truyền thống bắt đầu bỏ phiếu từ nửa đêm. Trong kỳ bầu cử năm nay, Dixville Notch là thị trấn duy nhất bỏ phiếu từ nửa đêm.
Dự kiến hơn 200 triệu cử tri Mỹ sẽ bỏ phiếu trong kỳ bầu cử, trong đó khoảng 82 triệu cử tri đã đi bỏ phiếu sớm hoặc đăng ký bỏ phiếu từ xa.
7 bang chiến trường quyết định cuộc đua?
Trong cuộc đua vào Nhà Trắng, các ứng cử viên cần 270/538 phiếu đại cử tri để giành chiến thắng. Theo đó, kết quả có xu hướng được quyết định ở các bang dao động và năm 2024 có 7 bang chiến trường như vậy.
- Bang Pennsylvania (19 phiếu đại cử tri): Đây được xem là bang phải thắng của cả 2 ứng viên.
- Bang Georgia (16 phiếu đại cử tri): Có một trong những cộng đồng gốc Phi đông nhất, nhóm có thể tác động tới cục diện cuộc bầu cử.
- Bang North Carolina (16 phiếu đại cử tri): Cử tri bang này chủ yếu quan tâm tới các vấn đề kinh tế và xã hội.
- Bang Michigan (15 phiếu đại cử tri): Ông Trump từng thắng bang này năm 2016 nhưng năm 2020, Tổng thống Joe Biden lại là người chiến thắng.
- Bang Arizona (11 phiếu đại cử tri): Từng là thành trì của đảng Cộng hòa trong nhiều năm nhưng đã chuyển sang ủng hộ đảng Dân chủ vào năm 2020.
- Bang Wisconsin (10 phiếu đại cử tri ): Trong những cuộc bầu cử những năm gần đây, kết quả ở tiểu bang này vô cùng sít sao.
- Bang Nevada (6 phiếu đại cử tri): Chủ đề hàng đầu mà cử tri ở bang này quan tâm là kinh tế.
>> Bầu cử Tổng thống Mỹ: Sân chơi của... tiền?
Ngày bầu cử Tổng thống Mỹ được quyết định như thế nào?
Theo truyền thống, ngày bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào ngày thứ ba đầu tiên của tháng 11 và bắt đầu có từ năm 1845.
Quyết định này được đưa ra bởi Quốc hội khi Mỹ vẫn chủ yếu là một xã hội nông nghiệp. Theo đó, lịch bầu cử diễn ra sau vụ thu hoạch mùa thu, các nông dân có thể thuận tiện di chuyển đến các điểm bỏ phiếu. Thời gian này vẫn được duy trì cho đến hiện tại.
Cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay trải qua nhiều cột mốc đáng chú ý, từ việc cựu Tổng thống Donald Trump (78 tuổi) bị ám sát, Tổng thống Joe Biden rút lui và bước ngoặt lịch sử - bà Kamala Harris (60 tuổi) là người phụ nữ da màu, người Mỹ gốc Á đầu tiên được một chính đảng lớn đề cử tranh cử tại Nhà Trắng.
Tiếp tục cập nhật...
Bầu cử Tổng thống Mỹ và những diễn biến mới
Bầu cử tổng Thống Mỹ: Một thị trấn hoàn tất bỏ phiếu, ông Trump - bà Harris hòa nhau