Quy hoạch điện VIII dự kiến tạo ra khối lượng công việc khổng lồ cũng như tiềm năng tăng trưởng đối với mảng xây lắp, điện của cả chục doanh nghiệp niêm yết trên sàn.
Ảnh minh họa |
Ngày 1/4, Thủ tướng chính phủ đã đưa ra quyết định 262/QĐ-TTG, phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII.
Nội dung chính Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII bao gồm:
(1) Danh mục các dự án nguồn điện ưu tiên, điện tái tạo và nguồn điện khác đến 2030;
(2) Công suất và dự án nguồn điện tái tạo phân bổ cho địa phương/vùng đến năm 2030;
(3) Danh mục các dự án lưới điện, trạm biến áp và tổng vốn đầu tư thực hiện đến năm 2030;
Theo đánh giá của Chứng khoán Shinhan (SSV), kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII nêu rõ các dự án nguồn điện, đường dây truyền tải và trạm biến áp cần thực hiện trong 2 giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030 thể hiện sự ưu tiên và tính quan trọng của từng dự án. Bản kế hoạch ưu tiên xây dựng đường dây truyền tải điện và trạm biến áp trước khi áp công suất nguồn điện tái tạo vào. Đây cũng là bước chuẩn bị cho việc ban hành cơ chế giá điện chính thức cho điện tái tạo trong thời gian tới.
Về phát triển nguồn điện, kế hoạch vẫn tập trung phát triển điện gió và điện khí LNG, công suất 2 nguồn điện này đến năm 2030 lần lượt là 27.880MW và 37.330 MW, tương ứng với CAGR lần lượt là 29%/năm và 23%/năm. Cùng với kỳ vọng cơ chế giá điện tái tạo sẽ sớm có trong năm nay, những doanh nghiệp phát triển điện tái tạo với nhiều kinh nghiệm (GEG và REE) sẽ được hưởng lợi lớn. Bên cạnh đó, POW cũng có được tác động tích cực khi nhà máy điện khí LNG Nhơn Trạch 3 và 4 được kì vọng vận hành vào 2024-2025.
Về mảng xây lắp điện, ước tính đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng CAGR cho mảng xây dựng đường dây và trạm biến áp lần lượt là 11%/năm và 13%/năm. Vì thế, PC1 (xây lắp điện) và TV2 (tư vấn xây lắp điện) sẽ được hưởng lợi rất lớn.
Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII bám sát mục tiêu Quy hoạch điện VIII tập trung phát triển điện gió và điện khí LNG đến năm 2030. Cụ thể, với mục tiêu công suất 2030 của điện khí và điện gió lần lượt là 37.330MW và 27.880MW, hai nguồn điện này sẽ có mức tăng trưởng CAGR lần lượt khoảng 23%/năm và 29%/năm.
Dưới đây là một số dự án năng lượng tái tạo và điện khí LNG nổi bật của mổ số doanh nghiệp niêm yết:
Dự án nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 là nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu khí LNG đầu tiên tại Việt Nam, mang tầm cỡ quốc gia. Với tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD, khi đi vào hoạt động, dự án sẽ bổ sung 9 tỷ kWh điện/năm cho hệ thống điện Quốc gia. Đồng thời, dự án sẽ tạo ra động lực tăng trưởng mới cho PV Power trong trung hạn.
Bên cạnh dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4, PV Power đang triển khai dự án nhà máy điện LNG Quảng Ninh và dự kiến sẽ đưa nhà máy này vào hoạt động trong giai đoạn 2027-2028. Dự án này có tổng vốn đầu tư 1,9 tỷ USD, bao gồm một nhà máy điện LNG công suất 1.500MW (2 tổ máy 750MW), kho cảng LNG cho tàu trọng tải lên đến 71.500DWT và hai kho chứa LNG (sức chứa 100.000 m3/mỗi kho) cùng với hệ thống tái hóa khí.
Bamboo Capital (Mã BCG) cũng đang thi công hai nhà máy Điện gió Đông Thành 1 & 2 có tổng công suất là 200MW với tổng giá trị đầu tư là 487 triệu USD dự kiến vận hành vào năm 2025. Về kế hoạch kinh doanh năm nay, BCG đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất đạt 6.102,5 tỷ đồng và lãi ròng 951,7 tỷ đồng, lần lượt tăng hơn 151% và 556% so với mức thực hiện của năm 2023.
>> Khởi động mùa cao điểm nắng nóng, một cổ phiếu điện 'chạy' lên sát đỉnh lịch sử
'Ái nữ' Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu HAG
Lãi vượt kỳ vọng, chủ thương hiệu sữa đậu nành Fami ‘mạnh tay’ chi cổ tức tỷ lệ cao kỷ lục bằng tiền