Xã hội

“Check var” sao kê từ thiện, lộ diện những cái tên "phông bạt", làm màu

An Vũ 13/09/2024 - 12:24

Cộng đồng mạng đang xôn xao khi nhiều trường hợp "fake bill" bị phát hiện sau khi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc công khai sao kê tiền ủng hộ. Nhiều cá nhân đã chỉnh sửa số tiền đóng góp nhằm khoe mẽ và đánh bóng tên tuổi. Những màn "làm màu" này nhanh chóng trở thành chủ đề bàn tán khắp các nền tảng trực tuyến.

Chiều ngày 12/9, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ VN) đã chính thức công khai các tập tin sao kê tài khoản ngân hàng, được sử dụng để tiếp nhận tiền ủng hộ từ người dân cả nước, nhằm hỗ trợ đồng bào gặp thiên tai ở các tỉnh miền Bắc. Động thái này đã thu hút sự chú ý lớn từ cộng đồng, nhận được nhiều lời khen ngợi vì tính minh bạch. Tuy nhiên, cũng từ đây, một loạt các trường hợp "làm màu" và giả mạo số tiền đóng góp đã bị cư dân mạng phát hiện.

“Check var” sao kê từ thiện, lộ diện những cái tên
Pha check var số tiền quyên góp được cho là của Louis Phạm gây bão cả cõi mạng.

Cụ thể, sau khi MTTQ đăng tải hơn 12.000 trang sao kê liên quan đến số tiền quyên góp cho đồng bào chịu ảnh hưởng của bão số 3, cộng đồng mạng bắt đầu chú ý đến những hành động không trung thực. Mặc dù tính đến 17h00 ngày 12/9, tổng số tiền quyên góp đạt mức 527,8 tỷ đồng từ ngày 1/9 đến 10/9 thông qua tài khoản Vietcombank, nhưng nhiều cá nhân đã cố tình chỉnh sửa hình ảnh để "thổi phồng" số tiền mà họ đã đóng góp, nhằm đánh bóng tên tuổi trên mạng xã hội.

“Check var” sao kê từ thiện, lộ diện những cái tên
Một cá nhân chuyển 10.000 đồng nhưng "fake bill" lên 100 triệu đồng

Sự việc nhanh chóng tạo nên làn sóng "check var" (kiểm tra tính xác thực) từ cư dân mạng. Nhiều người đã dành thời gian xem xét chi tiết danh sách sao kê dài dằng dặc để kiểm chứng các giao dịch.

Kết quả khiến không ít người "lộ diện" với những trường hợp chỉnh sửa hình ảnh, giả mạo số tiền ủng hộ. Một ví dụ điển hình là trường hợp của P.N.P (hay còn được biết đến với biệt danh L.P) – cựu vận động viên thể thao, đã đăng tải bức ảnh sao kê với số tiền ủng hộ bị che khuất, chỉ để lộ nội dung "đóng góp và khắc phục hậu quả bão số 3 Yagi". Hành động này đã nhanh chóng bị cộng đồng mạng phát hiện có dấu hiệu không minh bạch.

“Check var” sao kê từ thiện, lộ diện những cái tên
Thậm chí, cư dân mạng còn tìm ra người ủng hộ từ chuyển vào tài khoản cá nhân của mình

Thậm chí, có những trường hợp chỉnh sửa con số một cách quá đà. Như anh chàng D.H.H khẳng định đã chuyển khoản 30 tỷ đồng cho MTTQ, nhưng khi đối chiếu với danh sách sao kê, con số thực chỉ vỏn vẹn… 30.000 đồng. Một tài khoản khác trên Threads tên D.A cũng tuyên bố đã đóng góp 100 triệu đồng, nhưng sự thật chỉ là 10.000 đồng.

Một trường hợp đáng chú ý khác là T.T.Đ, người đã khoe chuyển khoản 100 triệu đồng cho Ủy ban MTTQ, nhưng lại quên chỉnh sửa thông tin tên người nhận, khiến cư dân mạng phát hiện ra rằng số tiền thực tế đã được chuyển về tài khoản cá nhân của chính người này, chứ không phải cho MTTQ.

Những trường hợp này đã khiến cộng đồng mạng ngỡ ngàng và bức xúc về hành động "phông bạt" (làm màu) của nhiều cá nhân khi họ cố tình tạo ra những con số không trung thực để đánh bóng hình ảnh bản thân trên mạng xã hội. Không chỉ dừng lại ở đó, trong hơn 12.000 trang sao kê còn xuất hiện những khoản quyên góp tập thể với số tiền cực kỳ khiêm tốn, chỉ 2.000 đồng, 4.000 đồng hay 50.000 đồng, khiến nhiều người đặt ra nghi vấn về việc liệu có xảy ra hành vi "ăn chặn" tiền từ thiện hay không.

Bên cạnh những trường hợp "phông bạt" làm màu, cộng đồng mạng cũng không khỏi xúc động trước những đóng góp nhỏ bé nhưng đầy ý nghĩa của các em học sinh. Nhiều em đã gửi những khoản tiền chỉ 20.000, 30.000 đồng – số tiền dành dụm từ tiền ăn sáng hay tiền tiết kiệm.

Những dòng tin nhắn ủng hộ kèm theo lời nhắn nhủ ngây ngô nhưng chân thành như "Con mong đồng bào miền Trung sớm vượt qua khó khăn" hay "Em chỉ có chút tiền nhỏ, mong giúp được các cô chú" đã khiến không ít người cảm động. Những hành động này tuy nhỏ về vật chất nhưng lại mang một giá trị tinh thần to lớn, thể hiện tấm lòng trong sáng và sự đồng cảm từ những em nhỏ vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường.

Sự kiện này đã tạo ra một làn sóng tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội, không chỉ về tính trung thực trong việc làm từ thiện mà còn về trách nhiệm cá nhân và cộng đồng đối với việc quyên góp, ủng hộ người dân gặp khó khăn. Việc công khai sao kê từ MTTQ đã giúp tăng cường minh bạch, nhưng cũng đồng thời mở ra cơ hội để cộng đồng mạng phát hiện những hành vi không đúng đắn.

>> Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chính thức công bố hơn 12.000 trang sao kê tiền ủng hộ của nhân dân cả nước tới đồng bào vùng bão lũ

Phê La - Katinat: Cùng 'một nhà', bên làm từ thiện được mưa lời khen, bên ồn ào 'của ít lòng vòng'

Khủng hoảng truyền thông mì Gấu Đỏ lặp lại sau 12 năm ở Katinat: Ranh giới giữa từ thiện và trục lợi tình thương

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/tai-chinh/check-var-sao-ke-tu-thien-lo-dien-nhung-cai-ten-phong-bat-lam-mau-126797.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
“Check var” sao kê từ thiện, lộ diện những cái tên "phông bạt", làm màu
POWERED BY ONECMS & INTECH