'Chỉ cần gửi tin nhắn Zalo, ngay lập tức sẽ có thuốc ship đến tận nhà'
Việc bán thuốc online đã mang lại sự thuận tiện cho người dân dù chưa được “luật hóa”.
Theo chương trình của Kỳ họp thứ 8, ngày 21/11, Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết thông qua Luật Dược sửa đổi, bổ sung cho quy định hiện hành (Luật Dược 2016).
Trong những buổi thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, các đại biểu Quốc hội và chuyên gia trong ngành y đã có nhiều đóng góp và tranh luận. Trong đó, nhiều ý kiến góp ý xoay quanh vấn đề kinh doanh thuốc theo hình thức thương mại điện tử nói chung và bán thuốc kê đơn online nói riêng.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Bình Định) thể hiện sự đồng ý đối với hình thức bán thuốc bằng giao dịch điện tử bởi việc này hiện nay đã và đang diễn ra.
Đại biểu chia sẻ, "Tôi hoàn toàn đồng ý cho việc bán thuốc bằng giao dịch điện tử như trong dự thảo, vì hiện nay đã và đang diễn ra. Ví dụ, chúng ta chỉ cần gửi tin nhắn Zalo đến nhà thuốc thì ngay lập tức sẽ có thuốc ship đến tận nhà". Đại biểu khẳng định, chúng ta cấm không được mà cần phải có quy định chặt chẽ việc này.
Đại biểu nói: “Theo tôi, điều đầu tiên khẳng định là những thuốc bán online phải được cấp phép lưu hành tại Việt Nam, vì hiện nay rất nhiều thuốc xách tay như thực phẩm chức năng mang về bán online.
Thứ hai là các thuốc bán qua thương mại điện tử phải bao gồm thuốc không kê đơn (otc) và các thuốc theo đơn nhưng phải được cơ sở y tế kê trên hệ thống đơn thuốc điện tử, sổ khám bệnh điện tử và bệnh án điện tử."
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho biết cần có quy định rõ hơn về việc chuyển đổi số trong tất cả các hoạt động dược của Việt Nam. Đồng thời, đại biểu khẳng định, việc kê đơn qua mạng là việc cần làm và nên làm dần dần, làm quyết liệt và làm cho được.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Dù chưa được “luật hóa” nhưng việc bán thuốc kê đơn online đã mang lại nhiều lợi ích rõ ràng như tiện lợi, tiết kiệm chi phí, giảm tải cho hệ thống y tế,... Ngoài ra, việc mua bán thuốc được thực hiện online sẽ minh bạch và sẽ hỗ trợ các cơ quan chức năng kiểm soát tốt hơn.
Ngoài ra, việc giao nhận thuốc sẽ có hình ảnh đối chiếu, chứng thực xác nhận về số lượng, chất lượng. Những hình ảnh này sẽ được lưu trữ trên môi trường điện tử và có thể truy xuất để đối chiếu, kiểm tra,...
Tuy nhiên, dù có nhiều lợi ích nhưng việc bán thuốc online cũng không tránh được những rủi ro về chất lượng thuốc, lạm dụng thuốc và không có sự giám sát y tế.
Trước vấn đề này, bà Trần Thị Huyền – Trưởng phòng Pháp chế FPT Retail – đơn vị quản lý chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu chia sẻ với báo Dân Trí về một số giải pháp có thể áp dụng để vừa hạn chế rủi ro mà vẫn đáp ứng được nhu cầu của người dân, thay vì cấm.
Cụ thể, bà Huyền cho biết nên đưa ra thêm những điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể để một cơ sở được cung ứng thuốc qua phương thức online phải đáp ứng.
Bà đưa ví dụ, các cơ sở sử dụng tính năng xác thực tương tự như ứng dụng ngân hàng để định danh được người mua, người bán; ghi nhận lịch sử giao dịch giữa người mua và người bán.
Bên cạnh đó, danh sách các đơn vị cung ứng đủ điều kiện phải được các cơ quan quản lý công bố công khai, minh bạch trên các cổng thông tin của ngành y tế. Như vậy, người dân có thể dễ dàng tiếp cận thông tin chính xác và có lựa chọn cơ sở phù hợp, uy tín, tin cậy để mua thuốc.
Như vậy, có thể thấy việc kinh doanh thuốc theo hình thức thương mại điện tử nói chung và bán thuốc kê đơn online nói riêng đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tối ưu, chính sách quản lý là vấn đề quan trọng cần được tập trung phát triển để hình thức bán thuốc online đạt được hiệu quả và an toàn.
Giá sầu riêng tăng cao chót vót: Người dân lo nhiều hơn mừng
'Trong kỷ nguyên mới, mọi người dân Việt Nam đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc'