Chi hàng trăm tỷ đồng cho quảng cáo, vì sao các công ty bảo hiểm nhân thọ vẫn bị "ghẻ lạnh"?

29-05-2023 18:30|Hoàng Yến

Thống kê từ hơn 846.000 thảo luận trên các nền tảng mạng xã hội về lùm xùm bảo hiểm của một nữ diễn viên gần đây cho thấy 94% các thảo luận trên đánh giá tiêu cực về uy tín của ngành bảo hiểm nhân thọ.

"Mạnh tay" chi tiền cho quảng cáo

Báo cáo tài chính năm 2022 của Manulife cho thấy, đơn vị này tăng mạnh chi phí quảng cáo, truyền thông. Nếu năm 2021, chi phí quảng cáo của Manulife là 38 tỷ đồng (ghi nhận tại chi phí quản lý doanh nghiệp), thì đến năm 2022, con số này đã được tăng gấp đôi lên 68 tỷ đồng.

Chịu chi hơn Manulife là AIA Việt Nam với 353 tỷ đồng dành cho quảng cáo truyền thông trong năm 2022, tăng 21% so với năm 2021.

Generali Việt Nam cũng dành 174 tỷ đồng cho quảng cáo, truyền thông trong năm 2022. Trong năm 2021, chi phí cho mảng này của doanh nghiệp cũng lên đến hàng trăm tỷ đồng.

FWD cũng là một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có nhiều chương trình quảng cáo lớn, các thương vụ "khủng" hợp tác với các ngân hàng Việt để đưa hình ảnh thương hiệu đến với khách hàng.

Ở chiều ngược lại, một số đơn vị bảo hiểm như Bảo Việt, MB Ageas Life… dành ít ngân sách đến truyền thông hơn, chi phí cho hạng mục này chỉ dừng lại ở mức vài tỷ đồng trên tổng chi phí quản lý lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Thậm chí, Prudential còn không có khoản chi cho quảng cáo truyền thông trong nhiều năm liền.

Công ty bảo hiểm vẫn bị "ghẻ lạnh"

YouNet Media mới đây đã có báo cáo thống kê và phân tích tổng cộng hơn 846.000 thảo luận trên các nền tảng mạng xã hội về livestream của diễn viên Ngọc Lan và các sự kiện liên quan đến lùm xùm bảo hiểm của nữ diễn viên này và Công ty Bảo hiểm Nhân thọ MVI (MVI Life, tiền thân là bảo hiểm Aviva, hiện trực thuộc Tập đoàn Manulife).

Theo báo cáo này, 97% thảo luận nói kênh bancassurance (bán bảo hiểm qua ngân hàng) là tiêu cực; 90% bày tỏ thái độ tiêu cực đối với các đại lý bảo hiểm; đặc biệt 94% đánh giá tiêu cực về uy tín của ngành bảo hiểm nhân thọ.

Chi hàng trăm tỷ đồng cho quảng cáo, vì sao các công ty bảo hiểm nhân thọ vẫn bị
Ngành bảo hiểm nhân thọ nhận nhiều đánh giá tiêu cực sau lùm xùm bảo hiểm của diễn viên Ngọc Lan.

Có thể thấy, mặc dù chi hàng trăm tỷ đồng cho quảng cáo, song các công ty bảo hiểm nhân thọ vẫn không được đánh giá tốt, đặc biệt là trên các trang mạng xã hội. Theo giới chuyên gia, hệ quả này không chỉ đến từ việc tăng trưởng "nóng" trong khi việc quản trị chưa kịp hoàn thiện, mà còn đến từ chiến dịch truyền thông chưa đúng trọng tâm của hầu hết công ty bảo hiểm.

Thống kê trong năm 2022, các công ty bảo hiểm nhân thọ đã tung ra đến 10 chiến dịch truyền thông xoay quanh chủ đề khơi gợi cảm xúc, tình yêu thương gia đình nhưng chỉ có vỏn vẹn 3 chiến dịch tập trung giúp khách hàng hiểu đúng và đủ về lợi ích thực tế của bảo hiểm nhân thọ.

Cụ thể, dù chi hàng chục tỷ đồng cho quảng cáo, song Manulife gần như chỉ có một chiến dịch duy nhất dành nâng cao nhận thức khách hàng lợi ích của việc tham gia bảo hiểm nhân thọ. Tuy nhiên, chiến dịch này cũng diễn ra tương đối muộn, vào cuối tháng 11/2022, sau sự cố với bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Vạn Thịnh Phát và vụ việc tại SCB.

Chi hàng trăm tỷ đồng cho quảng cáo, vì sao các công ty bảo hiểm nhân thọ vẫn bị
Chiến dịch nâng cao nhận thức về bảo hiểm của Manulife diễn ra tương đối muộn trong năm 2022.

Tại AIA, trên website của doanh nghiệp, gần như mỗi tháng đơn vị này đều có chương trình truyền thông riêng, nhưng đa phần tập trung ở việc khuyến mại, tặng quà để kích thích khách hàng mua và gần như không có nội dung nào thể hiện rõ bản chất, quyền lợi về bảo hiểm nhân thọ.

Generali Việt Nam cũng ghi dấu ấn truyền thông với các video, phim ngắn cảm xúc, từ đó định vị hình ảnh là một thương hiệu bảo hiểm sáng tạo và truyền cảm hứng cho người dùng thông qua chiến dịch lớn truyền tải được ý nghĩa của bảo hiểm. Tuy nhiên, việc truyền thông lại có phần chưa thể hiện rõ bản chất của loại hình sản phẩm này.

Bước sang năm 2025, cách tính mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp có gì mới?

Bảo hiểm xe máy thu 431 tỷ, bồi thường gần 42 tỷ: Bộ nêu lý do vẫn bắt buộc mua

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chi-hang-tram-ty-dong-cho-quang-cao-vi-sao-cac-cong-ty-bao-hiem-nhan-tho-van-bi-ghe-lanh-185272.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chi hàng trăm tỷ đồng cho quảng cáo, vì sao các công ty bảo hiểm nhân thọ vẫn bị "ghẻ lạnh"?
    POWERED BY ONECMS & INTECH