Vĩ mô

Chỉ mất 30 ngày phê duyệt đầu tư, vài cú click là minh bạch quy hoạch: Quảng Ninh đang trải thảm đỏ cho kinh tế tư nhân ra sao?

Minh Anh 18/05/2025 08:00

Doanh nghiệp không còn “gõ cửa” chính quyền. 30 ngày duyệt dự án, 70% chi phí xúc tiến được hỗ trợ, quy hoạch minh bạch chỉ sau vài cú click – Quảng Ninh đang thực sự trải thảm đỏ cho kinh tế tư nhân cất cánh.

field-2.jpg

Khi doanh nghiệp không còn phải “mò mẫm” từng cánh cửa để tìm thông tin quy hoạch, khi lãnh đạo huyện chủ động gọi điện hỏi doanh nghiệp đang vướng gì cần tháo gỡ, khi thủ tục đầu tư được rút ngắn còn chưa đầy một tháng – đó không còn là viễn cảnh, mà đang diễn ra ngay tại Quảng Ninh.

Với tinh thần “chính quyền kiến tạo, doanh nghiệp đồng hành”, Quảng Ninh không chỉ duy trì vị thế dẫn đầu các bảng xếp hạng PCI, SIPAS mà còn là điểm sáng cải cách thực chất, nơi kinh tế tư nhân được coi là đối tác trung tâm. Trong cuộc trò chuyện dưới đây, ông Phạm Quang Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Tùng Vân Đồn, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ, Chủ tịch CLB Đầu tư & Khởi nghiệp tỉnh Quảng Ninh, đã chia sẻ cởi mở những chuyển động lớn trong cách chính quyền địa phương tạo bệ phóng cho doanh nghiệp phát triển.

Trong báo cáo mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng PCI và SIPAS trong nhiều năm liên tiếp. Tỉnh cũng được nhắc đến trong Nghị quyết 68 như một địa phương tiêu biểu trong việc 'trải thảm đỏ' cho khu vực kinh tế tư nhân. Với tư cách là một doanh nhân từng khởi nghiệp từ số vốn rất khiêm tốn, ông có thể chia sẻ một trải nghiệm cụ thể – thời điểm nào ông cảm nhận rõ nhất sự đồng hành và tạo điều kiện từ phía chính quyền địa phương trong quá trình phát triển doanh nghiệp?

Tôi bắt đầu khởi nghiệp tại Vân Đồn từ năm 2011, khi điều kiện hạ tầng còn rất thiếu thốn, thủ tục hành chính vẫn còn nhiều tầng nấc phức tạp. Khi đó, làm doanh nghiệp ở đây giống như đi khai phá một vùng đất mới, rất nhiều rào cản, nhiều cái phải tự mày mò, tự học hỏi. Nhưng nếu so sánh với 3–5 năm trở lại đây thì thực sự là một bước chuyển mình rất rõ nét. Môi trường đầu tư, kinh doanh ở Quảng Ninh hiện nay đã thông thoáng, minh bạch và đồng bộ hơn rất nhiều.

Một trải nghiệm khiến tôi ấn tượng đặc biệt là vào năm 2020, khi công ty bắt đầu mở rộng sang lĩnh vực bất động sản. Trước đây, để biết một khu đất có nằm trong quy hoạch hay không, có được phép đầu tư hay không, chúng tôi gần như phải đi gõ cửa từng cơ quan, hỏi từng người. Nhưng đúng thời điểm đó, tỉnh đã triển khai cổng thông tin quy hoạch điện tử, khá là tiện lợi. Chỉ cần vài thao tác đơn giản, tôi đã nắm rõ được toàn bộ thông tin quy hoạch, hạn chế, chỉ tiêu sử dụng đất... Điều này thể hiện tư duy hiện đại, minh bạch trong cách làm của tỉnh.

asset-7.png

Cụ thể, với dự án mở rộng khu dịch vụ du lịch của công ty tại Vân Đồn, từ lúc nộp hồ sơ đến khi được phê duyệt chủ trương đầu tư chỉ mất chưa đầy 30 ngày, điều mà 10 năm trước là không tưởng. Các sở, ngành liên quan phối hợp rất chủ động. Cá nhân tôi từng được Bí thư huyện gọi điện trực tiếp chỉ để hỏi doanh nghiệp còn vướng ở đâu, cần hỗ trợ thêm gì. Điều đó cho thấy chính quyền đang thực sự lắng nghe và đồng hành.

Với việc đẩy mạnh chuyển đổi số, nhiều thủ tục có thể nộp online, tra cứu tiến độ minh bạch, giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian cho doanh nghiệp. Và điều đáng quý hơn là sự chuyển biến này không chỉ ở cấp tỉnh mà lan tỏa tới từng phòng, ban, cán bộ cơ sở.

Chính sự đồng bộ, quyết liệt và chuyên nghiệp đó đã tạo niềm tin lớn cho cộng đồng doanh nghiệp. Việc những doanh nghiệp có tên tuổi như Vingroup, Sun Group, Amata, Foxconn… chọn Quảng Ninh làm điểm đến đầu tư không phải là chuyện ngẫu nhiên, đó là kết quả của một quá trình cải cách thực chất, bài bản và nghiêm túc.

Tiếp cận đất đai và các nguồn lực sản xuất từ lâu được xem là một trong những rào cản lớn đối với doanh nghiệp tư nhân. Từ thực tiễn hoạt động tại địa phương, ông có thể chia sẻ cụ thể cách doanh nghiệp của ông hoặc các hội viên Hội Doanh nhân Trẻ hiện đang được hỗ trợ về quỹ đất, hạ tầng sản xuất cũng như khả năng kết nối thị trường như thế nào?

Một trong những điểm mà tôi đánh giá rất cao ở Quảng Ninh là cách tỉnh minh bạch và chủ động trong việc quy hoạch, phân bổ quỹ đất cho doanh nghiệp.

Ví dụ như ở KCN Đông Mai, Sông Khoai hay Cái Lân, hiện nay tất cả đều đã có thông tin công khai, quy hoạch rõ ràng, bảng giá cụ thể, và quan trọng là hạ tầng kỹ thuật hoàn thiện đến chân hàng rào. Doanh nghiệp không phải đi dò từng mảnh đất, mà chỉ cần xem là biết đầu tư chỗ nào phù hợp với quy mô, ngành nghề.

Tỉnh đã không chỉ nói suông về cải cách thủ tục hành chính mà biến nó thành hành động cụ thể, từ rút ngắn 50-70% thời gian làm thủ tục đất đai đến giải quyết linh hoạt các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Việc thiết lập tổ công tác đặc biệt cho từng địa bàn trọng điểm như Quảng Yên, cùng cơ chế minh bạch hóa toàn bộ quy trình đầu tư trên nền tảng số, cho thấy tư duy hành chính kiến tạo, không để doanh nghiệp "tự bơi".

Thêm vào đó, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng rất chủ động trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, như giới thiệu nguồn lao động địa phương, kết nối các ngành nghề bổ trợ, và tạo ra những cơ hội hợp tác đầu tư rất quý giá cho các doanh nghiệp tư nhân.

asset-11.png

Ngoài ra, Quảng Ninh cũng rất chú trọng đến việc quản lý và sử dụng đất đai hiệu quả. Tỉnh đã hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, đồng thời đảm bảo việc thực hiện các dự án đầu tư đúng tiến độ, xử lý nghiêm các trường hợp chậm tiến độ. Các quyết định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất luôn được thực hiện công khai và minh bạch, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Đặc biệt, Quảng Ninh luôn chú trọng đến công tác thanh tra và kiểm tra, nhằm ngăn chặn những vi phạm pháp luật liên quan đến đất đai và đầu cơ đất, không để xảy ra tình trạng "thổi giá" đất hay đầu cơ, điều này giúp tạo ra một môi trường đầu tư lành mạnh, ổn định và bền vững. Chính quyền các cấp của tỉnh luôn lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp và người dân để kịp thời xử lý vướng mắc, đảm bảo quyền lợi cho tất cả các bên. Đó là sự cân bằng hiếm thấy, và là lý do vì sao dòng vốn FDI không ngừng chảy vào Quảng Ninh.

Tôi tin rằng với những cải cách và hỗ trợ này, Quảng Ninh sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ông đánh giá thế nào về các chính sách xúc tiến thương mại, kết nối thị trường của tỉnh hiện nay, đặc biệt là đối với doanh nghiệp?

Về xúc tiến thương mại, tôi thấy cách làm của tỉnh những năm gần đây thực sự đổi mới. Không chỉ tổ chức hội chợ rầm rộ mà còn có chiều sâu. Doanh nghiệp nhỏ, vừa, khởi nghiệp được hỗ trợ cả gian hàng, quảng bá sản phẩm, thậm chí tỉnh còn lo luôn việc kết nối với đối tác trong và ngoài nước. Nhiều chương trình hỗ trợ tới 50–70% chi phí tham gia hội chợ, không chỉ là hỗ trợ tài chính mà là trao cho doanh nghiệp cơ hội tiếp cận thị trường mới, mở rộng kênh tiêu thụ.

Tỉnh còn chủ động đi trước một bước khi mời gọi những tập đoàn lớn như Foxconn, Amata, Gokin, Texhong… về đầu tư. Nhiều người chỉ nghĩ đến chuyện họ rót vốn, nhưng với tôi, quan trọng hơn là họ mang theo công nghệ, quy trình quản trị, mạng lưới thị trường. Doanh nghiệp trong tỉnh nếu biết nắm bắt sẽ học hỏi rất nhanh, có cơ hội trở thành vệ tinh, đối tác cung ứng, và từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tôi tin rằng những chính sách rất cụ thể, rất thực tế, chính là cách Quảng Ninh đang hiện thực hóa tinh thần của Nghị quyết 68. Khi địa phương thực sự vào cuộc, doanh nghiệp không cần quá nhiều ưu đãi, chỉ cần một môi trường minh bạch, đồng hành và kịp thời.

Với vai trò Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Quảng Ninh, ông thấy rõ nhất điều gì trong cách tỉnh nhà tiếp cận và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp? Có sáng kiến nào nổi bật cần được nhân rộng?

Tôi có thể nói một cách thẳng thắn rằng, chính quyền tỉnh Quảng Ninh thực sự cầu thị và chủ động trong việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trẻ. Tỉnh đã có những chương trình hỗ trợ khởi nghiệp rất bài bản và thực chất: từ việc tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực điều hành doanh nghiệp, tư vấn pháp lý, hỗ trợ xây dựng mô hình kinh doanh, cho đến kết nối vốn và thị trường.

Đặc biệt, tôi đánh giá cao việc tỉnh tổ chức các buổi đối thoại định kỳ giữa lãnh đạo tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có tiếng nói của các doanh nhân trẻ. Đây không chỉ là nơi tiếp nhận ý kiến, mà còn là diễn đàn chính thức để phản biện, góp ý cho chính sách. Bản thân tôi, với vai trò Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, thường xuyên được mời tham gia các hội nghị lớn về phát triển kinh tế tư nhân. Chúng tôi không đứng ngoài cuộc, mà được trực tiếp đóng góp tiếng nói, đề xuất cơ chế, chính sách.

asset-4.png

Tỉnh cũng rất mạnh dạn trong việc phát triển các mô hình kết nối doanh nhân trẻ, trong vai trò Chủ tịch CLB Đầu tư và Khởi nghiệp tỉnh Quảng Ninh, tôi cảm thấy tự hào khi sáng kiến thành lập Câu lạc bộ đã được chính quyền ủng hộ mạnh mẽ, không chỉ bằng lời nói mà bằng hành động cụ thể.

Từ năm 2024 đến nay, chúng tôi đã tổ chức hàng chục buổi kết nối, nhiều chuyến đi thực tế tại các doanh nghiệp tiêu biểu trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, tôi tâm đắc nhất là mô hình đỡ đầu CLB The Beezzniz – nơi các em học sinh THPT lần đầu được tiếp xúc với tư duy khởi nghiệp một cách bài bản, thực tiễn. Qua đó, chúng tôi đang chứng kiến một thế hệ trẻ Quảng Ninh năng động, tự tin, dám nghĩ dám làm. Và điều tôi muốn nhấn mạnh là: sự đồng hành của chính quyền chính là chất xúc tác quan trọng để những ý tưởng non trẻ hôm nay có thể trở thành những doanh nghiệp thành công trong tương lai.

Tôi cho rằng, Quảng Ninh đang làm đúng và làm thật trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, nhất là dành nhiều nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, vừa và khởi nghiệp sáng tạo. Khi chính quyền đặt niềm tin vào doanh nhân trẻ, tạo cơ chế để doanh nghiệp tham gia hoạch định chính sách, thì chính doanh nghiệp cũng thấy trách nhiệm lớn hơn với sự phát triển của địa phương.

Ông đánh giá thế nào về vai trò của Hội Doanh nhân trẻ trong việc làm cầu nối giữa chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh tỉnh Quảng Ninh đang đẩy mạnh thực thi chính sách lớn như Nghị quyết 68?

Vai trò lớn nhất của Hội Doanh nhân trẻ chúng tôi là làm cầu nối hai chiều: từ doanh nghiệp đến chính quyền, và ngược lại từ chính sách đến thực tiễn sản xuất kinh doanh. Đây không phải là khẩu hiệu, mà là hoạt động hàng ngày, cụ thể, có kết quả rõ ràng.

Trong bối cảnh kinh tế ngày càng biến động, doanh nghiệp trẻ không chỉ cần vốn hay thị trường, mà còn rất cần một kênh đại diện có thể nói lên tiếng nói chính đáng của mình với chính quyền, nhất là khi gặp khó khăn về thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai, hay chính sách ưu đãi thuế. Hội Doanh nhân trẻ Quảng Ninh đã và đang làm rất rõ vai trò đó, thông qua việc tập hợp các vướng mắc từ cơ sở, tổ chức các hội nghị đối thoại, và gửi báo cáo trực tiếp lên UBND tỉnh cũng như các sở ngành liên quan.

Chẳng hạn, trong năm 2024, chúng tôi đã phối hợp với Sở Kế hoạch & Đầu tư tổ chức các buổi gặp gỡ giữa doanh nghiệp trẻ với các cơ quan quản lý tại Hạ Long và Cẩm Phả. Nhiều vấn đề thực tế đã được nêu ra như thời gian giải quyết hồ sơ đất đai, cấp phép xây dựng kéo dài, hay việc chậm phê duyệt quy hoạch khiến nhà đầu tư bị động. Những nội dung này đã được chúng tôi tổng hợp, gửi lên tỉnh, và ít nhất 2 kiến nghị lớn về thủ tục đầu tư và hỗ trợ đổi mới công nghệ đã được phản hồi tích cực.

Ngoài vai trò phản biện chính sách, Hội còn chủ động tổ chức các chương trình đào tạo về quản trị doanh nghiệp, ứng dụng số trong vận hành, phát triển thương hiệu nội địa, đồng thời xây dựng mạng lưới liên kết sản xuất, tiêu thụ chéo sản phẩm giữa hội viên. Chúng tôi cũng kết nối các doanh nghiệp trẻ với nhà đầu tư, chuyên gia tư vấn chiến lược – điều mà một doanh nghiệp trẻ, mới thành lập khó có điều kiện tự tiếp cận.

Gần đây, khi Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị được ban hành, trong đó nhấn mạnh vai trò trung tâm của khu vực tư nhân, chúng tôi đã tổ chức ngay buổi phổ biến, mời chuyên gia phân tích các cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp trẻ. Hội không chỉ giúp truyền đạt tinh thần chính sách, mà còn làm rõ doanh nghiệp cần chuẩn bị gì để tận dụng được cơ hội, từ đó tránh bị tụt lại phía sau.

asset-12.png

Cuối cùng, với tư cách là một doanh nhân thành đạt và cũng là người đồng hành cùng nhiều bạn trẻ khởi nghiệp, ông có thông điệp gì gửi đến các tỉnh, thành khác đang tìm cách cải thiện môi trường đầu tư, học hỏi mô hình Quảng Ninh?

Tôi chỉ xin chia sẻ ngắn gọn thế này: Muốn doanh nghiệp phát triển, chính quyền phải thay đổi trước. Câu chuyện ở Quảng Ninh là minh chứng rất rõ. Ở đây, không có chuyện “xin - cho” hay chờ đợi trong xử lý thủ tục hành chính. Mọi thứ được thiết kế để phục vụ doanh nghiệp chứ không làm khó họ.

Tôi từng trực tiếp làm việc tại Trung tâm Hành chính công TP. Hạ Long – từ khâu tiếp nhận, xử lý, đến phản hồi hồ sơ, mọi thứ đều rất rõ người, rõ việc, rõ thời gian. Cái tinh thần “5 tại chỗ” và “5 trên môi trường điện tử” không chỉ là khẩu hiệu, mà là thứ được thực thi có kỷ luật. Cán bộ làm sai thì truy trách nhiệm, doanh nghiệp cần hỗ trợ thì có ngay đầu mối phụ trách.

Nếu các địa phương thật sự nghiêm túc đối diện với vấn đề nội tại của mình – dám cắt bỏ quyền lực con người, thay bằng quy trình minh bạch, thì không khó để học được mô hình của Quảng Ninh. Chính quyền phải hành động như một nhà đầu tư, tức là đặt mình vào vị trí của doanh nghiệp để thấy họ cần gì, kẹt ở đâu. Khi chính quyền chủ động, kỷ luật, lắng nghe và cầu thị, thì doanh nghiệp chắc chắn sẽ dốc toàn lực.

Tôi cũng đã chứng kiến nhiều bạn trẻ khởi nghiệp ở Quảng Ninh giờ đây không còn tâm lý e dè, ngại thủ tục như trước. Họ tự tin làm dự án, xin đầu tư, đấu giá đất, tiếp cận vốn… bởi vì chính quyền đã kiến tạo được một hệ sinh thái minh bạch và đồng hành thật sự. Đó là điều quý nhất. Nếu cả nước cùng chuyển động theo tinh thần này, tôi tin khu vực kinh tế tư nhân sẽ thực sự trở thành một trụ cột vững vàng của nền kinh tế.

Xin cám ơn những chia sẻ của ông!

>> Địa phương nào thu hút doanh nghiệp tư nhân nhất Việt Nam?

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chi-mat-30-ngay-phe-duyet-dau-tu-vai-cu-click-la-minh-bach-quy-hoach-quang-ninh-dang-trai-tham-do-cho-kinh-te-tu-nhan-ra-sao-290053.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Chỉ mất 30 ngày phê duyệt đầu tư, vài cú click là minh bạch quy hoạch: Quảng Ninh đang trải thảm đỏ cho kinh tế tư nhân ra sao?
    POWERED BY ONECMS & INTECH