'Doanh nghiệp FDI được ưu tiên gì, hãy ưu tiên cho doanh nghiệp nội như thế'
Dù đóng góp ngày càng lớn cho nền kinh tế, khu vực tư nhân Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều rào cản. Các doanh nghiệp kỳ vọng được đối xử công bằng, tiếp cận môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi để bứt phá và vươn tầm.
Chưa nhận được sự ưu tiên tương xứng
Là tập đoàn kinh tế tư nhân hoạt động đa ngành và có lịch sử 30 năm phát triển, AMACCAO đã gây dựng lên hàng chục thương hiệu sản xuất công nghiệp và hàng tiêu dùng, tạo ra gần 6.000 việc làm, tham gia vào nhiều dự án trọng điểm quốc gia, đóng vai trò tiên phong trong các lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế số, với mục tiêu tạo ra và giữ lại nguồn ngoại tệ cho đất nước.
Ngay biết Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 68 về kinh tế tư nhân, các lãnh đạo của doanh nghiệp này không giấu được sự vui mừng khi thấy khu vực tư nhân được đặt ở vị trí xứng tầm.
Đề cập đến Nghị quyết 68, ông Nguyễn Văn Vinh, Tổng giám đốc AMACCAO, cho hay, trong nhiều năm qua, kinh tế tư nhân tăng trưởng ở mức 10-12%/năm, gần gấp đôi mức tăng trưởng GDP trung bình của cả nước là 6%.

Theo Cục Thống kê, đến năm 2024, khu vực này đóng góp khoảng 50% GDP, tạo ra khoảng 30-40% tổng thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm cho 85% lực lượng lao động cả nước. Năng suất lao động của khu vực này cũng tăng trung bình 9-10% mỗi năm.
Những con số này là bằng chứng rõ ràng cho thấy kinh tế tư nhân đang đóng vai trò trụ cột, là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.
Tuy nhiên, theo ông Vinh, khu vực kinh tế tư nhân vẫn chưa nhận được sự ưu tiên tương xứng với đóng góp và vai trò trụ cột đó. Trong khi doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp FDI thường được ưu tiên về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính.
Ông dẫn chứng, gần như tất cả các dự án nước ngoài đầu tư ở Việt Nam đều được ưu tiên cấp chủ trương đầu tư nhanh, cấp phép xây dựng hay các thủ tục khác cũng được ưu tiên làm nhanh, ưu tiên thuế thu nhập doanh nghiệp...
Trong khi, doanh nghiệp tư nhân lại phải đối mặt với nhiều rào cản, nhất là về công tác thanh tra kiểm tra.
Kết quả khảo sát năm 2024 cho thấy, 33% doanh nghiệp tư nhân dự định mở rộng trong hai năm tới, tăng so với con số 27% năm 2023. Với các doanh nghiệp FDI, tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến mở rộng sản xuất kinh doanh là 37%, tăng mạnh so với mức 26% của năm trước đó.
Dù có sự cải thiện, nhưng cần lưu ý rằng sự phục hồi này vẫn chưa trở lại mức trước đại dịch Covid-19 khi tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến mở rộng sản xuất kinh doanh thường xung quanh con số 50%.
Thêm vào đó, các doanh nghiệp tiếp tục đối diện nhiều thách thức mới, đặc biệt là biến động kinh tế toàn cầu ngay từ đầu năm 2025 với chính sách thuế quan mới của chính quyền Mỹ.
“Điều này cho thấy cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các cơ quan Nhà nước trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp để củng cố và tạo động lực cho sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân, trở thành ‘đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng’, như thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm gần đây”, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá.
Đối xử công bằng giữa doanh nghiệp nội và ngoại
Để doanh nghiệp nội bứt phá và vươn tầm khu vực, Tổng giám đốc AMACCAO kỳ vọng Chính phủ sẽ tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn nữa về chính sách, cơ chế nhằm tạo môi trường kinh doanh công bằng, bình đẳng hơn.
“Chúng tôi hy vọng không còn phân biệt doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nước ngoài. Nghĩa là doanh nghiệp FDI được ưu tiên gì thì hãy ưu tiên cho doanh nghiệp nội như thế”, ông nói và nhấn mạnh các ưu đãi về thuế, thời gian cấp chủ trương đầu tư, hay các thủ tục hành chính cũng cần được giảm bớt.

Theo ông Vinh, ngoại trừ một số lĩnh vực đặc thù như bán dẫn, chip hay điện tử cao cấp, vốn đòi hỏi công nghệ tiên tiến từ nước ngoài, thì trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, môi trường, sản xuất, hạ tầng bất động sản, giao thông... doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn đủ năng lực triển khai, thậm chí có thể thực hiện với hiệu quả cao hơn.
Bên cạnh đó, cần cắt giảm và đơn giản hoá thủ tục hành chính. Bởi, nhiều thủ tục hiện nay mang tính hình thức, chồng chéo, không cần thiết và mất quá nhiều thời gian.
Nếu được tạo điều kiện thuận lợi hơn về thể chế và pháp lý, ông Vinh cho rằng khu vực tư nhân Việt Nam hoàn toàn có thể vươn tầm quốc tế, đóng góp mạnh mẽ cho nền kinh tế của đất nước.
Đại diện một doanh nghiệp tư nhân khác lại đề cập đến tâm lý “sính ngoại” của người Việt còn khá phổ biến và thường mặc định rằng người nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài thì luôn giỏi hơn, giàu hơn, đem lại nhiều lợi ích hơn.
Tâm lý đó cũng ảnh hưởng đến cách nhìn nhận của một số cơ quan quản lý, dẫn đến việc doanh nghiệp nước ngoài thường được ưu tiên hơn doanh nghiệp trong nước. Cùng một loại hình đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài dễ được mời gọi, ưu đãi thuế, đất đai và thủ tục nhanh gọn hơn. Trong khi doanh nghiệp trong nước thì phải qua nhiều khâu phức tạp, thậm chí bị thanh tra, kiểm tra khắt khe.
“Điều này tạo cảm giác thiếu công bằng trong môi trường kinh doanh”, đại diện doanh nghiệp này chia sẻ.
“Lần đầu tiên thấy Chính phủ coi kinh tế tư nhân là thành phần kinh tế quan trọng nhất”, ông Nguyễn Việt Thắng - Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát, bày tỏ về đánh giá của Nhà nước về kinh tế tư nhân.
Theo đại diện Hoà Phát, chúng ta đã đặt đúng vị trí của doanh nghiệp tư nhân, bởi kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng cao nhất trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, để kinh tế tư nhân phát triển và thực sự bứt phá thì ngoài những cải cách về thủ tục hành chính, Chính phủ cần tạo dựng một môi trường kinh doanh đầy đủ và nuôi dưỡng khu vực này lớn mạnh.
Đối với thị trường nội địa, cần ban hành chính sách bảo đảm cạnh tranh lành mạnh. Đồng thời, ở những ngành trọng điểm mà Nhà nước muốn hình thành các tập đoàn lớn thì nên có những biện pháp bảo hộ phù hợp cho sản xuất trong nước.
"Điều không kém phần quan trọng là Chính phủ cần có định hướng kinh tế rõ ràng để doanh nghiệp xây dựng chiến lược đầu tư và sản xuất sao cho phù hợp, hiệu quả nhất. Có như vậy, các doanh nghiệp tư nhân mới không đi lệch quỹ đạo", ông Thắng chia sẻ.
>> Làm sao để người dân yên tâm lấy tiền ra đầu tư kinh doanh?
Quốc hội thông qua cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nghị quyết quan trọng về kinh tế tư nhân