'Cao tốc' cho kinh tế tư nhân - bài 5: Báo chí làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp?
Không ít doanh nghiệp bị những cú đấm “truyền thông bẩn” hạ gục. Nhiều doanh nghiệp lao đao, tổn thương uy tín, thiệt hại kinh tế nghiêm trọng sau một số bài viết phiến diện, thiếu kiểm chứng. Đã đến lúc cần loại bỏ những “con sâu làm rầu nồi canh”.
Hệ lụy của truyền thông “bẩn”
Lãnh đạo một doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực bất động sản kể rằng, họ cũng là nạn nhân của truyền thông “bẩn”. Một số tạp chí nhỏ, chuyên ngành cố tình đưa thông tin phiến diện, thất thiệt hòng tiếp cận lãnh đạo doanh nghiệp. Mục tiêu không có gì ngoài những mưu tính lợi ích kinh tế không chính đáng.
![]() Xưởng lắp ráp của nhà máy sản xuất ô tô ảnh: TTXVN. |
Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ VHTTDL) chỉ ra, bên cạnh những sai sót về nghiệp vụ, không ít trường hợp truyền thông “bẩn” cố tình đưa ra thông tin thất thiệt. Chẳng hạn, khi liệt kê danh sách những công ty đang bị xử lý vi phạm, họ lại nêu thêm cả những đơn vị không hề liên quan.
“Một số cơ quan, tạp chí thay vì đưa đầy đủ thông tin báo cáo tài chính của doanh nghiệp lại chỉ đăng thông tin bất lợi, cố tình tạo hình ảnh xấu cho doanh nghiệp, thậm chí đăng đi đăng lại để nhũng nhiễu. Đây không chỉ là hành vi phạm pháp luật mà còn vi phạm đạo đức báo chí, làm ảnh hưởng tới uy tín của cả nền báo chí”, ông Lưu Đình Phúc chia sẻ với Tiền Phong.
Cục trưởng Cục Báo chí cho biết đã xử lý nghiêm nhiều trường hợp vi phạm. Cuối năm 2024, nhờ các thông tin phản ánh, tố cáo kịp thời, Cục Báo chí đã kiểm tra và dừng hoạt động một tạp chí về môi trường hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích, thường xuyên nhũng nhiễu, ép buộc doanh nghiệp trao đổi lợi ích kinh tế để gỡ bài. “Trong tương lai, Cục Báo chí sẽ xử lý mạnh tay hơn nữa các vi phạm”, ông Lưu Đình Phúc nói
Còn nhớ vụ thông tin 67% nước mắm truyền thống nhiễm asen vượt mức cho phép gây ra thiệt hại kinh tế lớn cho không ít doanh nghiệp nước mắm truyền thống. Gần 60 cơ quan báo chí, truyền thông bị xử phạt cho thấy bài học điển hình về làn sóng khủng hoảng truyền thông do thông tin thất thiệt, sai lệch gây ra.
“Một bài báo mang thông tin đúng, khách quan có thể trở thành cú hích quan trọng, giúp doanh nghiệp phát triển, khẳng định vị thế. Ngược lại, bài báo đưa thông tin sai lệch hoặc phản ánh không đúng bản chất có thể gây tổn hại cho cả một lĩnh vực trong khối kinh tế tư nhân, chứ không chỉ một doanh nghiệp”, ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhận định.
Doanh nghiệp không đơn độc
![]() |
Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc. Ảnh: Việt Khôi. |
Ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng giám đốc Flamingo Holding Group, Tổng GĐ Flamingo Redtours đánh giá, bằng những bài viết mang tính xây dựng nhằm lan tỏa, động viên các mô hình, điển hình về kinh tế tư nhân, Báo chí là kênh thông tin chính thống và toàn diện truyền thông về Nghị quyết 68, đưa thông tin sâu rộng đến với doanh nghiệp, cộng đồng trong đó có người lao động.
“Nhờ thông tin đầy đủ, khách quan trên các phương tiện thông tin đại chúng, doanh nghiệp, người dân hiểu rõ hơn về tinh thần của Nghị quyết 68, tiếp thêm niềm tin thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển”. Trong quá trình triển khai Nghị quyết 68, báo chí là kênh phản ánh vướng mắc, kiến nghị để cơ quan quản lý nhà nước kịp thời điều chỉnh bằng chính sách, quy định pháp luật.
Là người trong cuộc, lãnh đạo Flamingo Holding Group kỳ vọng, báo chí truyền thông đặc biệt là các cơ quan báo chí uy tín tiếp tục đồng hành với cộng đồng và doanh nghiệp. “Các thông tin xấu, sai lệch chỉ có thể được giải quyết nhờ thông tin chính thống, trung thực, khách quan. Đây cũng là kênh thông tin mà doanh nghiệp cần nắm bắt. Khi gặp vấn đề khúc mắc, doanh nghiệp nên công khai, minh bạch, chủ động chia sẻ với công luận, đặc biệt thông qua các cơ quan báo chí uy tín. Doanh nghiệp tư nhân muốn phát triển cũng phải nỗ lực làm đúng, làm tốt trách nhiệm, hạn chế tối đa rủi ro, sai sót”, ông Nguyễn Công Hoan nói.
![]() |
Tạo hành lang an toàn về thông tin
Theo ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, việc tuyên truyền Nghị quyết 68 là nhiệm vụ trọng tâm của báo chí hiện nay. Không chỉ hướng tới cộng đồng doanh nghiệp, báo chí còn phải giúp các cấp chính quyền, bộ ngành, địa phương và toàn xã hội hiểu đúng, hiểu đầy đủ tinh thần của nghị quyết.
Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nêu, các cơ quan báo chí, các nhà báo phải thật sự thận trọng, đặt đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm đối với xã hội, đối với nền kinh tế, đất nước khi thực hiện một tác phẩm báo chí, nhất là viết về một doanh nghiệp, một lĩnh vực kinh tế. Người làm báo cần tuân thủ nghiêm túc 10 điều quy định đạo đức người làm báo Việt Nam, Luật Báo chí, pháp luật, hạn chế tối đa và đi đến chấm dứt những hành vi gây khó dễ, nhũng nhiễu, thậm chí có hành vi tống tiền doanh nghiệp để đạt lợi ích không chính đáng.
Cục trưởng Cục Báo chí nhận định, hệ thống pháp luật về báo chí hiện nay khá đầy đủ và chặt chẽ. Tuy nhiên, một số tòa soạn và phóng viên vẫn chưa tuân thủ nghiêm ngặt. Các cơ quan quản lý nhà nước đang hoàn thiện các hành lang pháp lý, đặc biệt là sửa đổi Luật Báo chí để quy định chặt chẽ hơn về vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chủ quản và người đứng đầu tòa soạn.
Về phía doanh nghiệp, ông Lưu Đình Phúc cho rằng, trước hết họ phải hoạt động đúng pháp luật. Doanh nghiệp cũng nên dẹp bỏ tâm lý e ngại báo chí truyền thông. “Theo tôi, các trường hợp nhũng nhiễu, vòi vĩnh chỉ chiếm phần nhỏ. Phần lớn các cơ quan báo chí hiện nay đều có tinh thần xây dựng, cầu thị và mong muốn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Trong thời gian tới, các cơ quan báo chí cần tuyên truyền mạnh mẽ về Nghị quyết 68, để góp phần thay đổi nhận thức, tiếp thêm niềm tin cho khu vực kinh tế tư nhân”, ông Phúc nói.
Một số doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Cục trưởng Cục Báo chí cho rằng, nếu gặp những trường hợp nhũng nhiễu, vòi vĩnh, doanh nghiệp phải lưu giữ những bằng chứng quan trọng rồi gửi đến các cơ quan quản lý báo chí như Cục Báo chí, Thanh tra Chính phủ hoặc các sở quản lý Văn hóa… Nếu thông tin phản ánh chính xác, các cơ quan quản lý sẽ tiếp nhận và xử lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.
“Báo chí cần phối hợp với doanh nghiệp để tìm hiểu, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về nguồn lực, cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư… Khi ấy, doanh nghiệp sẽ sẵn sàng đồng hành với báo chí”, ông Lưu Đình Phúc nói.
Doanh nghiệp không còn đơn độc trên mặt trận truyền thông. Việc minh bạch truyền thông không chỉ là “lá chắn” bảo vệ doanh nghiệp, mà còn là nền móng tạo dựng niềm tin thị trường, tiếp sức cho kinh tế tư nhân phát triển. Khi báo chí song hành với doanh nghiệp, cùng chia sẻ trách nhiệm và kiến tạo không gian thông tin lành mạnh, “cao tốc” cho kinh tế tư nhân được khai thông.
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Đoàn Luật sư Hà Nội) khẳng định, việc Nghị quyết 68/NQ-CP nhấn mạnh đến yêu cầu tạo dựng môi trường truyền thông lành mạnh, minh bạch, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp là bước tiến cần thiết trong bối cảnh thực tế. Điều này cho thấy không ít doanh nghiệp Việt từng bị tổn hại nghiêm trọng bởi thông tin sai sự thật, tin đồn thất thiệt.
Vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước không chỉ dừng ở xử lý hậu quả, mà còn phải xây dựng hành lang pháp lý đủ mạnh để phòng ngừa. Việc định hướng thông tin trung thực, cân bằng lợi ích công - tư, tăng cường hậu kiểm và cải chính công khai, kịp thời cần được quy định thành cơ chế bắt buộc, thay vì chỉ là khuyến nghị.
Hạnh Đỗ
>> 'Cao tốc' cho kinh tế tư nhân: Không hình sự hóa quan hệ kinh tế
Quốc hội thông qua cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nghị quyết quan trọng về kinh tế tư nhân