Cụ’ măng cụt ở xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam đã gần một thế kỷ vẫn vững chãi, đứng hiên ngang trên mảnh đất xứ Tiên.
Về xã Tiên Mỹ (huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam), nơi được mệnh danh là xứ Tiên ở dải đất miền Trung, hỏi nhà cụ Võ Thị Nghi, ai cũng trầm trồ bởi đây là gia đình nổi tiếng với cây măng cụt gần 100 tuổi.
Ở tuổi 90, cụ Nghi vẫn minh mẫn kể lại câu chuyện về cây măng cụt ngay trước sân nhà, gắn bó với cụ từ thuở thơ bé.
Từ nhỏ, cụ đã thấy bóng dáng của cây măng cụt được bố đưa về trồng: “Tôi lớn lên đã gắn liền với cây này, trải qua bao nhiêu thăng trầm, nó vẫn đứng vững. Quả thực, tôi cũng bất ngờ. Hiện tại, cây măng cụt chắc cũng đặng gần 100 tuổi. Trong làng, vẫn có một số ‘cụ’ măng cụt như này, nhưng để vẹn nguyên, ít đứt gãy tìm khá khó”.
Cây măng cụt nằm cạnh cổng ra vào của gia đình cụ Nghi. Thân cây một người ôm không xuể. Tán cây bao phủ diện tích hơn 100m2, cao khoảng 20m với mấy chục cành mọc ra từ dưới lên đến ngọn.
Cụ Nghi chia sẻ, nhà cụ là nơi đón gió, mỗi mùa mưa bão quật ngã không biết bao cây cối nhưng riêng cây măng cụt này vẫn đứng sừng sững. Một số nhánh gãy, nhưng rồi cành khác lại mọc ra.
“Cây ôm trọn một khoảng đất rộng, tán cây sà xuống tận mắt đất. Để giữ được cây luôn đứng vững, không đổ gãy, gia đình tôi dùng cọc chống các cành nặng”, cụ Võ Thị Nghi kể.
Điều đặc biệt ở cây măng cụt này là dù đã sống gần một thế kỷ nhưng luôn ra trái đều. Trung bình mỗi năm, cây ra chừng 50kg trái, quả măng cụt to, ngọt, thanh. Gia đình cụ Nghi không bơm bất kỳ loại thuốc nào nhằm kích trái hay trị sâu bệnh.
Cụ Nghi tâm sự: “Cây măng cụt này như nhân chứng sống của gia đình vậy. Trải qua nhiều cuộc bể dâu nhưng vẫn hiên ngang, chống chọi với thời gian, thời tiết và song hành cùng gia đình đến hiện tại”.
Phó Giáo sư quê Quảng Nam sở hữu khối tài sản 13.400 tỷ đồng, điều hành 'đế chế' hơn 32.000 nhân sự
Tỉnh sở hữu khu kinh tế mở đầu tiên của Việt Nam cần hơn 1.300 tỷ để làm hàng loạt dự án nhà ở