Chiêm ngưỡng quần thể chùa cổ nằm tựa lưng vào đỉnh núi ở miền Bắc, nơi ngắm sông Cầm uốn lượn được ví như tiên cảnh
Từ ngôi chùa có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn hình ảnh sông Cầm uốn lượn, xinh đẹp chẳng khác gì bức tranh tiên cảnh mà thiên nhiên ban tặng.
Hạ Long nổi tiếng là cái nôi của Phật giáo Việt Nam với nhiều ngôi chùa đình đám khác nhau như: Chùa Cái Bầu, chùa Lôi Âm, chùa Yên Tử… Cũng vì lẽ đó mà nó được mệnh danh là “miền đất Phật” của nước ta. Trong đó, không thể không nhắc tới chùa Ngọa Vân tọa lạc tại xã An Sinh và Bình Khê, thuộc thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Quần thể này được chia thành 4 khu với 15 cụm tháp, chùa khác nhau. Trong đó bao gồm: Ngọa Vân, Đá Chồng, Ba Bạc, Thông Đàn - Đô Kiệu. Riêng chùa Ngọa Vân tọa lạc tại trung điểm và là nơi thu hút nhiều du khách đến thăm viếng nhất.
Bức tranh toàn cảnh chùa Ngọa Vân tọa lạc giữa núi rừng xanh ngát.
Chùa Ngọa Vân còn có tên gọi khác là chùa am Ngọa Vân, với ý nghĩa là ngôi chùa nằm trên mây. Vị trí này cao hơn 500m so với mực nước biển, từ ngôi chùa bạn có thể phóng thẳng tầm mắt ra đồi núi trập trùng phía xa xa, nơi có mây trắng vờn quanh vào mỗi sáng sớm. Chưa dừng ở đó, chùa còn “tựa” lưng vào đỉnh Ngọa Vân quanh năm có lớp mây bao phủ, và phía xa xa còn có hình ảnh sông Cầm uốn lượn, xinh đẹp chẳng khác gì bức tranh tiên cảnh mà thiên nhiên ban tặng.
Ngôi chùa nằm tựa lưng và ngọn núi tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp.
Theo đó, chùa Ngọa Vân là công trình được xây dựng vào thời vua Trần. Cho đến thời Hậu Lê, ngôi chùa tiếp tục được tôn tạo để hoàn thiện hơn về mặt kiến trúc. Đây là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông từng tu hành đắc đạo, do đó còn là thánh địa của Phật giáo Trúc Lâm.
Khi khám phá di tích chùa Ngọa Vân, bạn sẽ được tìm hiểu một quần thể gồm 3 tầng lớp vô cùng ấn tượng. Trong đó, lớp thấp nhất gồm 15 di tích nằm ở dưới chân núi. Cụ thể là rừng già Tàn Long, Thông Đàm, Đô Kiểu, Phủ Am Trà, bãi Đá Chồng, Ba Bậc… Những di tích này được gắn kết với nhau, tạo nên một con đường uốn lượn chạy dần lên đỉnh núi.
Một góc chùa với những ngôi đền nhỏ được xây dựng cách từ thời Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Khi đi hết lớp thứ nhất, bạn sẽ được trải nghiệm lớp thứ hai với những di tích nằm tại sườn phía Nam của núi Bảo Đài. Đây là một trong những công trình của chùa Ngọa Vân được trùng tu và xây dựng lại vào năm 2014. Lớp thứ hai cũng là nơi thường xuyên được chọn làm khu vực tổ chức các lễ hội xuân và các nghi lễ quan trọng khác. Đặc biệt, bạn nhớ ghé đến đây vào dịp tháng 3 mỗi năm để có thể tham gia lễ cầu quốc thái dân an, lễ khai xuân và khám phá toàn thể quang cảnh tuyệt đẹp này của chùa.
Lớp cuối cùng cũng là lớp sở hữu tọa độ cao nhất chính là di tích Ngọa Vân. Nhờ vào tọa độ lý tưởng này mà di tích Ngọa Vân nổi bật với vẻ đẹp huyền ảo, quanh năm được bao phủ bởi những lớp sương mù ảo diệu, tuy nguyên sơ nhưng không kém phần diễm lệ.
Xung quanh chùa Ngọa Vân là dải màu xanh mát của rừng thông trải dài xa tít tận chân trời.
Khu am Ngọa Vân được mở rộng thành khu am - tháp và là nơi thờ Phật Hoàng Trần Nhân Tông, còn tháp Phật Hoàng chính là nơi lưu giữ xá lợi của Ngài. Tại đây, một số hiện vật cổ như voi đá, ngựa đá vẫn còn được lưu giữ và đặt ngay trước cửa am Ngọa Vân.
Khu am Ngọa Vân được mở rộng thành khu am - tháp.
Cận cảnh am Ngọa Vân đã được trùng tu, tôn tạo và có một lối đi lên thắp hương.
Khu vực nhà thờ Tổ cũng được xây dựng ngay sát am Ngọa Vân, là nơi thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2013, Ngọa Vân nay được đầu tư hạ tầng giao thông để hành hương thuận lợi hơn. Hệ thống cáp treo được xây dựng, có chiều dài hơn 2km từ chân núi lên tới chùa Ngọa Vân.
Không chỉ lưu giữ những dấu tích đặc trưng, thiêng liêng về một thời lịch sử hào hùng của Phật hoàng Trần Nhân Tông, chùa Ngọa Vân còn là một nơi nổi bật bởi khung cảnh thiên nhiên tuy nguyên sơ nhưng lại vô cùng tuyệt đẹp. Có thể nói, thảm thực vật nơi đây vô cùng đa dạng, phong phú với nhiều loài thực và động vật quý hiếm, được gìn giữ nguyên vẹn cho đến thời điểm hiện tại.
Còn gì tuyệt vời và thanh tịnh hơn khi bạn được hành hương lên đỉnh Ngọa Vân, thắp nén nhang để chiêm bái và tản bộ xung quanh sân tiền đường, nhìn ngắm cả một vùng trời núi non tuyệt đẹp đang nằm xen lẫn những áng mây trắng, tựa bức tranh thủy mặc tuyệt mỹ. Nói đúng hơn, chùa Ngọa Vân chính là món quà tuyệt vời mà đất Phật Ngọa Vân đã ban tặng cho bất kỳ du khách nào khi có dịp du ngoạn nơi này.
Một thành phố phía Bắc Việt Nam sẽ là thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới vào năm 2050