Tính đến nay, ngôi đình đã tồn tại gần 500 năm và luôn là niềm tự hào của người dân xứ Đoài giàu truyền thống văn hóa.
Nằm cách Hà Nội khoảng 50km về phía Tây, đình Tây Đằng thuộc thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội là một trong những ngôi đình cổ nhất Việt Nam với gần 500 năm tuổi. Đây cũng là di sản kiến trúc gỗ bậc nhất xứ Đoài, là một trong sáu ngôi đình tiêu biểu của miền Bắc.
Đình nhằm hướng Tây, trùng với "Đoài" là quẻ thứ 8 trong bát quái ứng với hướng Tây, giống bố cục chung hệ thống đình cổ của vùng Bắc Bộ. Tính đến nay, đình đã tồn tại gần 500 năm và luôn là niềm tự hào của người dân xứ Đoài giàu truyền thống văn hóa.
Đình Tây Đằng - nơi thờ vị Thành Hoàng làng là Tản Viên Sơn Thánh, được ví là bảo tàng sống động về nghệ thuật điêu khắc đình làng cổ, thể hiện qua các mảng chạm trang trí trên cấu kiện kiến trúc nơi tòa đại đình.
Với kiểu thức ba gian, hai chái, tòa đại đình của Tây Đằng ngoài yếu tố thờ tự, còn là không gian nghệ thuật, nơi kỹ thuật chạm gỗ thời Mạc thực sự thăng hoa; nơi thần tiên, các loài linh thú, người phàm trần, muông thú rừng xanh, hoa lá trang trí… gặp gỡ nhau, tái hiện đời sống đầy phong phú của người thuần nông lúc đương thời.
Nói về niên đại đình cổ xứ Đoài, Tây Đằng là một trong sáu ngôi đình cổ nhất còn lưu lại từ thời Mạc (sớm nhất của giai đoạn này là đình Thụy Phiêu với thời gian tu sửa được ghi rõ trên hàng cột cái của gian giữa là 7/12/1531). Tuy không bề thế, to lớn nhưng đình Tây Đằng tạo sức ảnh hưởng đến sự phát triển về mỹ thuật, trang trí kiến trúc các đình làng Việt hình thành sau đó như Chu Quyến, Tường Phiêu…
Quan sát các mảng chạm trên gỗ, vẻ đẹp riêng của đình Tây Đằng thể hiện ở nhiều chi tiết là sự thừa hưởng mỹ thuật từ thời Lý - Trần, tiêu biểu là mảng chạm ở vì nóc với hình tượng rồng bố cục chặt chẽ trong lá đề, hai bên là thần tiên chầu hầu. Hoa văn lá đề là ảnh hưởng từ Phật giáo vào trang trí kiến trúc, xuất hiện từ thời Lý, qua thời Trần và giảm dần đến giai đoạn Lê sơ.
Tính nhắc lại của lá đề trên vì nóc, với chủ thể mảng chạm là hình tượng rồng, ngoài ý nghĩa vốn có của rồng là biểu tượng của nước, hẳn cũng gợi về hình ảnh vị thần chủ của đình là Tản Viên Sơn Thánh - người cõi núi non, rừng thẳm, thế nên trong hình ảnh hai vị hầu chầu, có thể thấy trên tay đang cầm lễ vật dâng cúng là rắn và bên còn lại khả năng là hổ, đều là những loài thú quý hiếm từ rừng.
Từ hệ vì nóc, thấp xuống một bậc, ở lá gió đầu cột cái, cột quân, ở đấu củng, hình ảnh các vị tiên thần xuất hiện dưới dạng tượng tròn, mang nhiều nét biểu cảm với trang phục, thần thái gương mặt, kể cả tính nam-nữ... được phân định rõ nét. Chi tiết phân tầng với cõi cao không, huyền diệu tiên giới được biểu đạt qua đề tài trang trí. Xuống tầng thấp hơn, là cảnh xen giữa người và tiên, rồi hoạt cảnh dân dã, thân quen như đấu vật, chèo thuyền, trai gái tình tự, cảnh người mẹ gánh con… rất đời thường, bình dị.
Đến đây, có thể thấy rõ giữa hai cõi trời và trần gian được hòa hợp, tạo thành tổng thể cuộc sống từ góc nhìn tâm linh, tín ngưỡng đến sinh hoạt dân gian đời thường. Trong các chi tiết dân gian ấy, gợi mở nhiều điều vượt ngoài tính mỹ thuật vốn có của mảng chạm.
Đình Tây Đằng là di sản văn hóa kiến trúc đặc biệt về loại hình đình làng; được thừa nhận là “đệ nhất đình Đoài” bởi niên đại và kiến trúc gỗ với trình độ chế tác rất cao, trang trí cầu kỳ, dày đặc và rất hiếm thấy.
Cái tên đình Tây Đằng luôn đứng hàng đầu trong các tài liệu nghiên cứu về loại hình kiến trúc đình Việt Nam. Một đình làng cổ, không chỉ làm chức năng của một trung tâm sinh hoạt văn hóa ở địa phương, nơi thể hiện tinh thần cấu kết bền chặt của cộng đồng làng xã, mà thực sự còn là một “bảo tàng” văn hóa, nghệ thuật dân gian đặc sắc. Điều ấy không phải ngôi đình nào cũng có được.
Trong đình có hơn 1.300 chi tiết chạm khắc gỗ khác nhau, không có sự trùng lặp, cũng không bố trí đối xứng như ở hầu hết những ngôi đình khác. Nhờ tài sắp đặt của các nghệ nhân nghề mộc nên các chi tiết kiến trúc đã đạt tới sự hài hòa cao độ ở tất cả các hạng mục bài trí.
Năm 2005, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì việc trùng tu đình Tây Đằng. Năm 2013, đình được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.