Chính phủ đã chuẩn bị hồ sơ, điều kiện để xem xét phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém, đảm bảo an toàn hệ thống.
Ngày 20/5, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) từ đầu năm đến nay. Tăng trưởng kinh tế tiếp tục phục hồi, các hoạt động KTXH diễn ra sôi động hơn. Nhìn chung, tình hình KTXH những tháng đầu năm 2024 tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả tốt hơn cùng kỳ năm 2023 trên các lĩnh vực.
>> TOÀN VĂN BÁO CÁO KTXH và NSNN của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV
Toàn cảnh Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV |
Cụ thể, tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66%, cao nhất trong giai đoạn 2020 – 2023. Đây là nỗ lực lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 3,93% so với cùng kỳ.
Trong 4 tháng đầu năm 2024, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) đạt 43,1% dự toán, tăng 10,1%; kim ngạch xuất khẩu tăng 15%; xuất siêu 8,4 tỷ USD. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 17,46% kế hoạch, cao nhất trong 4 năm trở lại đây.
Tổng vốn FDI đăng ký đạt 9,27 tỷ USD, tăng 4,5%, trong đó vốn FDI đăng ký mới đạt 7,11 tỷ USD, tăng 73,2%; FDI thực hiện đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4%, cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Nhiều tập đoàn lớn đã cam kết đầu tư vào Việt Nam trong các ngành điện tử, chip, bán dẫn, năng lượng tái tạo…
Về xử lý các dự án tồn đọng, kéo dài, Phó Thủ tướng cho biết, vấn đề này đã được tập trung xử lý, đạt kết quả tích cực, trong đó đã chuẩn bị hồ sơ, điều kiện để xem xét phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém, đảm bảo an toàn hệ thống.
>> Bộ Chính trị yêu cầu giải quyết dứt điểm các ngân hàng yếu kém
Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã hoàn thành việc định giá 3 ngân hàng mua bắt buộc và dự kiến trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc trong tháng 5/2024, hoàn thành chuyển giao bắt buộc trong năm 2024.
Trong 4 ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu đang được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt, ngoại trừ Ngân hàng Đông Á (DongABank), 3 ngân hàng Xây dựng (CB), Đại Dương (Oceanbank), Dầu khí toàn cầu (GPBank) sẽ được chuyển giao cho nhà băng khác theo hình thức mua bắt buộc.
Ba ngân hàng mua bắt buộc là CBBank, OceanBank và GPBank. Năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc với 3 ngân hàng này và Ngân hàng Đông Á - nhà băng bị kiểm soát đặc biệt.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại Kỳ họp |
Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra một số hạn chế còn tồn tại. Cụ thể, sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn cao, nhất là trong kiểm soát lạm phát, điều hành lãi suất, tỷ giá; tăng trưởng tín dụng còn thấp; giá vàng thế giới và trong nước biến động mạnh.
Không chỉ vậy, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân gặp nhiều khó khăn. Sản xuất công nghiệp phục hồi còn chậm. Sản xuất nông nghiệp, nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long gặp nhiều khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài và nặng nề hơn.
Một số cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính còn chồng chéo, rườm rà, chậm được sửa đổi.
>> Trình Quốc hội tiến độ tăng vốn 'khủng' của nhóm Big4 ngân hàng
Trình Quốc hội tiến độ tăng vốn 'khủng' của nhóm Big4 ngân hàng
TOÀN VĂN BÁO CÁO KTXH và NSNN của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV