Hoàn thiện thể chế, trước hết và ưu tiên cao trong sửa đổi chính sách, quy định, quy trình, tổ chức bộ máy thực hiện là bước đi phù hợp.
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng: "Trong bối cảnh kinh tế đất nước có lúc tăng trưởng chậm lại, tình hình quốc tế biến động khó lường, những vấn đề đặt ra trước Quốc hội nhận được sự quan tâm của cử tri cả nước. Nhiều vấn đề phức tạp phát sinh, các vấn đề được đại biểu Quốc hội đặt ra càng đòi hỏi sự giải trình đầy đủ, triệt để và giải pháp quyết liệt".
Từ góc độ một cử tri, ông Nguyễn Thường Lạng nhận thấy các thành viên Chính phủ hiểu rõ thực trạng, phân tích cụ thể nguyên nhân và đề xuất định hướng, giải pháp có tính khả thi đối với lĩnh vực được phân công quản lý.
Điều này thể hiện hiểu biết sâu sắc thực tế, nắm bắt bản chất vấn đề, xác định được điểm trọng tâm, tập trung nguồn lực, quyết tâm rất cao giải quyết các vướng mắc.
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng phân tích: "Do tính chất phức tạp của vấn đề bên cạnh những vấn đề mới phát sinh, các thành viên Chính phủ không hề lảng tránh trách nhiệm mà sẵn sàng giải quyết vấn đề tồn động có cơ sở khoa học, phù hợp xu hướng và phát huy kinh nghiệm tích lũy".
Điều này cho thấy mức độ sâu sát thực tiễn và nếu có định hướng đúng và giải pháp phù hợp, chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi tích cực xuất hiện.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là một chương trình thực hiện trong thời gian dài, có tác động sâu rộng, đòi hỏi tính liên kết liên vùng cao, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, cả Trung ương và địa phương.
Chương trình mục tiêu này có liên quan đến cả những vấn đề quốc phòng-an ninh, sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, phát triển kinh tế- xã hội, bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát huy bản sắc các dân tộc thiểu số. Người đứng đầu quản lý Chương trình vừa có vinh dự to lớn song trách nhiệm hết sức nặng nề.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã thể hiện được đầy đủ nhận thức và trách nhiệm cao cả trước nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này. Lãnh đạo Chính phủ đã giải trình cụ thể và rõ ràng kết quả đạt được, hạn chế và phân tích nguyên nhân chậm triển khai; tiến độ đề xuất định hướng thúc đẩy Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Các số liệu được khảo sát kỹ lưỡng và có tính hệ thống. Trách nhiệm cao của cơ quan quản lý được thể hiện rõ ràng cả cấp Trung ương và các địa phương trong cả nước.
Phần trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ còn là cơ sở để cử tri cả nước hiểu rõ tình hình, theo dõi, giám sát, đánh giá đầy đủ, có hệ thống vấn đề cũng như chứng kiến việc triển khai giải pháp đối với một chương trình mục tiêu quốc gia.
Việc giải ngân đầu tư công của Chương trình chậm đòi hỏi cần sớm có quy trình xây dựng thông suốt, vận hành ổn định, nâng cao hiệu quả. Do đó, hoàn thiện thể chế, trước hết và ưu tiên cao trong sửa đổi chính sách, quy định, quy trình, tổ chức bộ máy thực hiện là bước đi phù hợp.
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng cho rằng, sửa đổi Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia là bước đi hết sức đúng đắn.
Đồng thời, theo chuyên gia Nguyễn Thường Lạng, việc có cơ chế phân cấp quản trị hiệu quả cho các địa phương là hết sức đúng đắn. Nền tảng số trong quản trị Chương trình là một nguồn lực cần khai thác để Chương trình đến với đồng bào dân tộc thiểu số kịp thời hơn, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cho rằng, cần tăng cường sự phối hợp giữa các cấp quản lý Trung ương để Chương trình thực hiện theo mục tiêu đặt ra. Mọi sự thiếu phối hợp, thiếu ăn khớp đều dẫn đến làm chậm tiến độ và gây ùn tắc các công việc khác, dẫn đến làm tăng thời gian chờ đợi và lãng phí nguồn lực công.
Việc phối hợp tốt giúp giảm thiểu sự lãng phí nguồn lực, song cần tránh tình trạng phân tán nguồn lực quốc gia; cần phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương để đạt kết quả cao hơn và nhanh hơn. Phân cấp quyền quản trị cho các địa phương là giải pháp để khai thác nhiều hơn nguồn lực địa phương, giảm thiếu sự tập trung quá mức vào Trung ương. Đây là khởi đầu cho mô hình quản trị mới, thể hiện sự cân bằng giữa mức độ quản lý tập trung và mức độ phân cấp phù hợp.
Quy trình thực hiện các công việc cần tiếp tục hoàn thiện để tránh chồng chéo chức năng và tránh bỏ sót nhiệm vụ, quy trình được xây dựng theo những tiêu chuẩn chặt chẽ và khoa học sẽ giúp vượt qua điểm nghẽn và góp phần tăng tốc Chương trình.
Việc tiếp tục tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc trong Chương trình giai đoạn được coi trọng. Bên cạnh đội ngũ cán bộ chiến lược, cần coi trọng đội ngũ cán bộ chuyên môn ở địa phương.
"Tóm lại, những vấn đề được giải trình, phân tích trước Quốc hội của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho thấy tính nhất quán rất cao về tư duy điều hành, gắn sát với 3 đột phá chiến lược. Đây là nền tảng để có bước đột phá trong tổ chức thực hiện Chương trình hiệu quả", PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nói.