Chính phủ yêu cầu giải quyết chế độ cho cán bộ sau sắp xếp đơn vị hành chính
Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm việc giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang theo Nghị định số 178 và 67.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 205 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 và Hội nghị trực tuyến với địa phương.
Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều khó khăn, thách thức, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả, phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, tận dụng cơ hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội ngay trong quý 3 và cả năm 2025, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ nhấn mạnh là hoàn thiện thể chế gắn với tổ chức chính quyền địa phương hai cấp. Các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Việc theo dõi hoạt động của mô hình chính quyền hai cấp cần được thực hiện sát sao, kịp thời tháo gỡ vướng mắc. Chính phủ yêu cầu giải quyết dứt điểm tình trạng một số thôn, xã không có điện, sóng điện thoại, đảm bảo không để gián đoạn hoạt động của bộ máy hành chính, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Đặc biệt, giải quyết kịp thời chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang theo Nghị định số 178, Nghị định số 67 của Chính phủ và các nhiệm vụ triển khai sắp xếp đơn vị hành chính, chính quyền địa phương 2 cấp. Triển khai Nghị quyết của Quốc hội, các quyết định của Thủ tướng về dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2025 theo đơn vị hành chính mới. Rà soát, sắp xếp, sử dụng trụ sở làm việc, phương tiện, tài sản công, tài chính, điều kiện làm việc sau sắp xếp, bảo đảm đúng mục đích, tiết kiệm, không để thất thoát, lãng phí; mua sắm bổ sung tài sản, thiết bị (nếu thiếu) phù hợp với tiêu chuẩn, định mức và quy định pháp luật.
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành các Nghị định quy định: chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ (thay thế Nghị định số 123 ngày 1/9/2016 và các nghị định có liên quan).
Bộ Tài chính bố trí đầy đủ, kịp thời nguồn kinh phí chi trả chế độ, chính sách theo Nghị định số 178, Nghị định số 67; tổng hợp báo cáo cấp thẩm quyền bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước cho các bộ, cơ quan Trung ương, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho các địa phương thiếu nguồn.
Xử lý nghiêm các hành vi găm hàng đội giá, thao túng giá
Chính phủ yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phấn đấu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025.
Các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, thị trường, không để thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, tăng giá đột biến, nhất là đối với lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, nhà ở, vật tư nông nghiệp, sách giáo khoa…; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, đầu cơ, găm hàng đội giá, thao túng giá.

Trước mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2025 đạt từ 8% trở lên, Bộ Tài chính được giao xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế cho quý 3 và 4, cập nhật kịch bản lạm phát, điều hành giá cả phù hợp, trong đó xác định rõ dư địa các động lực tăng trưởng theo đơn vị hành chính mới.
Bên cạnh việc làm mới các động lực truyền thống như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu, Nghị quyết 205 nhấn mạnh đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đầu tư hạ tầng, công nghệ cao. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải có giải pháp điều hành linh hoạt, hài hòa, phấn đấu giảm lãi suất, hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các dự án lan tỏa mạnh.
Chính phủ đặt mục tiêu giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025, đồng thời thúc đẩy tiến độ khởi công và khánh thành các dự án chào mừng 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Các địa phương sau sáp nhập cần hoàn thiện điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn, gửi Bộ Tài chính trước 15/7 để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền.
Bộ Xây dựng được yêu cầu theo dõi biến động giá cả vật liệu xây dựng, đảm bảo nguồn cung ổn định, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng ảnh hưởng tiến độ các dự án. Đồng thời, cơ quan này cần tăng cường kiểm tra, giám sát các dự án do địa phương làm chủ đầu tư.
Đến 27/7 hoàn thành hỗ trợ xóa nhà tạm cho người có công
Một điểm nhấn trong Nghị quyết là việc triển khai các nghị quyết của Bộ Chính trị về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Bộ Khoa học và Công nghệ được giao trình Thủ tướng trong tháng 9 Đề án phát triển, trọng dụng nhân tài, nhất là chuyên gia đầu ngành phục vụ phát triển công nghệ và chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo cần hoàn thiện chính sách học bổng cho người học các ngành khoa học cơ bản, công nghệ then chốt, trình Chính phủ trong tháng 7. Đây là các chính sách nền tảng để tạo bước đột phá trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện hiệu quả Nghị quyết 66 và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng về đơn giản hóa thủ tục hành chính, bảo đảm không gián đoạn sau sắp xếp đơn vị hành chính.
Chính phủ yêu cầu triển khai thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Trung tâm hành chính công các cấp, kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia. Việc tích hợp giấy tờ vào VNeID, tái sử dụng dữ liệu hộ tịch, đất đai số hóa sẽ tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp.
Chính phủ đặt mục tiêu đến 27/7 hoàn thành hỗ trợ xóa nhà tạm cho người có công, và đến 31/8/2025 xóa nhà dột nát trên cả nước. Các địa phương cần triển khai hiệu quả chính sách điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ tháng 7/2025, bảo đảm đời sống người lao động.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Dân tộc và Tôn giáo được giao tổng kết các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, chuẩn bị hồ sơ báo cáo Quốc hội để triển khai giai đoạn 2026-2030.
Thực hiện nghiêm kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực là yêu cầu xuyên suốt. Chính phủ chỉ đạo tiếp tục xử lý các dự án vướng mắc kéo dài, phân loại rõ nguyên nhân, có phương án xử lý dứt điểm, không để thất thoát, lãng phí nguồn lực.
Nghị quyết số 205 một lần nữa thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ trong nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu phát triển năm 2025.
>>Chủ tịch Quốc hội nhận xét về trung tâm phục vụ hành chính công ở phường, xã mới
Nghiêm cấm tổ chức liên hoan, chúc mừng liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính
Sẽ công khai đường dây nóng giải đáp thắc mắc khi sắp xếp đơn vị hành chính