Chủ đầu tư The Summit 216: Lỗ chồng lỗ, nợ chồng chất

02-12-2021 16:14|Hoàng Tú

Được giới thiệu là căn hộ hạng sang, dành cho giới thượng lưu nhưng The Summit 216 chứng kiến chủ đầu tư trong tình cảnh lỗ chồng lỗ, nợ chồng chất.

Lỗ chồng lỗ, nợ chồng chất

Dự án The Summit 216 của chủ đầu tư – Công ty cổ phần Veracity được quảng bá là căn hộ hạng sang, bắt kịp xu hướng sống 4.0. Veracity “chơi lớn” khi hoàn thành xây thô mới mở bán và sẵn sàng bàn giao sổ hồng ngay sau khi nhận nhà.

Vào ngày 12/10/2019, chỉ hai ngày sau khi công bố thâu tóm dự án, Veracity khẳng định đẳng cấp hạng sang của mình bằng cách tổ  chức Lễ ra mắt Thương hiệu - Công bố dự án rất đặc biệt. Buổi lễ chỉ cho phép sự có mặt của một số nhà báo và một nhóm khách VIP với số lượng không quá 300 người theo hình thức tiệc kín.

Đối tượng tham dự gồm một nhóm khách hàng nhỏ với khả năng chi tiêu lớn, đối tác và bạn hàng của chủ đầu tư, cùng với sự góp mặt của những đại gia lớn trong ngành và một số quan khách quốc tế,... Sự kiện đã diễn ra trong sự kiểm soát an ninh nghiêm ngặt cả vòng trong, vòng ngoài cả với đội vệ sĩ khiến cho việc tiếp cận sự kiện gần như bất khả thi.

Sau đó, Veracity bắt tay vào xây dựng dự án. Tới tháng 11/2020, chủ đầu tư bắt đầu mở bán The Summit 216. Không rõ đợt mở bán lần đầu của The Summit 216 có thành công hay không nhưng con số doanh thu và lợi nhuận năm 2020 của Công ty cổ phần Veracity lại không cho thấy bức tranh tài chính sáng sủa.

Năm 2020, thời điểm The Summit 216 đã được đưa ra thị trường, Veracity ghi nhận mức doanh thu rất thấp, chỉ 7,2 tỷ đồng. Chi phí cao nên công ty thua lỗ 2,4 tỷ đồng. Còn trước đó, trong năm 2019, Veracity không phát sinh bất cứ đồng doanh thu nào nên lỗ 26,7 tỷ đồng.

Con số doanh thu 7,2 tỷ đồng năm 2020 của Veracity vô cùng khiêm tốn so với vốn chủ sở hữu lên đến 281 tỷ đồng mà công ty ghi nhận tại thời điểm 31/12/2020. Và đáng chú ý hơn, vốn chủ sở hữu này lại vô cùng khiêm tốn so với nợ phải trả mà công ty phải gánh.

Tại thời điểm cuối năm 2020, nợ phải trả tại Veracity là con số khổng lồ, đạt 1.407 tỷ đồng, cao gấp 5 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 83,4% tổng nguồn vốn. 

Tình hình của Veracity có thể được cải thiện trong năm 2021 khi mà dự án The Summit 216 tiếp tục được mở bán. Mức giá căn hộ của dự án dao động quanh mức 55 triệu đồng/m2.

Đất công 'biến' thành dự án nhà ở không qua đấu giá

Dự án The Summit 216 nằm trên đất vàng 216 Trần Duy Hưng. Báo Tiền Phong đã có bài viết Đất công 'biến' thành dự án nhà ở không qua đấu giá, trong đó có nhắc tới The Summit 216.

Cụ thể, theo Tiền Phong, ngày 27/1/2003, UBND thành phố Hà Nội ban hành quyết định cho Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long (Công ty Hoa Phượng Thăng Long) thuê 4.741m2 tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy. Mục đích thuê đất là xây dựng văn phòng làm việc và trung tâm giới thiệu sản phẩm. Thời gian thuê đất 45 năm kể từ ngày ký quyết định trên (đến năm 2048).

Đến năm 2014, một pháp nhân mới là Công ty TNHH Hoa phượng Thăng Long Hà Nội (Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội) ra đời, cũng có địa chỉ tại 216 Trần Duy Hưng. Chưa đầy 4 tháng sau, Hoa Phượng Thăng Long đã chuyển nhượng một phần dự án cho Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội.

Ngày 15/2/2017, UBND thành phố Hà Nội có Quyết định 1147/QĐ-UBND cho phép Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội chuyển mục đích sử dụng 2.373m2 đất tại thửa B khu 216 Trần Duy Hưng để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại - Summit Building (nay là The Summit 216). Quyết định này dựa trên các Nghị định của Chính phủ về thu hồi đất, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố và đề nghị của Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội.

Như vậy, sau gần 3 năm được cho thuê đất nhưng không triển khai theo mục tiêu ban đầu là thực hiện một phần dự án đầu tư xây dựng văn phòng làm việc và trung tâm giới thiệu sản phẩm, Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội lại được chấp thuận hợp tác cùng một doanh nghiệp tư nhân khác, để đầu tư xây dựng chung cư thương mại mà không thông qua đấu giá.

Đối tác thua lỗ, bí ẩn dòng tiền chuyển nhượng dự án

Có thể tóm tắt phần đất để phát triển dự án The Summit 216 ban đầu là do Hoa Phượng Thăng Long thuê tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy. Sau đó, Hoa Phượng Thăng Long đã chuyển nhượng một phần dự án cho Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội.

Sau đó, Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội chuyển mục đích sử dụng 2.373m2 đất tại thửa B khu 216 Trần Duy Hưng. Thương vụ không được tiết lộ nhưng bức tranh tài chính của Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội lại cho thấy nhiều điểm bất thường.

Như đã nói ở trên, ngày 15/2/2017, UBND thành phố Hà Nội có Quyết định 1147/QĐ-UBND cho phép Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội chuyển mục đích sử dụng 2.373m2 đất tại thửa B khu 216 Trần Duy Hưng. Thế nhưng, trong năm 2017, Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội không phát sinh doanh thu và ghi nhận khoản lỗ 238 triệu đồng. Phải tới năm 2019, doanh thu tăng vọt lên 390 tỷ đồng nhưng công ty vẫn lỗ 24,6 tỷ đồng. Tới 2020, doanh thu cắm đầu đi xuống, Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội lỗ thêm 1,4 tỷ đồng.

Trong khi đó, Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long, đơn vị trực tiếp thuê khu đất 216 Trần Duy Hưng có bức tranh tài chính khá khẩm hơn một chút khi không gánh thua lỗ. Tuy nhiên, con số tài sản của Hoa Phượng Thăng Long cũng khiến nhà đầu tư đặt câu hỏi.

Năm 2014, Hoa Phượng Thăng Long chuyển nhượng một phần dự án cho Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội. Giá trị thương vụ cũng không được tiết lộ nhưng các năm sau đó, dự án cho Hoa Phượng Thăng Long ghi nhận tổng tài sản rất thấp, chỉ đạt 58,2 tỷ đồng, 53,3 tỷ đồng, 51,7 tỷ đồng, 49,6 tỷ đồng và 33,4 tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2020. 

Vì vậy, không rõ dòng tiền của việc chuyển nhượng một phần dự án từ Hoa Phượng Thăng Long tới Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội đã “chảy” đi đâu.

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chu-dau-tu-the-summit-216-lo-chong-lo-no-chong-chat-128803.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chủ đầu tư The Summit 216: Lỗ chồng lỗ, nợ chồng chất
    POWERED BY ONECMS & INTECH