Tuyến metro gần 48.000 tỷ tại TP. HCM đạt 60% tiến độ di dời, phấn đấu khởi công cuối năm nay
Theo đại diện MAUR, mục tiêu của năm nay là hoàn tất toàn bộ di dời hạ tầng kỹ thuật để khởi công dự án metro số 2.
Theo VnExpress, ông Phan Công Bằng - Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP. HCM (MAUR) vừa kiểm tra thực địa công tác di dời hạ tầng kỹ thuật trên toàn tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương).
Điểm dừng đầu tiên là khu vực ga Dân Chủ, tại góc đường Cách Mạng Tháng Tám - Công trường Dân Chủ, nơi đang thi công với khối lượng lớn nhất hiện nay.
Việc di dời hệ thống điện, nước, viễn thông… dọc tuyến được triển khai đồng loạt tại 12 vị trí, gồm 10 nhà ga và hai đoạn đào hở.

Nhà thầu trước tiên xử lý các hệ thống cấp thoát nước, điện, viễn thông ở hành lang 5m bên hông các nhà ga, sau đó tiếp tục di dời và tái lập ngầm vĩnh viễn các công trình này, đảm bảo phù hợp thiết kế và cảnh quan. Do tuyến metro đi qua khu vực trung tâm đông đúc, việc thi công chủ yếu diễn ra ban đêm để hạn chế ảnh hưởng đến giao thông.
Đặc biệt, hạ tầng kỹ thuật chủ yếu nằm ngầm dưới đất, chằng chịt, nên MAUR ứng dụng mô hình thông tin công trình (BIM) để sớm phát hiện xung đột giữa các hạng mục và điều chỉnh phương án thi công. Những nơi đã di dời xong, nhà thầu sẽ tái lập, hoàn trả mặt bằng.
>> THACO đề xuất làm tuyến Metro số 2 và đường sắt nối tới sân bay Long Thành, TP. HCM nói gì?
Ông Bằng cho biết, khu vực ga Dân Chủ dự kiến hoàn tất di dời hạ tầng vào cuối tháng 7/2025; toàn tuyến sẽ hoàn thành trong năm nay, để kịp khởi công một số hạng mục chính vào cuối quý IV.
“Mục tiêu của năm nay là hoàn tất toàn bộ di dời hạ tầng kỹ thuật để khởi công dự án metro số 2. Đối với chúng tôi, đó là mệnh lệnh và sẽ phấn đấu tối đa để thực hiện”, ông nhấn mạnh.
Đến nay, khoảng 60% khối lượng di dời hạ tầng trên toàn tuyến đã hoàn thành. Tuy nhiên, công việc còn lại gặp nhiều thách thức do hạ tầng ngầm phức tạp và mật độ giao thông cao, đặc biệt tại vòng xoay Dân Chủ. MAUR đã phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông và các đơn vị liên quan để phân luồng, đảm bảo thi công thuận lợi, tập trung vào ban đêm.
Ông Bằng cũng cho biết, mặt bằng toàn tuyến metro số 2 đã cơ bản hoàn tất. Thành phố chuyển sang hình thức đầu tư công, thay vì vay vốn ODA như giai đoạn trước.
Nhờ điều chỉnh luật, một số thủ tục được rút gọn, như không phải lập lại chủ trương đầu tư và được phép chỉ định thầu trong một số trường hợp.
Hiện các bên đang chuẩn bị cho đợt thi đua cao điểm dịp 2/9 nhằm đẩy nhanh tiến độ di dời hạ tầng, sẵn sàng cho giai đoạn khởi công metro số 2 vào cuối năm nay.
Được biết, tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) có chiều dài khoảng 11km, trong đó 9,2km đi ngầm, phần còn lại là đoạn trên cao và đường dẫn vào depot.
Dự án có tổng mức đầu tư gần 47.900 tỷ đồng và hiện đã cơ bản hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng. Theo kế hoạch, công trình sẽ khởi công vào tháng 12/2025 và hoàn thành sau khoảng 4,5 năm thi công.
Dự án được phê duyệt lần đầu vào năm 2010 với tổng mức đầu tư khoảng 1,3 tỷ USD (tương đương 26.000 tỷ đồng), sau đó điều chỉnh lên 2,1 tỷ USD (gần 47.900 tỷ đồng) vào năm 2019. Trong cơ cấu vốn, khoảng 37.487 tỷ đồng là vốn ODA từ ba nhà tài trợ chính: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB).
21 xã, phường tại Ninh Bình có đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đi qua
Một địa phương điều chỉnh hướng tuyến và vị trí nhà ga đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam