Theo ông Hồ Quỳnh Hưng, "từ ngày thành lập, Bóng đèn Điện Quang luôn nhất quán với các tiêu chí an toàn (an toàn trong sản xuất, an toàn trong sản phẩm, an toàn với môi trường) và tuân thủ quy định của pháp luật".
Ngày 21/5/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra về hành vi gây ô nhiễm môi trường xảy ra tại Xí nghiệp Đèn ống Biên Hòa thuộc CTCP Bóng đèn Điện Quang (HOSE: DQC).
Trước đó ngày 21/4/2022, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (PC05) Công an tỉnh đã phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại công ty. Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng xác định công ty đang tạm ngưng hoạt động, một số công nhân đang dọn dẹp nhà xưởng để cho thuê, có 3 công nhân đang tiêu hủy một số lượng lớn vỏ bóng đèn thải bằng phương pháp thủ công là xay nghiền.
Lực lượng chứng năng cho biết, Công ty Bóng đèn Điện Quang đã phát sinh tổng số lượng bóng đèn thải hơn 732 nghìn cái (trọng lượng hơn 24 tấn), 920 kg ống thủy tinh lỗi và khoảng 4 tấn bóng đèn lỗi. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện còn lại hơn 205 nghìn bóng đèn thải (trọng lượng hơn 6,8 tấn), số lượng đã nghiền nhỏ với trọng lượng khoảng 22 tấn. Toàn bộ số chất thải trên đều để ngoài trời, không được thu gom, lưu giữ theo quy định.
Cũng theo cơ quan chức năng, Công ty Bóng đèn Điện Quang không có hệ thống xử lý nước thải cục bộ, nước thải kèm bùn thải từ quy trình nghiền bóng đèn thải đều được xả vào hệ thống thoát nước mưa.
Bên cạnh đó, hơn 6,2 tấn bột huỳnh quang thải phát sinh từ hoạt động sản xuất từ năm 2015 cũng được phát hiện và đang được công ty lưu giữ cạnh xưởng sản xuất.
Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh đã tiến hành lấy 3 mẫu nước thải và 9 mẫu chất thải trong 3 bể lắng tại khu vực nghiền thủy tinh, 3 mẫu chất thải tại hệ thống thoát nước mưa và 3 mẫu chất thải trong bể bê tông ở khu vực nhà kho của công ty để giám định. Từ đó, cơ quan chức năng sẽ xác định mức độ, tính chất độc hại của các chất này và căn cứ vào các quy định của pháp luật để xử lý.
Ngay sau thông tin bị phát hiện giấu hàng chục tấn chất thải nguy hại tại xí nghiệp, Chủ tịch HĐQT Bóng đèn Điện Quang - Hồ Quỳnh Hưng đã có văn bản giải trình rằng: "Từ ngày thành lập, CTCP Bóng đèn Điện Quang luôn nhất quán với các tiêu chí an toàn (an toàn trong sản xuất, an toàn trong sản phẩm, an toàn với môi trường) và tuân thủ quy định của pháp luật".
Phía Chủ tịch Bóng đèn Điện Quang còn khẳng định "thông tin liên quan tới Xí nghiệp Đèn ống Biên Hòa hoàn toàn đi ngược lại với chủ trương của công ty".
Được biết, ông Hồ Quỳnh Hưng sinh năm 1971, tham gia HĐQT Bóng đèn Điện Quang từ năm 2009. Năm 2010, ông Hưng được bổ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc DQC thay chị ruột là bà Hồ Thị Kim Thoa.
Từ 7/9/2020, ông Hưng thôi kiêm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc DQC.
Khu công nghiệp Biên Hòa 1 chờ "khai tử"
Theo thống kê từ Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Đồng Nai, hiện tại có hơn 80 doanh nghiệp hoạt động tại đây và xả thải hơn 9.000 m3 nước/ngày đêm trong đó chỉ có khoảng 1.000 m3 nước thải được đấu nối qua Khu công nghiệp Biên Hòa 2 để xử lý; số còn lại được các doanh nghiệp tự xử lý, rồi đổ trực tiếp ra sông Đồng Nai.
Tình trạng này đã khiến nước sông Đồng Nai bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nguồn nước sạch cung cấp cho người dân cũng như sức khỏe của hàng triệu người dân trong khu vực.
Tỉnh Đồng Nai đã có chủ trương chuyển đổi công năng, "khai tử" Khu công nghiệp Biên Hòa 1 để xây dựng thành khu đô thị nhằm thay đổi diện mạo TP. Biên Hòa. Hiện quá trình "khai tử" khu công nghiệp này đang được tiến hành nhưng rất chậm chạp.