Chủ tịch Tập đoàn Thuận An bị bắt: DN vài tỷ vốn tăng gấp 200 lần, nổi lên nhờ cầu đường
Từ một doanh nghiệp có quy mô vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn 3,9 tỷ đồng, trong vòng 10 năm trở lại đây Thuận An đã lớn nhanh như thổi, và vốn điều lệ đã gấp 200 lần lúc mới thành lập. Những năm gần đây, tập đoàn này nổi lên nhờ làm cầu đường.
Lớn nhanh như thổi
Như VietNamNet đã thông tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ” xảy ra tại CTCP Tập đoàn Thuận An (Thuận An Group) và các đơn vị, tổ chức có liên quan.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đồng thời ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với 6 bị can. Trong đó có ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Thuận An về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ”, quy định tại khoản 3 Điều 222 và khoản 4 Điều 354 Bộ luật Hình sự.
Hiện website của doanh nghiệp không thể truy cập. Tập đoàn Thuận An tiền thân là CTCP Phát triển Xây dựng và Thương mại Thuận An do ông Nguyễn Duy Hưng làm chủ tịch.
Thuận An Group được biết đến là tập đoàn chuyên về lĩnh vực đầu tư và xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh mua bán điện và năng lượng tái tạo, kinh doanh và đầu tư bất động sản.
Doanh nghiệp được thành lập vào tháng 8/2004 với vốn điều lệ khiêm tốn 3,9 tỷ đồng.
Giai đoạn 2011-2018, Thuận An Group bắt đầu con đường mở rộng quy mô với đích đến là xây dựng hạ tầng kỹ thuật với 3 lần tăng vốn điều lệ đều tính bằng lần. Đến năm 2014, vốn đăng ký của doanh nghiệp đã lên 300 tỷ đồng, tức tăng gần 80 lần sau 10 năm.
Năm 2021, doanh nghiệp tiếp tăng vốn điều lệ lên gần 3 lần (800 tỷ đồng, gấp hơn 200 lần so với khi mới thành lập).
Nhiều năm gần đây, Thuận An liên tục trúng hàng chục gói thầu xây lắp, trong đó có những gói thầu quy mô vài trăm tỷ đồng.
Trong vai trò là nhà thầu độc lập, hoặc thành viên liên danh, Thuận An hiện cũng đang trong thời gian thi công hàng loạt gói thầu tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Trong năm 2023, liên danh Tổng Công ty xây dựng số 1 – CTCP đầu tư xây dựng Trường Sơn - CTCP Tập đoàn Đạt Phương –Thuận An Group đã trúng gói thầu số 11-XL: Thi công xây dựng công trình cầu Đại Ngãi 2, tuyến và các công trình trên tuyến có giá gói thầu 2.073 tỷ đồng, giá trúng thầu 1.727 tỷ đồng.
Liên danh Thuận An Group - CTCP xây lắp và Cơ khí Phương Nam - CTCP xây dựng hạ tầng Bắc Trung Nam- CTCP tập đoàn xây dựng 168 Việt Nam trúng gói thầu xây lắp số 02: Thi công xây dựng đoạn Km22+000 - Km32+000 thuộc dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 với giá trúng 2.078 tỷ đồng.
Liên danh Thuận An Group - CTCP tập đoàn xây dựng 168 Việt Nam cũng đã trúng gói thầu số 04-XL thi công xây dựng đoạn Km12+500 đến Km19+120 thuộc Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn I), đoạn qua tỉnh Hà Giang với giá trúng thầu là hơn 815 tỷ đồng…
Những gói thầu có tên Thuận An còn có thể kể đến như gói thầu số 5 thi công xây dựng dự án sửa chữa cầu Thăng Long, TP. Hà Nội, trúng thầu tháng 7/2020 với giá 242,846 tỷ đồng; gói thầu XL10 thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn, trúng thầu tháng 12/2019 với giá 639,407 tỷ đồng.
Doanh nghiệp này cũng từng trúng gói thầu số 01EC thuộc dự án nút giao thông khác mức đường số 2 khu đô thị Nam TP. Tuy Hòa - đường Nguyễn Văn Linh (tỉnh Phú Yên), trúng thầu tháng 3/2019 với giá 496,034 tỷ đồng; gói thầu số 14 thuộc dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 15A đoạn Km301+500 - Km333+200, tỉnh Nghệ An với giá trúng thầu là 60,006 tỷ đồng.
Tại công trình xây dựng nút giao thông Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương thuộc dự án Phát triển bền vững TP. Đà Nẵng, Thuận An trong vai trò liên danh cũng là nhà thầu thực dự án, với giá trị hợp đồng gần 120 tỷ đồng.
Nổi lên từ việc xây cầu
Vài năm gần đây, tập đoàn này nổi lên là một nhà thầu trong các dự án làm cầu. Đó là dự án cầu sông Rút nằm trên tuyến cao tốc nối Hạ Long với Bạch Đằng; Cầu Cửa Hội - dây văng Extradosed bắc qua sông Lam; Cầu Vĩnh Tuy 2 - cửa ngõ ra vào Thủ đô Hà Nội; cầu Rạch Miễu 2...
Một dự án nữa mà Công ty CP Tập đoàn Thuận An thi công là dự án cầu Kỳ Lộ - cây cầu dài nhất (1,8km) trên tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh.
Tập đoàn Thuận An cũng chính là 1 trong 2 nhà thầu chính thi công cầu dây văng Máy Chai nối từ mương Cầu Tre (Ngô Quyền) sang đảo Vũ Yên (Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) với tổng mức đầu tư trên 2.000 tỷ đồng do một tập đoàn tư nhân làm chủ đầu tư. Công trình nằm ngay cửa biển có các tàu tải trọng lớn ra - vào.
Còn tại công trình cầu dây văng Đồng Việt nối tỉnh Bắc Giang với Hải Dương, Thuận An là nhà thầu đảm nhận khối lượng công việc lớn nhất dự án với giá trị thi công gần 800 tỷ đồng trên tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng.
Chủ đầu tư dự án này là Ban Quản lý dự án (BQLDA) Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang.
Trong 6 bị can, C03 cũng đã ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với ông Nguyễn Văn Thạo, Giám đốc và Đàm Văn Cường, Phó Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Nhận hối lộ”, quy định tại khoản 3 Điều 222 và khoản 4 Điều 354 Bộ luật Hình sự. Ông Hoàng Thế Du, Trưởng phòng Ban QLDA tỉnh Bắc Giang về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại khoản 3 Điều 222. |
>> Khởi tố bị can đối với nguyên Giám đốc Công ty PVD Training
Nóng: Khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Thuận An Group và 5 người liên quan
Khởi tố Chủ tịch Công ty Thuận An và 5 bị can về các tội đưa, nhận hối lộ