Ngày 15/6/2022, Tập đoàn Yeah1 (HOSE: YEG) đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên 2022. Tại đại hội, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Ảnh Nhượng Tống đã chia sẻ chi tiết về việc bán cổ phiếu cũng như rời khỏi Yeah1.
Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Yeah1 (HOSE: YEG) vừa bán xong toàn bộ 4.034.600 cổ phiếu YEG - tỷ lệ 12,89% nhằm giải quyết tài chính cá nhân. Giao dịch được thực hiện trong ngày 1/6/2022.
Bên cạnh đó, bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát bán hết 4,1 triệu cổ phiếu và DFJ VinaCapital Venture Investment Ltd – cổ đông lớn lâu năm bán toàn bộ 1,52 triệu cổ phiếu.
Đồng thời, kỳ đại hội năm nay cũng kết thúc nhiệm kỳ HĐQT và BKS 2018-2022. Do vậy, đại hội tiến hành bầu cho nhiệm kỳ mới 2022-2027. Danh sách ứng viên gồm ông Đào Phúc Trí, bà Lê Phương Thảo, ông Nguyễn Hoàng Giang, ông Lê Minh Nhật Tín và ông Trần Hoài Nam, không có tên ông Tống.
"Thời vàng son" của ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống tại Yeah1 sắp kết thúc
Bày tỏ tại ĐHĐCĐ diễn ra ngày 15/6, ông Tống chia sẻ việc bán cổ phiếu cũng như rút khỏi HĐQT khiến nhiều nhà đầu tư quan ngại có phải tháo chạy không. Lãnh đạo Yeah1 khẳng định nếu tháo chạy thì phải bán từ lúc đầu, thời điểm giá cao.
“Nếu tháo chạy thì phải tháo ngay từ lúc IPO giá 300.000 đồng/cp, còn hiện nay giá về đáy thì tháo gì nữa?”, ông Tống đặt câu hỏi.
Vị Chủ tịch cho biết 3 năm vừa qua là thời điểm khó khăn không chỉ của Yeah1 mà của nhiều công ty khác. Bản thân là người xây dựng Yeah1 ngay từ buổi ban đầu nên luôn canh cánh câu chuyện làm sao cho công ty tồn tại và phát triển. Sau khi lên sàn, câu chuyện không còn của các nhà sáng lập nữa mà ảnh hưởng đến nhiều cổ đông khác. Ban lãnh đạo luôn nỗ lực hết sức để đem lại hiệu quả cao nhất.
Tuy nhiên, sự ảnh hưởng của mùa dịch Covid-19 là cú đánh lớn vào chiến lược tận dụng sức mạnh cộng đồng để xây dựng nền tảng thương mại số. Yeah1 đã nỗ lực nhưng báo cáo kết quả kinh doanh không như mong muốn. Năm 2021, Yeah1 buộc phải có lãi tránh hủy niêm yết. Do đó, ban điều hành đã đi đến quyết định “đau lòng” là bán một số tài sản có tính thanh khoản cao để tồn tại.
“Bản chất của tôi là người start up, máu trong người luôn luôn là tấn công. Song, chiến lược của Yeah1 hiện nay là phải đi chậm, đi chắc trong giai đoạn 2022-2023 để hưởng thành công sắp tới. Do vậy, việc một người có máu tấn công mà ngồi trong ban lãnh đạo đôi khi đưa ra ý kiến trái chiều, gây ảnh hưởng không tốt. Trong bối cảnh sắp tới, cái gì đóng góp được cho Yeah1 tôi sẽ làm. Thông qua đó, Yeah1 có những đối tác khác, chia sẻ được và đồng hành chiến lược của công ty”, ông Tống nói.
Được biết, nhân tố mới xuất hiện trong HĐQT nhiệm kỳ mới là ông Trần Hoài Nam, sinh năm 1983 hiện là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thái Tuấn. Tập đoàn Thái Tuấn được thành lập từ năm 1993, là một trong những thương hiệu dệt may hàng đầu cung cấp sản phẩm vải, áo dài Thái Tuấn.
Ông Nguyễn Hoàng Giang, sinh năm 1986, Chủ tịch Chứng khoán DNSE, thành viên HĐQT loạt doanh nghiệp khác trên sàn chứng khoán như Ninh Vân Bay (HoSE: NVT), Kinh doanh khí miền Nam (HNX: PGS), Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG), Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (HoSE: SVC). Đồng thời, ông Giang cũng là Tổng giám đốc của CTCP Encapital Holdings và CTCP Công nghệ Tài chính Encapital.
Hai nhân tố mới sẽ rót vốn lớn vào tập đoàn qua đợt chào bán tối đa 78,6 triệu cổ phiếu riêng lẻ mà HĐQT trình tại đại hội. Vốn điều lệ dự kiến tăng từ 313 tỷ đồng lên 1.100 tỷ đồng.
Cụ thể, danh sách cổ đông tham gia phát hành riêng lẻ gồm CTCP Encapital Holdings (mua 11 triệu đơn vị), CTCP Công nghệ Tài chính Encapital (mua 15,7 triệu đơn vị), CTCP Tập đoàn Thái Tuấn (mua 25,2 triệu đơn vị), CTCP Quản lý quỹ Hợp Lực (mua 26,7 triệu đơn vị). Các nhà đầu tư này có cam kết gắn bó lợi ích lâu dài với tập đoàn, tối thiểu 3 năm.
Với giá chào bán 10.000 đồng/cp, doanh nghiệp muốn huy động 786 tỷ đồng cho mục tiêu tăng quy mô vốn hoạt động, đầu tư, mở rộng hoạt động kinh doanh.
Doanh nghiệp phân bổ 469 tỷ đồng để mua cổ phần các công ty trong lĩnh vực truyền thông số (digital media), nền tảng công nghệ truyền thông (tech-media) và công nghệ tài chính (fintech). Đó là Công ty cổ phần Yeah1 Edigital, Công ty TNHH truyền thông công nghệ Netlink Việt Nam, Công ty Finbase, Công ty dịch vụ tư vấn giải pháp đổi mới ICC VN, Công ty Saaspiens Việt Nam. Phần còn lại tập đoàn sẽ đầu tư cho hạ tầng công nghệ, bổ sung vốn lưu động công ty con, trả nợ vay.
HĐQT kỳ vọng fintech sẽ là một trong những mảng trọng tâm mang lại sự đột phá cho Yeah1 trong tương lai và Finbase là mảng ghép đầu tư cần có. Doanh nghiệp dự kiến mua 49% vốn công ty này.
Theo Yeah1, Finbase sở hữu nền tảng công nghệ quản lý tài sản, cung cấp các sản phẩm đầu tư đa dạng, đáp ứng nhu cầu giới trẻ (Gen Z). Ngành nghề chính là sản xuất phần mềm tạo ra tính năng quản lý và mua bán trái phiếu trên nền tảng Finbase. Quý I năm nay, Finbase tạo ra 3 tỷ đồng doanh thu và 1,36 tỷ đồng lợi nhuận.
Về hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp đưa ra kế hoạch 2022 gồm doanh thu hợp nhất 588 tỷ đồng, giảm 46% so với thực hiện năm trước; lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 24,7 tỷ đồng, tăng 25%.
Đánh cược vào ‘Anh trai’, ‘Chị đẹp’, Yeah1 bùng nổ từ đáy vực thời đại gia Nhượng Tống
Sau ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, cổ đông sáng lập còn lại cũng muốn rời ghế HĐQT của Yeah1