Đây là diễn biến trái ngược hoàn toàn so với chuyển động của các chỉ số thị trường chứng khoán châu Á phiên hôm nay.
15h00: Lực kéo phiên ATC
VN-Index được kéo tăng 4 điểm sau khi kết thúc phiên ATC. Nếu tính từ mức 1.198 điểm cuối phiên sáng, trong phiên chiều, chỉ số chính của thị trường đã có cú bứt mạnh từ đáy khoảng 16 điểm qua đó kết thúc phiên tại mức 1.214 điểm.
Đây là diễn biến trái ngược hoàn toàn so với chuyển động của các chỉ số thị trường chứng khoán châu Á phiên hôm nay.
Đóng cửa, VN-Index tăng 4,15 điểm (0,34%) lên 1.214,7 điểm, HNX-Index tăng 0,09 điểm (0,03%) lên 265,18 điểm, UPCoM-Index tăng 0,32 điểm (0,36%) đạt 88,55 điểm.
Về thanh khoản, dòng tiền bắt đáy chủ động gia nhập cuối phiên chiều giúp giá trị giao dịch khớp lệnh trên HOSE đạt 10.187 tỷ đồng - tăng 35% so với phiên liền trước. Tính chung toàn thị trường thanh khoản đạt 13.534 tỷ đồng.
Thị trường cuối phiên chứng kiến pha lội ngược dòng ngoạn mục của nhóm vốn hóa lớn. Trụ GAS nhường chỗ cho SSI vươn lên dẫn dắt thị trường. Theo quan sát, cú hích từ vốn hóa vừa và nhỏ giúp cổ phiếu lớn trong rổ VN30 kịp lấy lại sắc xanh khi đóng cửa.
Giao dịch khối ngoại nhuốm màu ảm đạm khi họ đẩy mạnh bán ròng gần 385 tỷ đồng trên HOSE; tâm điểm giao dịch thuộc về NLG (108 tỷ đồng), KDH (79 tỷ đồng), VHM (36 tỷ đồng), VCB (33 tỷ đồng), NVL (32 tỷ đồng), CTG (27 tỷ đồng).
14h25: VN-Index hồi lên tham chiếu
Đà giảm của thị trường được chặn đứng khi hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu nhận được lực cầu tốt trong đó nhóm chứng khoán có biến động tích cực. HCM tăng 4,8%, VCI tăng 3,5%, VND tăng 3,2%, SSI tăng 2,7%,... Các mã như GAS, BID, HVN, ACB, FPT, BVH,... cũng đồng loạt tăng giá.
VN-Index tăng 3,15 điểm (0,26%) lên 1.213,7 điểm; HNX-Index giảm 1,54 điểm (-0,58%) xuống 263,55 điểm; UPCoM-Index giảm 0,09 điểm (-0,1%) xuống 88,14 điểm.
11h30: VN-Index mất mốc 1.200 điểm
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 12,02 điểm (-0,99%) xuống 1.198,53 điểm; toàn sàn có 84 mã tăng, 348 mã giảm và 63 mã đứng giá. HNX-Index giảm 3,27 điểm (-1,23%) xuống 261,82 điểm; toàn sàn có 42 mã tăng, 109 mã giảm và 43 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,5 điểm (-0,57%) xuống 87,73 điểm.
Tổng giá trị khớp lệnh đạt 5.309 tỷ đồng - tăng 36% so với phiên trước trong đó giá trị khớp lệnh riêng sàn HOSE tăng 33% lên mức 4.486 tỷ đồng.
9h30: VIC có thời điểm xuất hiện giá sàn
Các chỉ số giảm điểm ngay từ đầu phiên giao dịch ngày 22/9 trước áp lực bán mạnh ở nhiều nhóm ngành cổ phiếu. Tâm lý nhà đầu tư tỏ ra bi quan trước các thông tin trong cuộc họp của Fed cùng với đó là phản ứng tiêu cực của thị trường chứng khoán Mỹ.
Các cổ phiếu trụ cột như VIC, MWG, BCM, VRE, VHM, MSN, NVL, VJC... đều đồng loạt giảm sâu trong đó VIC có thời điểm bị bán về mức giá sàn. Hiện VIC giảm còn 2,7% xuống 61.400 đồng/cp, MWG giảm 1,9%, BCM giảm 1,8%, VRE giảm 1,6%, MSN giảm 1,4%...
Ở chiều ngược lại, sự tích cực xuất hiện ở một số cổ phiếu lớn như GAS, SSI, PNJ... điều này phần nào kìm hãm đà giảm của các chỉ số. GAS tăng 0,9%, SSI tăng 0,2%, PNJ giảm 0,1%.
VN-Index giảm 9,17 điểm (-0,76%) xuống 1.201,38 điểm; HNX-Index giảm 1,43 điểm (-0,54%) xuống 263,66 điểm; UPCoM-Index giảm 0,23 điểm (-0,26%) xuống 88 điểm.
Đầu phiên: Thị trường phái sinh "chín sớm"
Ngay sau giờ mở cửa, các chỉ số HĐTL đều nhanh chóng giảm điểm từ 7 - 11 điểm trong đó giảm mạnh nhất là VN30F2210 với mức gần 11 điểm. Đà giảm sau đó tiếp tục được nới rộng ngay sát thời điểm cuối phiên ATO.
Đêm 21/9, rạng sáng 22/9/2022 (giờ Việt Nam), Cục Dự trữ Liên ban Mỹ (Fed) đã chính thức chốt phương án tăng lãi suất thêm 0,75% đồng thời bật mý về khả năng tăng lãi suất trong cả năm 2023.
Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng đồng thời nhấn mạnh về việc tới năm 2025 Mỹ mới có thể đưa lạm phát về mức chỉ tiêu (2%).
Phản ứng với thông tin này, Phố Wall tăng trước và trong thời điểm cuộc hợp của Fed diễn ra trước khi quay đầu giảm mạnh khi ông Powell kết thúc phiên hợp và rời hội trường.
Tại thị trường châu Á, khởi phiên 22/9, các chỉ số tâm điểm đều đồng loạt giảm sớm trong đó Hang Seng mất tới gần 2%, S&P Asia 50 giảm gần 2,9%. Chi tiết
Trước đó, kết phiên giao dịch ngày 21/9, thị trường chứng khoán giảm điểm trở lại sau với việc VN-Index mất hơn 8 điểm. Dù vậy, chỉ số chính của thị trường vẫn trụ lại mốc 1.210 điểm.
Tổng thanh khoản toàn thị trường phiên này chỉ vỏn vẹn 11.000 đồng - giảm so với phiên trước đó.
Đưa ra nhận định về thị trường phiên 22/9, FPT Capital Research cho rằng, trên phương diện kỹ thuật, VN-Index vẫn đang có ngưỡng hỗ trợ 1.200 điểm và chưa thể bứt phá khỏi vùng kháng cự 1.220. Thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục phân hóa nhưng thanh khoản vẫn sẽ tiếp tục giữ ở mức thấp trong phiên tới.
Đồng pha, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC) nhấn mạnh áp lực giảm vẫn còn rất lớn và 1.200 điểm là mức hỗ trợ mạnh cho chỉ số.
Fed sẽ tăng lãi suất sang năm 2023 trước khi tung 7 đợt giảm trong năm 2024 - 2025