Tuần đáo hạn phái sinh vừa qua bất chấp phiên giảm điểm xảy ra ngay từ đầu tuần và trạng thái đi ngang kéo dài của VN30-Index, bên mua vẫn lấn át hoàn toàn trong phiên đáo hạn chiều thứ Năm (17/2).
Xu hướng thị trường toàn cầu
Xu hướng của đa số thị trường chứng khoán lớn trên thế giới đang chuyển sang trạng thái suy giảm dài hạn.
Chỉ có thị trường Việt Nam với hai chỉ số VN-Index và VN30-Index còn dao động ở mức cao hơn đáng kể so với đường trung bình 200 ngày. Chỉ số SET Index của thị trường Thái Lan đang đạt được đà hưng phấn trong ngắn hạn, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với vùng đỉnh.
Sự suy yếu của yếu tố liên thị trường ảnh hưởng nặng nề nhất đến tầm nhìn trung hạn của dòng tiền lớn, qua đó tác động vào rổ cổ phiếu VN30-Index và gián tiếp khiến các hợp đồng tương lai chỉ số khó có thể duy trì được xu hướng tăng ổn định.
Tuần vừa qua, thị trường Việt Nam duy trì tâm lý thận trọng và có thanh khoản giảm bởi dư âm của kỳ nghỉ Tết, thị trường thiếu động lực sau mùa công bố kết quả kinh doanh quý IV/2021
Đồng thời, tốc độ mở mới tài khoản chứng khoán cũng đang có dấu hiệu chững lại. Số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết trong tháng 1/2022, nhà đầu tư trong nước mở mới 195.068 tài khoản chứng khoán, giảm 31.512 tài khoản so với thời điểm kỷ lục mở tài khoản trong tháng 12/2021. Con số này cũng giảm mạnh so với thời điểm tháng 11/2022 là 220.000 tài khoản.
Tuy nhiên, sức mạnh của dòng tiền và kỳ vọng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong năm 2022 vẫn còn. Yếu tố gây nên rủi ro cũng như đe dọa gây ra các biến động trong trung và dài hạn xuất phát chủ yếu từ thị trường tài chính toàn cầu.
Tổng quan thị trường tuần đáo hạn phái sinh
Trái với những góc nhìn thiếu thiện cảm đối với thị trường phái sinh, trong năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam chủ yếu tăng điểm trong các phiên đáo hạn hợp đồng tương lai chỉ số kỳ hạn 1 tháng.
Tuần đáo hạn phái sinh vừa qua bất chấp phiên giảm điểm xảy ra ngay từ đầu tuần và trạng thái đi ngang kéo dài của VN30-Index, bên mua vẫn lấn át hoàn toàn trong phiên đáo hạn chiều thứ Năm (17/2).
Vùng hỗ trợ 1.510 - 1.520 điểm không bị phá vỡ khi VN30-Index đóng cửa cuối phiên. Chênh lệch giữa giá hợp đồng VN30F1M và chỉ số VN30-Index nằm trong biên độ 5 điểm và số lượng hợp đồng giữ qua đêm thường xuyên duy trì gần 20.000 hợp đồng, cho thấy tâm lý nhà đầu tư đã dần ổn định trở lại.
Biên độ giá ngày càng thu hẹp và mẫu hình giá cũng như các chỉ báo kỹ thuật đang chuyển sang trạng thái trung tính. Do đó, chiến lược áp dụng trong tuần giao dịch mới (18 - 25/2) là mua nếu giá điều chỉnh về vùng hấp dẫn 1.480 - 1.490 điểm, bán chủ động nếu xuất hiện các nhịp tăng hưng phấn lên vùng kháng cự 1.540 - 1.550 điểm.
Chiến lược cho nhà đầu tư
Hợp đồng tương lai VN30F1M duy trì trạng thái đi ngang kéo dài 3 - 4 tháng vừa qua, bất chấp mức tăng trưởng ấn tượng của VN-Index, đôi khi khiến cho những nhà đầu tư giao dịch dài hạn cảm thấy ngao ngán.
Chiến lược giao dịch theo xu hướng vì thế chưa có điểm mở mới có xác suất thành công cao. Với xu hướng trung tính cũng như biên lợi nhuận thu hẹp dần, hoạt động đầu tư dài hạn nên tập trung bên phía thị trường cơ sở.
Tuy nhiên, dao động trong biên độ là lợi thế của hoạt động giao dịch ngắn hạn trên thị trường phái sinh, với các điểm mạnh như giao dịch T+0 và thanh khoản lớn, thuận lợi cho các chiến lược lướt sóng.
Theo đó, phương án mở lệnh mua hợp lý là giá xuất hiện các nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ 1.480 - 1.490 điểm và canh chốt lời chủ động ở vùng đỉnh cũ 1.540 - 1.550 điểm. Mức quản trị rủi ro là 10 điểm và tỷ trọng phân bổ nhỏ, bởi chiến lược mua ở vùng hỗ trợ có xác suất thành công không thực sự cao.