Công an kêu gọi nạn nhân vụ lừa đảo nghìn tỷ của Mr Pips và Mr Hunter trình báo
Tính đến nay, cơ quan điều tra đã xác định 2.661 người bị hại trên toàn quốc liên quan đến vụ án lừa đảo tài chính mạng do Phó Đức Nam (Mr Pips) và Lê Khắc Ngọ (Mr Hunter) cầm đầu.
Cuộc sống xa hoa của các trùm lừa đảo tài chính |
Liên quan đến vụ án lừa đảo tài chính mạng do Phó Đức Nam (biệt danh Mr Pips) và Lê Khắc Ngọ (biệt danh Mr Hunter) cầm đầu, Cơ quan điều tra Công an TP. Hà Nội yêu cầu các đối tượng liên quan ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Đồng thời, những người bị hại được khuyến nghị trình báo tại Phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS) Công an các tỉnh, thành trên cả nước để được hỗ trợ giải quyết.
Những nạn nhân tại Hà Nội có thể liên hệ Phòng CSHS Công an TP. Hà Nội (địa chỉ: 90 Nguyễn Du, Phường Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng) qua đường dây nóng 0886.882.338 hoặc trực tiếp qua điều tra viên Bùi Quang Tùng theo số 0989.651.412.
Vụ việc được phát hiện vào tháng 5/2024 bởi Công an Quận Cầu Giấy. Theo điều tra, Phó Đức Nam và Lê Khắc Ngọ đã tổ chức 44 văn phòng tại các thành phố lớn và quốc gia khác, trong đó 24 văn phòng tại Hà Nội, tập trung ở các quận trung tâm như Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai và Thanh Xuân. Các văn phòng khác đặt tại TP. HCM, Đà Nẵng, Campuchia, Thổ Nhĩ Kỳ và Thái Lan, với tổng cộng 1.918 nhân viên.
Các đối tượng lập ra nhiều sàn giao dịch ngoại hối và chứng khoán giả mạo như gtmx, alpha trading, iqx, lodonnex, ibmex, iswiss, trust... Giao diện các sàn này được thiết kế tương tự các sàn uy tín trên thế giới nhằm tạo lòng tin với nhà đầu tư. Tuy nhiên, do là sàn giả mạo, chúng có khả năng can thiệp hệ thống, điều chỉnh giao dịch để luôn thắng. Ban đầu, nhà đầu tư được khuyến khích tham gia bằng các khoản lợi nhuận nhỏ nhưng khi đầu tư lớn hơn, họ thường mất sạch tiền.
Cơ quan điều tra đã khởi tố 31 bị can, trong đó 26 người về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", 3 người về tội "Rửa tiền", 1 người tội "Không tố giác tội phạm" và 1 người tội "Chứa chấp, tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có". Tính đến nay, đã xác định 2.661 người bị hại trên toàn quốc; tổng số tiền bị chiếm đoạt hơn 28 tỷ đồng từ 18 đơn trình báo. Đáng chú ý, có trường hợp sinh viên Đại học FPT (22 tuổi, ở Quảng Ninh) bị lừa và chiếm đoạt 8 tỷ đồng.
Cơ quan chức năng đã thu giữ tài sản trị giá khoảng 5.200 tỷ đồng, gồm 316 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng, 9 tỷ đồng trái phiếu, 200 tỷ đồng sổ tiết kiệm, 69 tỷ đồng tiền mặt, 890 miếng vàng SJC, 246kg vàng nguyên khối, 31 siêu xe, 7 mô tô hạng sang, 59 đồng hồ cao cấp trị giá 300 tỷ đồng, cùng nhiều trang sức và 125 bất động sản bị phong tỏa.
Cảnh báo từ cơ quan chức năng
Qua vụ án này, Công an quận Cầu Giấy cảnh báo rằng hoạt động đầu tư ngoại hối (Forex) hiện chưa được pháp luật Việt Nam công nhận và bảo vệ. Tuy nhiên, tại Việt Nam, nhà đầu tư vẫn tham gia giao dịch thông qua hai hình thức:Trực tiếp mở tài khoản và thực hiện giao dịch trên các sàn quốc tế; gián tiếp thông qua các tổ chức, cá nhân tự nhận là đại diện sàn tại Việt Nam để gửi lệnh giao dịch.
Các giao dịch này thường được thực hiện qua phần mềm của công ty trung gian, khiến nhà đầu tư khó kiểm soát và dễ bị lừa đảo. Các đối tượng thường cấu kết để tạo và vận hành các trang web giả mạo, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân nhằm chiếm đoạt tài sản.
>> TikToker Mr Pips Phó Đức Nam đào tạo 1.000 nhân viên hoạt động lừa đảo thế nào?