Chứng khoán trong nước biến động ra sao khi các ông lớn tài chính quốc tế tăng lãi suất?

20-12-2021 15:31|Anh Tú

Cuối tuần qua, Ngân hàng Trung ương Anh thông báo nâng lãi suất cơ bản lần đầu tiên kể từ khi COVID-19 xảy ra, từ 0,1% lên 0,25%/năm. Trong khi đó, khả năng Fed tăng lãi suất 3 lần trong năm 2022 gần như là chắc chắn.

fed.jpg

Lạm phát cao kỷ lục khiến Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu siết chặt chính sách tiền tệ

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng, chính sách tăng lãi suất của Fed và một số quốc gia trên thế giới sẽ có tác động đặc biệt tới thị trường chứng khoán trong nước.

Theo ông Lực, Fed tăng lãi suất có thể khiến vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài “đảo chiều”. Các nhà đầu tư ngoại có thể sẽ rút vốn từ thị trường mới nổi (trong đó có Việt Nam) để chuyển sang thị trường Mỹ, châu Âu nhằm tận dụng lãi suất cao.

Cũng dự báo về khả năng này song TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định, nguy cơ xảy ra là không cao.

“Fed tăng lãi suất sẽ khiến thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm, kéo theo sự suy giảm của thị trường chứng khoán toàn cầu. Thực tế, thị trường chứng khoán Mỹ đã rục rịch giảm điểm từ khi có tin Fed sắp giảm lãi suất. Trong nước, nhà đầu tư ngoại cũng bán ròng gần 1 tỷ USD từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, tôi cho rằng, nhà đầu tư ngoại chỉ chốt lời sau một thời gian hưởng lợi từ ‘dòng tiền điên’ đổ vào chứng khoán.

Tôi cho rằng, nhà đầu tư ngoại không rút khỏi thị trường Việt Nam, mà vẫn "treo" số tiền này trong tài khoản, chờ thị trường giảm điểm. Dĩ nhiên, không loại trừ khả năng khối ngoại rút tiền về nước nếu lãi suất tăng, song khả năng họ ở lại thị trường Việt Nam lớn hơn, bởi vì nhà đầu tư biết rõ tiềm năng của thị trường”, ông Nghĩa nói.

Theo chuyên gia này, thị trường chứng khoán đang rất nóng, lòng tham đang như lớp băng mỏng che mờ nỗi sợ hãi. Khi lớp băng này bị phá vỡ, một số nhà đầu tư sẽ tháo chạy, thị trường tự tái cấu trúc… Khi đó, vốn ngoại quay lại mua ròng.

Thực tế, các chuyên gia kinh tế cũng không quá lo ngại về sự rút lui của vốn ngoại, nhất là khi nhà đầu tư nội đang ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc Khối Phát triển khách hàng tổ chức (Công ty Chứng khoán SSI) cho hay, hầu hết các quỹ ngoại bán mạnh thời gian qua là các quỹ đã có thời gian dài đầu tư vào Việt Nam và việc rút khỏi thị trường mới nổi là xu hướng chung của các quỹ này. Tuy nhiên, ngoài động thái chốt lời của các quỹ này, thời gian qua, thị trường chứng khoán Việt Nam lại chứng kiến sự vào ròng của các quỹ mới, nhất là các quỹ từ Đài Loan, Hàn Quốc.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung vẫn rất tiềm năng với nhà đầu tư ngoại. Chính vì vậy, bán ròng chỉ đơn thuần là động thái chốt lời và dòng tiền lớn vẫn tiếp tục ở lại thị trường Việt Nam, ngay cả khi Fed tăng lãi suất vào năm tới.

TS Cấn Văn Lực: 'GDP quý I cao nhất 5 năm nhưng doanh nghiệp vẫn khó khăn'

Kéo giảm 'thừa tiền' trong năm 2024

Ngân hàng tung loạt ưu đãi mới kích cầu bất động sản giá rẻ

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chung-khoan-trong-nuoc-bien-dong-ra-sao-khi-cac-ong-lon-tai-chinh-quoc-te-tang-lai-suat-120905.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Chứng khoán trong nước biến động ra sao khi các ông lớn tài chính quốc tế tăng lãi suất?
POWERED BY ONECMS & INTECH