Câu chuyện đầu tư

Chuỗi bệnh viện tư nhân vực dậy nhờ ‘liều thuốc’ cứu trợ, một tay xây dựng cơ ngơi dưới thời của ông chủ ngoại quốc

Ánh Nguyệt 16/09/2024 20:20

"Qua tay" nhiều chủ sở hữu, chuỗi hệ thống y tế Hoàn Mỹ đã phát triển thành mạng lưới hiện đại dưới thời của doanh nhân Singapore với 17 bệnh viện và phòng khám trải dài trên toàn quốc.

Từng được biết đến là người khai sinh ra mô hình bệnh viện tư nhân ở Việt Nam, chuỗi bệnh viện Hoàn Mỹ - “đứa con tinh thần” của bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng – đã phải chuyển giao quyền sở hữu cho một tập đoàn đến từ Singapore.

Bước ngoặt này không chỉ giúp doanh nghiệp thoát khỏi nguy cơ phá sản, mà còn củng cố vị thế của Hoàn Mỹ trong cuộc đua đầu tư vào lĩnh vực y tế tư nhân, vốn đang ngày càng cạnh tranh khốc liệt.

Khi “nỗi đau” trở thành “liều thuốc”

CTCP Y Khoa Hoàn Mỹ - chủ sở hữu của chuỗi bệnh viện Hoàn Mỹ, nổi tiếng trong ngành y tế tư nhân tại Việt Nam, được thành lập bởi bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng vào năm 1997. Bắt đầu từ Phòng khám Đa khoa Lý Thường Kiệt tại quận Tân Bình, TP. HCM với vốn vay hơn 1 tỷ đồng, ông Tùng đã khởi đầu cho chuỗi bệnh viện tư nhân bằng việc mở bệnh viện Hoàn Mỹ đầu tiên tại quận 3, TP. HCM vào năm 1999.

Tuy nhiên, việc thiếu kinh nghiệm quản trị và tài chính đã dẫn đến tình trạng nợ nần cho Hoàn Mỹ. Khủng hoảng kinh tế năm 2008 đã làm trầm trọng thêm vấn đề này, với khoản vay 270 tỷ đồng có lãi suất 22%/năm. Để tái cơ cấu nợ, ông Tùng buộc phải bán 44% cổ phần cho VinaCapital và Deutsche Bank.

Dù vậy, điều kiện của nhà đầu tư không giúp Hoàn Mỹ đạt được mục tiêu lợi nhuận. Vào năm 2011, ông Tùng quyết định bán 65% cổ phần cho Fortis Healthcare và chính thức rời khỏi công ty. Đến năm 2013, Fortis đã bán toàn bộ cổ phần cho Richard Chandler với giá 80 triệu USD và đến năm 2015, Tập đoàn này nắm giữ 100% cổ phần.

Chấp nhận rời bỏ bệnh viện mà mình “khai sinh", ông Nguyễn Hữu Tùng từng bộc bạch rằng: “Sau khi ký hợp đồng với Fortis, tôi có cảm giác như mình vừa gả đứa con của mình vào một nhà khác. Tôi không còn được chăm sóc, nuôi nấng nó nữa mà chỉ có thể làm một nhà tư vấn, giống như một “thái thượng hoàng” mà thôi”.

Dù vậy, bước đi này đã trở thành “liều thuốc” không chỉ cứu nguy cho doanh nghiệp khỏi cảnh phá sản mà còn mở rộng chuỗi bệnh viện Hoàn Mỹ trở thành doanh nghiệp đi đầu trong cuộc đua đầu tư vào lĩnh vực y tế tư nhân ngày càng khốc liệt, nơi mà nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng gia tăng.

Chuỗi bệnh viện tư nhân vực dậy nhờ ‘liều thuốc’ cứu trợ, một tay xây dựng cơ ngơi dưới thời của ông chủ ngoại quốc
Bác sỹ Nguyễn Hữu Tùng - người đặt nền móng đầu tiên cho chuỗi hệ thống y tế Hoàn Mỹ

Sức bật sau “bệnh cúm nặng” từ đại dịch Covid - 19

Sau khi về tay đại gia Singapore, hệ thống y tế Hoàn Mỹ đã liên tục mở rộng với nhiều thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid - 19 đã giáng đòn nặng nề vào nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế tư nhân nói riêng.

Trong khoảng thời gian dịch bệnh Covid - 19 hoành hành, hoạt động kinh doanh của các bệnh viện bị tác động tiêu cực dẫn đến số lượng bệnh nhân đến trực tiếp khám chữa bệnh giảm mạnh.

Từ đầu năm 2022, dịch bệnh được kiểm soát, lượng bệnh nhân đến bệnh viện khám, chữa bệnh tăng cao sau thời gian dồn nén giúp kết quả kinh doanh của doanh nghiệp cải thiện đáng kể. Từ khoản lỗ 481 tỷ đồng năm 2021, chủ sở hữu của bệnh viện Hoàn Mỹ bất ngờ báo lãi 483 tỷ đồng trong năm 2022.

Đà phục hồi tiếp tục duy trì đến năm 2023, doanh nghiệp báo lãi sau thuế đạt 633 tỷ đồng, tăng 31% so với con số của năm 2022. Cùng với đó, tình hình tài chính cũng có sự cải thiện đáng kể nhờ điều chỉnh chính sách tăng cường khả năng tự chủ. Điều này được minh chứng qua việc nợ phải trả của doanh nghiệp giảm hơn 1.300 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu tăng thêm hơn 1.000 tỷ đồng, mang lại nền tảng tài chính lành mạnh hơn.

Chuỗi bệnh viện tư nhân vực dậy nhờ ‘liều thuốc’ cứu trợ, một tay xây dựng cơ ngơi dưới thời của ông chủ ngoại quốc
Chuỗi hệ thống y tế Hoàn Mỹ hồi phục mạnh mẽ sau thời gian ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19

Một thập kỷ dưới thời của ông chủ ngoại quốc

Sau gần 10 năm dưới sự “lèo lái” của Tập đoàn Singapore, Y khoa Hoàn Mỹ đã đạt được những kết quả kinh doanh ấn tượng. Hiện nay, hệ thống bệnh viện Hoàn Mỹ bao gồm 17 bệnh viện và phòng khám, phục vụ hơn 5 triệu lượt khám bệnh mỗi năm.

Tiếp nối chiến lược mở rộng phát triển lĩnh vực y tế, Y khoa Hoàn Mỹ đề xuất đầu tư xây dựng dự án Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Vĩnh Phúc. Mục tiêu của dự án là đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng gia tăng, cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao, đồng thời tăng thêm lựa chọn cho người dân, đa dạng hóa các dịch vụ y tế và giảm tải cho các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh cũng như tại tuyến Trung ương.

Dự án Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Vĩnh Phúc dự kiến sẽ có quy mô từ 200 - 300 giường bệnh, trên diện tích khoảng 20.000m² với tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng.

Sự phát triển mạnh mẽ này không chỉ giúp Hoàn Mỹ củng cố vị thế hàng đầu trong lĩnh vực y tế tư nhân mà còn tạo đà cho việc mở rộng thêm mạng lưới y tế, nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng cao của người dân.

>> Mục tiêu mở thêm 10 cơ sở mới, bệnh viện hiếm hoi trên sàn chào bán 15,2 triệu cổ phiếu

VN-Index ‘cắm đầu’ giảm 13 điểm, một cổ phiếu ngân hàng ngược dòng phá đỉnh lịch sử

‘Đại gia’ buôn thép lao đao trong vòng xoáy công nợ với Novaland (NVL) và Xây dựng Hòa Bình (HBC)

Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Chuỗi bệnh viện tư nhân vực dậy nhờ ‘liều thuốc’ cứu trợ, một tay xây dựng cơ ngơi dưới thời của ông chủ ngoại quốc
POWERED BY ONECMS & INTECH