Chuyên gia: Các ngân hàng cho vay thông qua cầm cố cổ phiếu FLC sẽ bị ảnh hưởng

30-03-2022 10:50|Hiền Trang

Trong quá khứ, các vụ việc bắt bớ lãnh đạo cũng phản ứng ngắn hạn trước khi ổn định và phản ánh theo hoạt động của doanh nghiệp. Ngoại trừ trường hợp có ngân hàng cho vay mà cầm cố bằng cổ phiếu FLC thì mới bị ảnh hưởng.

Ngày 29/3/2022, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết đã bị khởi tố, bắt tạm giam với cáo buộc "thao túng" và "che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán".

Liên quan đến câu chuyện này, Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích CTCK Yuanta Việt Nam nêu quan điểm, trước giờ các hành vi vi phạm đều bị xử phạt hành chính rất nhẹ, chưa có tính răn đe. Với động thái mạnh tay trên, có thể thấy các cơ quan chức năng đang có hành động quyết liệt hơn, đảm bảo công bằng, minh bạch trên thị trường.

Theo ông Minh, cùng với làn sóng F0 tham gia mạnh mẽ và tăng trưởng của thị trường, việc các hội nhóm hô hào, tác động giá cổ phiếu xuất hiện rất nhiều. Đây chính là rủi ro cho thị trường đồng thời tạo ấn tượng không tốt với các nhóm nhà đầu tư nước ngoài. Chính vì thế, việc Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt tạm gian chính là động thái răn đe cho những các nhân, tổ chức có ý định “lái giá” trên thị trường trong thời gian tới.

Về tác động tới giá cổ phiếu họ FLC, ông Minh cho rằng phản ứng ngắn hạn của nhóm này có khả năng tiếp tục là giảm sàn.

Trước đó, các công ty chứng khoán cũng hầu như không cho vay margin lớn đối với nhóm này; ở các “kho” thì có nhưng sau thông tin “bán chui” cổ phiếu FLC hồi tháng 1 của lãnh đạo doanh nghiệp, nhiều kho cũng thu hẹp room hoặc không cho vay đối với cổ phiếu này. Tuy nhiên, không phải tất cả các room.

Ông Minh nhận định, trong ngắn hạn, không loại trừ tình huống các kho không bán được FLC khi force-sell sẽ bán một phần cổ phiếu khác trong danh mục của khách để thu tiền về.

Xét về thị trường, vị chuyên gia cho rằng, trước đây, nhóm cổ phiếu FLC chiếm thanh khoản cao và có tác động tới thị trường. Tuy nhiên, đến thời điểm này, quy mô và thanh khoản thị trường đã phát triển lớn hơn nên ảnh hưởng chủ yếu về mặt tâm lý và ở chính nhóm cổ phiếu FLC. Trong khi đó, thị trường tổng thể sẽ khó bị tác động nhiều nhờ dòng tiền mạnh.

Với các ngân hàng cho vay đối với doanh nghiệp FLC, trước hết, cho vay là có thẩm định kỹ lưỡng, có tài sản đảm bảo, lãnh đạo doanh nghiệp bị tạm giam để điều tra, còn hoạt động doanh nghiệp hiện đang diễn ra bình thường.

“Nhà đầu tư cần tách biệt 2 vấn đề này bởi trong quá khứ, các vụ việc bắt bớ lãnh đạo cũng phản ứng ngắn hạn rồi ổn định và phản ánh theo giá trị và hoạt động của doanh nghiệp ngay sau đó. Ngoại trừ trường hợp có ngân hàng cho vay mà cầm cố bằng cổ phiếu FLC thì mới bị ảnh hưởng”, ông Minh nói.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc CTCK Kiến thiết Việt Nam về thị trường cho rằng, vốn hoá nhóm cổ phiếu FLC chỉ chiếm khoảng 0,35%, số lượng cổ phiếu lưu hành 1%, tổng quy mô thanh khoản chỉ 2,35% toàn thị trường; các con số này cho thấy ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu này về mặt số liệu lên thị trường là không lớn, bản chất là nền tảng thị trường vẫn đang vững vàng.

Vụ Trịnh Văn Quyết: Khối tài sản 'khủng' của FLC thời điểm khởi tố vụ án gồm những gì?

Vụ Trịnh Văn Quyết: Một kiểm toán viên CPA Hà Nội ‘phản’ lời khai, kiên quyết không nhận tội

Lộ diện 2 ngân hàng đang ‘ôm’ 367 triệu cổ phần Bamboo Airways do một 'đại gia' thế chấp

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chuyen-gia-cac-ngan-hang-cho-vay-thong-qua-cam-co-co-phieu-flc-se-bi-anh-huong-124026.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Chuyên gia: Các ngân hàng cho vay thông qua cầm cố cổ phiếu FLC sẽ bị ảnh hưởng
POWERED BY ONECMS & INTECH