Nhóm cổ phiếu bất động sản kết phiên 18/4/2022 vẫn chưa chặn được đà giảm đồng thời đang được xếp vào nhóm cổ phiếu có rủi ro cao.
Không có điều kỳ diệu xảy ra với thị trường vào phiên 18/4/2022 trong bối cảnh lực cung lan mạnh ra nhiều nhóm cổ phiếu trong khi lực mua tỏ ra quá yếu ớt. VN-Index có thời điểm giảm sâu hơn 32 điểm trước khi thu hẹp đôi chút vào phiên ATC để đóng cửa phiên đầu tuần mất gần 26 điểm.
Đáng chú ý trong phiên này, hàng loạt cổ phiếu bất động sản dưới áp lực bán mạnh đã giảm sàn "trắng bên mua" như HUT, HQC, IDJ, HHV, DPG, LCG, FCN, DRH, VCG, CTD, TDC, QCG, LDG,...
Như vậy, nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn chưa chặn được đà giảm đồng thời cổ đất cũng đang được xếp vào nhóm cổ phiếu có rủi ro cao.
Từ việc trái phiếu nhóm bất động sản luôn có lãi suất cao cho đến thị trường bất động sản nóng và yêu cầu các NHTM tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và hạn chế vào các lĩnh vực đầu cơ. Mặc dù vậy, nhiều ý kiến lại cho rằng, đây vẫn là nhóm cổ phiếu có nhiều tiềm năng và vẫn còn dư địa tăng, đặc biệt đối với những doanh nghiệp có lợi thế về quỹ đất.
Bày tỏ quan điểm về ý kiến nêu trên, ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích - CTCK Sacombank (SBS) cho rằng: "Tôi đã có nhiều lần cảnh báo rủi ro về việc tham gia đầu cơ cổ phiếu bất động sản. Cho tới thời điểm hiện tại, tôi vẫn duy trì quan điểm như vậy bởi mặt bằng giá cổ phiếu doanh nghiệp bất động sản hiện tại đa số vẫn đang cao hơn khá nhiều so với giá trị nội tại của doanh nghiệp; những động thái thời gian qua của các cơ quan quản lý nhà nước là rất rõ ràng nhằm làm minh bạch và lành mạnh hóa thị trường bất động sản. Điều này chắc chắn sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động cũng như kết quả kinh doanh của doanh nghiệp ngành này trong thời gian không phải là ngắn".
Theo ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích - CTCK Quốc tế Việt Nam (VIS), cổ phiếu bất động sản đã có một chu kỳ tăng giá rất nhanh vào cuối năm 2021; hiện dù nhiều cổ phiếu đã điều chỉnh trên 20% nhưng mặt bằng chung thị giá của nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn cao hơn năm ngoái từ 50 - 80%; nhiều cổ phiếu bất động sản hiện đang có thị giá vượt qua giá trị thật doanh nghiệp khá xa.
Chính vì vậy, nhà đầu tư cần chờ thêm thời gian trước khi tham gia trở lại nhóm này. Riêng phân khúc bất động sản khu công nghiệp thì có nhiều tiềm năng hơn và nhiều cổ phiếu vẫn còn ở mức định giá hấp dẫn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân - CTCK Yuanta Việt Nam phân tích, các câu chuyện vừa qua đã tác động lớn đến tâm lý của các nhà đầu tư vào nhóm cổ phiếu bất động sản trong bối cảnh tình trạng đầu cơ nóng bất động sản cũng có thể còn ảnh hưởng đến nhu cầu thật của thị trường này.
Tuy nhiên, ông Minh cho rằng, nhóm bất động sản vẫn còn tiềm năng tăng trưởng trong năm 2022 nhờ đẩy mạnh đầu tư công trong lĩnh vực hạ tầng; ôi trường lãi suất thấp; inh tế hồi phục sau giai đoạn COVID-19 kéo theo nhu cầu thật vẫn tăng cao; cung bất động sản hồi phục nhờ gỡ nút thắt pháp lý ở nhiều dự án.
Do đó, các doanh nghiệp sở hữu quỹ đất lớn và có tiềm lực tài chính mạnh vẫn được xem là những cổ phiếu tiềm năng trong tương lai.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang khó khăn và dòng tiền ngắn hạn đang phân hóa, nhà đầu tư nên chờ đợi sự dịch chuyển rõ ràng của dòng tiền vào nhóm cổ phiếu này.