Việc bắt đáy cổ phiếu gãy xu hướng dài hạn là hành động có rủi ro rất cao và không nên thực hiện với phần đông nhà đầu tư.
Kết tuần giao dịch từ 7 - 11/2/2022, dù thị trường tăng trở lại mốc 1.500 điểm song một trong những nguyên nhân kìm hãm đà tăng của VN-Index đến từ áp lực giảm của trụ VIC khi mã giảm sâu xuống vùng đáy nhiều tháng.
Cụ thể, phiên 11/2/2022, chỉ số VN-Index giảm 5,08 điểm với việc trụ VIC của CTCP Tập đoàn Vingroup ghi nhận phiên giảm thứ 5 liên tiếp khi mất thêm 2,74% thị giá. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VIC đã giảm tới gần 16%.
Xa hơn, trong 1 tháng giao dịch gần nhất, cổ phiếu VIC đã mất 20.600 đồng thị giá - tương ứng giảm 20%. Theo đó, vốn hóa của mã cũng bay hơn 78.000 tỷ đồng về mức 312.000 tỷ.
Cùng với việc giá cổ phiếu lao dốc, khối ngoại sàn HOSE cũng ghi nhận bán ròng rất mạnh mã VIC tuần khai Xuân 2022 với giá trị 1.605 tỷ đồng.
Cũng tại VIC, dòng tiền cá nhân mua ròng rất mạnh cổ phiếu VIC với giá trị 1.936 tỷ đồng trong tuần. Trong khi đó, VIC bị tổ chức bán ròng 243 tỷ đồng.
Đưa ý kiến về việc có nên "bắt đáy" cổ phiếu VIC ở thời điểm hiện tại, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC) cho rằng: "Có thể nói, VIC là một trong những biểu tượng của thị trường Việt Nam. Việc VIC lỗ quý IV là rất đáng tiếc và gây ảnh hưởng tâm lý chung đến thị trường.
Theo thống kê, cổ phiếu này đã giảm gần 40% từ đỉnh và có thể rơi thêm. Thêm vào đó, xu hướng dài hạn hiện tại của VIC đã có những thay đổi. Việc bắt đáy cổ phiếu gãy xu hướng dài hạn là hành động có rủi ro rất cao và không nên thực hiện với phần đông nhà đầu tư.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam: "Đầu tiên chúng ta cần nhìn nhận đợt bán tháo mạnh của cổ phiếu VIC có hai nguyên nhân. Một là do kết quả kinh doanh ghi nhận thua lỗ do ảnh hưởng chung của dịch COVID-19. Hai là do việc cổ phiếu VIC bị khối ngoại bán ròng dồn dập trong tuần qua.
Với đà giảm sâu của VIC, tôi cho rằng cổ phiếu này đã về vùng giá ngắn hạn khá ổn. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần xem xét đà bán ròng của khối ngoại với cổ phiếu này còn hay không.
Dưới góc nhìn nhà đầu tư cá nhân, thời điểm hiện tại vẫn chưa nên "bắt đáy" cổ phiếu VIC bởi chưa có dấu hiệu xác nhận dòng tiền đã quay trở lại và khẳng định đây là vùng đáy hấp dẫn của cổ phiếu này".
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Agriseco dự báo, giá cổ phiếu VIC có thể sẽ khó tích cực cho đến khi có kết quả chính thức từ báo cáo kiểm toán. Trường hợp kết quả kiểm toán lợi nhuận năm 2021 vẫn lỗ, có thể cổ phiếu sẽ bị loại khỏi nhiều rổ chỉ số và gặp áp lực nguồn cung lớn.
"Tuy nhiên với vị thế của một trong những mã cổ phiếu lớn nhất trên sàn đồng thời kết quả 2021 thua lỗ tới từ nhiều yếu tố khách quan (ảnh hưởng dịch bệnh, hỗ trợ phòng chống COVID,..), tôi tin rằng giá cổ phiếu sẽ sớm hồi phục trở lại.
Đưa ra quan điểm cá nhân, ông Võ Văn Cường, Giám đốc đầu tư Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) khuyến nghị nhà đầu tư chưa nên bắt đáy cổ phiếu trong xu hướng chưa rõ ràng, đặc biệt bối cảnh thị trường chung của thị trường chung vẫn tiềm ẩn rủi ro trong tuần tới.
Theo thống kê, cổ phiếu lớn có giai đoạn sụt giảm, khả năng vẫn có thể tiếp tục điều chỉnh trước khi có thông tin rõ ràng để xác lập đà tăng giá.
[LIVE] Thị trường 13/12: VN-Index giảm 4 điểm, BSR có đột biến
Nhận định chứng khoán 13/12: Cơ hội xuất hiện khi VN-Index về 1.260 điểm