Vĩ mô

Chuyên gia FulfillPlus: Muốn 'mở khóa' thị trường Mỹ, doanh nghiệp Việt phải hiểu luật, giữ chuẩn và đi cùng đối tác bản địa

Hồng Gấm 10/05/2025 15:50

Chuyên gia FulfillPlus đã chỉ ra những điểm nghẽn và "chìa khóa" cụ thể cho từng lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, từ dệt may, nội thất gỗ đến nông thủy sản và giày dép, giúp doanh nghiệp tránh "bẫy" thuế và trụ vững trên thị trường lớn nhất thế giới.

Thị trường Hoa Kỳ là một sân chơi lớn với nhiều cơ hội, nhưng cũng đầy rẫy những thách thức về pháp lý và cạnh tranh. Bằng việc trang bị cho mình kiến thức sâu rộng về các quy định thuế quan, đặc biệt là nguy cơ thuế đối ứng, và xây dựng chiến lược ngành hàng thông minh, kết hợp với các giải pháp logistics hiệu quả, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể "mở khóa" thành công cánh cửa thị trường này, khẳng định vị thế và gặt hái những thành quả xứng đáng.

Tại Hội thảo “Thuế đối ứng của Hoa Kỳ: Sự chuẩn bị của doanh nghiệp Việt Nam”, ngày 9/5, ông Mohammed Selia, Giám đốc Điều hành của Công ty FulfillPlus đã chỉ ra những "điểm nghẽn" và đưa ra chiến lược căn cơ giúp doanh nghiệp Việt tránh bẫy thuế và trụ vững ở thị trường lớn nhất thế giới.

Ông Selia nhấn mạnh, Việt Nam hiện chưa có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hoa Kỳ, đồng nghĩa hàng hóa Việt phải chịu thuế nhập khẩu cơ bản, thường dao động từ 5% đến 30%, tùy vào phân loại và xuất xứ. Sai lệch trong khai báo xuất xứ có thể khiến doanh nghiệp bị nghi ngờ "lách" thuế trừng phạt mà Mỹ đang áp đặt với Trung Quốc. Do đó, doanh nghiệp Việt cần minh bạch về chuỗi cung ứng, tránh nhập linh kiện, nguyên liệu từ Trung Quốc rồi lắp ráp tại Việt Nam để tái xuất sang Mỹ mà không có giá trị gia tăng thực chất.

Chuyên gia FulfillPlus: Muốn 'mở khóa' thị trường Mỹ, doanh nghiệp Việt phải hiểu luật, giữ chuẩn và đi cùng đối tác bản địa
Dệt may là một trong những ngành mũi nhọn của Việt Nam tại Mỹ, nhưng cũng là ngành bị áp thuế cao, dao động từ 10% đến 30%.

>>> Vùng đất giáp ranh TP.HCM, gần 500.000 dân, giá nhà chỉ từ 31 triệu/m²: Cơ hội cuối cùng trước cú hích đại đô thị?

Khuyến nghị cụ thể đến từng ngành hàng, chuyên gia FulfillPlus chỉ rõ: Dệt may là một trong những ngành mũi nhọn của Việt Nam tại Mỹ, nhưng cũng là ngành bị áp thuế cao, dao động từ 10% đến 30%. Chỉ cần nhầm lẫn nhỏ trong phân loại mã HS hoặc sai sót ghi nhãn, hàng có thể bị trả về hoặc giữ lại ở cảng.

"Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) yêu cầu rõ ràng về gắn nhãn xuất xứ, chất liệu và hướng dẫn bảo quản, trong khi Customs Border Protection (CBP) kiểm tra gắt gao về mã sản phẩm và giá trị khai báo. Cần làm việc với đơn vị tư vấn chuyên về HS Code để đảm bảo mã hàng chính xác và đầu tư vào tem nhãn đúng chuẩn FTC để không bị trì hoãn thông quan", ông Selia khuyến nghị.

Với ngành nội thất – gỗ, đang đối diện nguy cơ bị điều tra thuế chống bán phá giá nếu không chứng minh được giá thành hợp lý và xuất xứ hợp pháp. Đạo luật Lacey của Hoa Kỳ yêu cầu chứng minh gỗ khai thác hợp pháp, truy xuất đến tận rừng trồng. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp Việt đang phụ thuộc vào nguồn gỗ nhập từ nước thứ ba, tiềm ẩn rủi ro lớn nếu không kiểm soát tốt chứng từ. Doanh nghiệp cần lưu trữ hồ sơ chuỗi cung ứng rõ ràng, hợp tác với các tổ chức chứng nhận rừng (FSC, PEFC), và chuẩn bị kỹ để tránh bị vướng vào diện rà soát thuế bán phá giá bất ngờ.

Đối với nông sản và thủy sản, Hoa Kỳ yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm. Các nhà nhập khẩu phải đăng ký với FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm) và USDA (Bộ Nông nghiệp Mỹ), đồng thời thông báo trước khi lô hàng đến cảng. Nhiều mặt hàng như tôm, cá tra, thanh long bắt buộc phải vận chuyển và lưu trữ trong chuỗi cung ứng lạnh, nếu không sẽ bị từ chối nhập khẩu.

Ông khuyến nghị, doanh nghiệp cần đầu tư vào kho lạnh chuẩn FDA tại Mỹ hoặc hợp tác với các đơn vị logistics có hệ thống này, đồng thời duy trì đăng ký cơ sở chế biến với FDA để tránh bị liệt vào danh sách đen.

Bên cạnh đó, hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, như mây tre, gốm sứ, sản phẩm tái chế, thường được hưởng thuế suất thấp hoặc miễn thuế, rất phù hợp để bán qua các nền tảng như Etsy, Amazon Handmade.Tuy nhiên, nếu sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc từ động vật hoang dã, doanh nghiệp có thể bị cấm hoàn toàn. Do đó, cần tận dụng lợi thế xuất khẩu DTC (trực tiếp đến người tiêu dùng) qua thương mại điện tử, đồng thời tránh xa vật liệu bị cấm theo quy định của Fish and Wildlife Service.

Giày dép Việt Nam xuất sang Mỹ phải đối mặt với thuế suất rất cao, thường trên 30%, đặc biệt với các mẫu có chất liệu tổng hợp, nhựa hoặc cao su. Điểm then chốt là cách phân loại HS Code theo vật liệu chủ đạo (upper, sole, lining), và thiết kế (thể thao, casual, bảo hộ…). Nếu sai lệch trong phân loại, hàng hóa sẽ bị tính sai thuế suất hoặc bị giữ lại để điều tra.

"Doanh nghiệp Việt cần xây dựng hồ sơ sản phẩm chi tiết, kèm bản mẫu vật liệu, ảnh kỹ thuật, và hợp tác chặt với đơn vị khai báo hải quan uy tín tại Mỹ", vị chuyên gia lưu ý.

>>>Một phân khúc tăng giá 300 triệu đồng/m2, chuyên gia cảnh báo: 'Đừng thấy đỏ mà tưởng chín'

Đàm phán thuế quan bước vào thời khắc quyết định: Bộ Công Thương đưa thêm một nhóm hàng tỷ USD lên bàn nghị sự

Đàm phán thuế quan bước vào giai đoạn then chốt, Bộ Công Thương họp gấp với các doanh nghiệp xuất hàng lớn sang Mỹ

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chuyen-gia-fulfillplus-muon-mo-khoa-thi-truong-my-doanh-nghiep-viet-phai-hieu-luat-giu-chuan-va-di-cung-doi-tac-ban-dia-289193.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chuyên gia FulfillPlus: Muốn 'mở khóa' thị trường Mỹ, doanh nghiệp Việt phải hiểu luật, giữ chuẩn và đi cùng đối tác bản địa
    POWERED BY ONECMS & INTECH